Hiến kế nâng cao chất lượng xe buýt Thủ đô

Ngày 17/11, tại Hà Nội, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm 'Xe buýt Thủ đô cần làm gì để nâng cao chất lượng?'. Tại tọa đàm, các khách mời đã cùng thảo luận, hiến kế để xe buýt đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, góp phần thực hiện chiến lược phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân của Hà Nội.

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó có 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour. Thành phố có 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động buýt với hơn 2.300 phương tiện. Mỗi ngày đảm nhận vận chuyển hàng chục nghìn hành khách.

Đáng chú ý, thông qua việc trao đổi giữa các khách mời tham dự tọa đàm như: Ông Lê Văn Đạt - Trưởng Phòng An toàn giao thông và phân tích cơ sở dữ liệu, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải (GTVT); ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội; ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội; PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ GTVT; ông Nguyễn Công Nhật - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus… những ưu điểm, hạn chế của xe buýt Thủ đô đã được chỉ rõ, đồng thời các chuyên gia đã cùng nhau hiến kế để nâng cao chất lượng xe buýt Thủ đô.

Các khách mời tọa đàm "Xe buýt Thủ đô cần làm gì để nâng cao chất lượng?" do Báo Giao thông tổ chức.

Các khách mời tọa đàm "Xe buýt Thủ đô cần làm gì để nâng cao chất lượng?" do Báo Giao thông tổ chức.

Tại tọa đàm, ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, hiện chất lượng dịch vụ xe buýt tại một số đơn vị được triển khai tốt và bài bản. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự phục vụ thì chất lượng phương tiện phải tốt.

Cùng đó, thời gian di chuyển của xe buýt cũng đóng vai trò tích cực giúp tăng tính hấp dẫn của loại phương tiện này. Tuy nhiên, thời gian đi lại của người dân khi tham gia xe buýt đang bị kéo dài. Nhược điểm này cần phải khắc phục.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, ùn tắc là một trong những nguyên nhân chính khiến xe buýt bị kéo giảm thời gian di chuyển. Ngoài ra, thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân khiến sức hấp dẫn của loại hình này cũng bị kéo giảm.

“Người dân vẫn có thói quen di chuyển kiểu "điền vào chỗ trống" bởi vậy, bên cạnh tuyên truyền về tuân thủ Luật Giao thông thì các ngành chức năng cần tăng cường xử lý vi phạm. Kết hợp đồng bộ các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông” - PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm hiến kế.

Quanh vấn đề này, ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, hiện nay mạng lưới vận tải công cộng thủ đô Hà Nội có 154 tuyến buýt, trong đó 130 tuyến trợ giá. Sản lượng 9 tháng đầu năm ước đạt được trên 350 triệu lượt khách tăng 58,9% so với cùng kỳ, đáp ứng tỉ lệ 19,5% so với nhu cầu.

“Hiện tại so với kỳ vọng còn nhiều khó khăn tuy nhiên, chúng tôi rất nỗ lực để thực hiện tối đa nhất có thể cùng với sự đồng hành của doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, thông tấn để nâng cao vận tải khách công cộng” - ông Thái Hồ Phương chia sẻ.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất quan điểm, với các đô thị lớn như Hà Nội, không có cách nào giải bài toán ùn tắc giao thông hiệu quả bằng việc phát triển giao thông công cộng, trong đó có xe buýt.

Để người dân thay đổi thói quen đi lại, ưu tiên chọn vận tải khách công cộng thay vì phương tiện cá nhân gây ô nhiễm và ùn tắc, bên cạnh các chính sách hạn chế phương tiện cá nhân, chính quyền Hà Nội cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho mạng lưới xe buýt nội đô.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hien-ke-nang-cao-chat-luong-xe-buyt-thu-do-162836.html