Hiến kế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
Hà Nội có vùng ngoại thành rộng lớn, cảnh quan đẹp, di sản văn hóa phong phú. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng. Sở Du lịch Hà Nội đang tìm giải pháp để thúc đẩy hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn trở nên hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Ngày 11/7, tại Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố.
Với vùng ngoại thành rộng lớn, Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
Sau khi Kế hoạch được ban hành, các sở, ngành, địa phương đã có các chương trình, hoạt động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hiện thành phố có hai sản phẩm OCOP du lịch nông thôn là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, đó là: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng, huyện Gia Lâm; điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, huyện Thường Tín; điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ, huyện Thanh Trì; điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây.
Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; nhiều mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau; cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa thỏa đáng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội thành lĩnh vực mũi nhọn để thu hút du khách lưu trú lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải gắn kết du lịch trải nghiệm nông nghiệp với các hoạt động làng nghề; thành phố có chính sách nguồn nhân lực nông thôn, tập trung định hướng chuyển đổi nghề cho thế hệ trẻ tại các địa phương cùng tham gia làm kinh tế; kết nối giữa ngành du lịch và giáo dục để đẩy mạnh du lịch học đường trải nghiệm tại các vùng nông thôn, tạo nguồn khách ổn định cho các điểm du lịch nông nghiệp.