'Hiến kế' phát triển cây xanh đô thị Pleiku
Ngày 26-4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND TP. Pleiku tổ chức Hội thảo khoa học phát triển cây xanh đô thị tại Pleiku. Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành đã đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống cây xanh đô thị nhằm góp phần từng bước xây dựng thành phố 'Cao nguyên xanh vì sức khỏe'.
Còn nhiều bất cập
Theo ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku, thời gian qua, thành phố đã có sự quan tâm trong việc phát triển mảng xanh, làm đẹp thêm cảnh quan đô thị. Hiện trên địa bàn có 237 tuyến đường đã đặt tên do thành phố quản lý; trong đó có 107 tuyến đường đã được trồng cây xanh với tổng số 14.484 cây thuộc 32 chủng loại.
Các loại cây xanh chủ yếu như: sao đen 5.719 cây, chiếm 39,48%; dầu rái 2.824 cây, chiếm 19,5%; thông 2.661 cây, chiếm 15,61%; bằng lăng 532 cây, chiếm 3,67%... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 10 hoa viên, công viên đang được đầu tư chăm sóc, duy trì cây xanh với 2.773 cây các loại.
Tuy nhiên, việc phát triển cây xanh của thành phố thời gian qua cũng có những bất cập nhất định. Cụ thể, quy hoạch thành phố còn chưa đồng bộ, hệ thống cây xanh, điện, cấp nước, cáp quang còn chồng chéo. Các loại cây xanh trên địa bàn chủ yếu được trồng theo hồ sơ dự án nâng cấp, mở rộng đường do chưa được định hướng và quy hoạch phát triển cụ thể. Hệ thống cây xanh đô thị trên toàn thành phố phân bố không đồng đều, chủng loại chưa đa dạng và cũng chưa được bố trí phù hợp với cảnh quan và hệ thống cơ sở hạ tầng.
Phạm vi phần vỉa hè nhỏ nên khi bố trí phần điện, nước thì không còn không gian để trồng cây xanh, một số tuyến đường vẫn trồng dưới đường dây điện (ví dụ như đường Cách Mạng Tháng Tám). Đối với các hoa viên, công viên, việc cải tạo có nhiều giai đoạn đầu tư dẫn đến trồng cây xanh chưa đồng bộ…
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-khẳng định: Cây xanh được xem là lá phổi xanh của thành phố, có vai trò lớn trong việc hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa, làm đẹp cảnh quan và tạo môi trường sống trong đô thị. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh của TP. Pleiku, các công trình hạ tầng đô thị, nhiều dự án được đầu tư, các công trình kiến trúc phát triển nhanh chóng đã làm ảnh hưởng đến không gian sống của cây xanh. Một số hành vi xâm hại của một bộ phận người dân cũng gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây xanh.
Đặc biệt, hệ thống cây xanh thành phố được trồng qua nhiều thời kỳ nên chưa đem lại đặc trưng riêng cho cây xanh đô thị. Cùng với đó, hệ thống hoa viên, công viên tuy được thành phố quan tâm đầu tư bài bản, có bản sắc nhưng số lượng chưa nhiều so với tầm vóc của đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Cần quy hoạch phát triển tổng thể và lâu dài
Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành, đơn vị quản lý, doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến tâm huyết nhằm giúp TP. Pleiku xây dựng, phát triển hệ thống cây xanh đô thị trong thời gian tới. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho rằng: Cây xanh 2 bên đường phố có thể giảm 30-60% lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng; ngăn cản tiếng ồn; góp phần đa dạng sinh học; làm giảm thiểu khí nhà kính, làm giảm bức xạ mặt trời ra xung quanh; góp phần điều tiết tiểu khí hậu…
Trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000 kg khí CO2 và thải ra 730 kg khí O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người dân đô thị cần khoảng 10 m2 cây xanh hoặc 25 m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.
Do đó, chúng ta cần nghiên cứu về cây xanh và quy hoạch cây xanh, không chỉ đạt tỷ lệ xanh/người ở mức tối thiểu mà phải đảm bảo loại cây phù hợp với sinh thái (khí hậu, thổ nhưỡng), điều kiện tự nhiên (độ cao, độ dốc…), truyền thống văn hóa địa phương, đáp ứng mục tiêu an toàn cho khu vực trồng cây. Để thực hiện thì cần chú ý làm tốt công tác quy hoạch tổng thể và cụ thể cho từng khu phố, con đường, khu công nghiệp, công sở, dân cư, trường học… đảm bảo phù hợp với môi trường công việc và hướng đến sự phát triển bền vững của thành phố hiện đại mà vẫn giữ bản sắc riêng.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh đề xuất: Hệ thống cây xanh không chỉ đẹp, thân thiện với con người, hài hòa với các công trình kiến trúc, tạo dấu ấn mà còn mang tính hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống cây xanh đô thị cần có sự đa dạng về chủng loại, tán cây, loài hoa, màu sắc… Trong đó, đối với cây xanh đường phố cần ưu tiên chọn những loài cây bản địa để tạo điểm nhấn cho từng con đường, khu phố như: kơ nia, pơ lang, thông, bằng lăng, lộc vừng… thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và gần gũi với người dân địa phương.
Ngoài ra, thành phố cần chú trọng đến công tác xã hội hóa; tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh tại khu dân cư, hoa viên, công viên… góp phần hình thành đặc trưng cây xanh từng khu phố, từng tuyến đường cũng như có tác dụng về sự phân chia các tiểu khí hậu trong thành phố.
Về việc phát triển cây xanh trong các khu công nghiệp, TS. Đinh Quang Diệp (Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp TP. Hồ Chí Minh) cho hay: Cảnh quan xanh trong khu công nghiệp cần có sự gắn kết hài hòa giữa công trình và thiên nhiên trong thiết kế cảnh quan; phù hợp với môi trường nơi đặt khu công nghiệp, làm nổi bật đặc điểm sinh cảnh tự nhiên…
Do đó, cần chọn cây có bóng mát, lá có khả năng hấp thụ khí ô nhiễm, có khả năng hạn chế các chất độc khác như: SO2, chì, ozone… nhằm ngăn cản các chất độc di chuyển đi xa gây mưa acid ở các vùng ven và vùng xa hơn. Đặc biệt, cần chọn những loài cây lá có lông để có thể hấp thụ và giữ bụi, có cành nhánh dễ rung động nhiều để giảm tiếng ồn và thanh lọc môi trường không khí trong khu công nghiệp; đồng thời đáp ứng yêu cầu xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế trân trọng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp rất quý giá của các chuyên gia đầu ngành. Đồng thời, ông Quế đề nghị các phòng, ban chức năng, lãnh đạo các xã, phường cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để đề ra các giải pháp triển khai hiệu quả trong thời gian tới.