Hiến máu đã trở thành thói quen, là đam mê, lẽ sống của hàng vạn người

Sau 25 năm phát động Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện - 7/4, cả nước đã thu được gần 22 triệu đơn vị máu được hiến tặng, cao gấp 7,4 lần so với năm 2000, tỷ lệ hiến máu tình nguyện từ 30% đã tăng lên 98%, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cả nước đã tiếp nhận gần 22 triệu đơn vị máu sau 25 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện

Hôm nay (7/4) - tròn 25 năm phát động Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện ở nước ta. Từ lời kêu gọi "hiến máu nhân đạo", phát triển mạnh mẽ thành phong trào hiến máu tình nguyện, giờ đây hiến máu đã trở thành thói quen thường xuyên, là đam mê, lẽ sống của hàng vạn người.

Phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, với nghĩa đồng bào ruột thịt "con Lạc cháu Hồng", những năm qua, hàng triệu trái tim người Việt có chung dòng máu Việt dù ở đâu đều luôn sẵn sàng đoàn kết, sẻ chia, hiến tặng những đơn vị máu ấm áp, mang lại sự sống cho biết bao người bệnh.

Năm 2000 đánh dấu một bước phát triển mới mang tính bước ngoặt của hoạt động hiến máu tình nguyện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp chính quyền, đoàn thể từ trung ương tới địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Cả nước đã tiếp nhận gần 22 triệu đơn vị máu sau 25 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.

Cả nước đã tiếp nhận gần 22 triệu đơn vị máu sau 25 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.

Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4 với chủ đề "An toàn truyền máu bắt đầu từ tôi", Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 43/QĐ-TTg về việc Vận động, khuyến khích toàn dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 là "Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo nên khí thế mới cho phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước, từ đây lượng người hiến máu tình nguyện tăng lên rõ rệt.

Ngày 7/4 hằng năm đã trở thành dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người; đồng thời khuyến khích, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu thường xuyên, nhờ đó đã tạo được phong trào hiến máu lan tỏa và rộng khắp ở các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Nguồn lực cho hoạt động hiến máu càng được củng cố khi năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện. Từ đó hoàn thiện mạng lưới Ban Chỉ đạo các cấp, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện công tác tuyên truyền vận động hiến máu.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho hay, đến nay, mạng lưới công tác vận động hiến máu tình nguyện toàn quốc đã được hình thành và từng bước hoàn thiện với 100% các tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; trên 99% có Ban Chỉ đạo cấp huyện và trên 86% số xã, phường có Ban Chỉ đạo.

Sau 25 năm Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4/2000 – 7/4/2025), từ chỗ đa phần là người bán máu, từ số đơn vị máu tiếp nhận rất khiêm tốn, lượng máu tiếp nhận và tỷ lệ hiến máu tình nguyện đã tăng dần qua các năm. Gần 22 triệu đơn vị máu đã được hiến tặng trong cả nước 25 năm qua. Lượng máu tiếp nhận hiện nay cao gấp 7,4 lần so với năm 2000, tỷ lệ hiến máu tình nguyện từ 30% đã tăng lên 98%.

Nếu như năm 2000, cả nước chỉ tiếp nhận được trên 236.000 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện mới chỉ đạt 30% thì lượng máu đã tăng lên hơn 500.000 đơn vị máu vào năm 2008 và sau 10 năm, đến năm 2010, cả nước đã tiếp nhận 674.000 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt gần 85%. Năm 2014, lần đầu tiên nước ta cán mốc 1 triệu đơn vị máu.

Đến năm 2024 vừa qua, toàn quốc vận động và tiếp nhận được hơn 1,7 triệu đơn vị máu, tương đương 1,7% dân số tham gia hiến máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 98%; từ đó đã cung cấp được hơn 3 triệu chế phẩm máu cho hơn 700 cơ sở y tế.

Trong đó, năm 2024, riêng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tiếp nhận được 505.639 đơn vị máu và chế phẩm máu (gồm 472.158 đơn vị máu toàn phần và 33.481 đơn vị tiểu cầu gạn tách), chiếm 28,9% lượng máu tiếp nhận của toàn quốc; cung cấp được 851.151 chế phẩm máu cho 185 cơ sở y tế tại 33 tỉnh/thành phố.

Tất cả những ca phẫu thuật, điều trị sẽ không thể thực hiện thành công nếu thiếu nguồn máu

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh, hơn 30 năm phát triển phong trào hiến máu tình nguyện nước ta nói chung và 25 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện thực sự là cuộc cách mạng thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện.

"Hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Nếu như trước đây còn ít cơ quan tổ chức hiến máu thì đến nay hiến máu tình nguyện đã trở thành hoạt động thường niên, trở thành nét đẹp văn hóa đáng tự hào của nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

Lực lượng người hiến máu từ chỗ chủ yếu là thanh niên, sinh viên thì đến nay đã được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo…" - PGS.TS Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh.

Nhiều bạn trẻ đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiến máu vào sáng mùng 1 Tết Ất Tỵ.

Nhiều bạn trẻ đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiến máu vào sáng mùng 1 Tết Ất Tỵ.

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương với vai trò là Viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế, là cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện đã có nhiều nỗ lực, không ngừng tiên phong, sáng tạo và là "đầu tàu" trong công tác truyền thông, vận động hiến máu. Viện đã khởi xướng và phát động nhiều chương trình, sự kiện hiến máu quy mô toàn quốc như Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ….

Nhìn lại chặng đường 25 năm phát động, hưởng ứng Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Điều hành công việc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thể hiện sự tự hào và tin tưởng về phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

"Từ những bước đi ban đầu với những khó khăn, thử thách, đến nay, phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa nhân ái của dân tộc. Hằng năm, chúng ta chứng kiến hàng triệu người dân tham gia hiến máu tình nguyện, trong đó có những tình nguyện viên không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn sẵn sàng dành tặng món quà vô giá – giọt máu nghĩa tình của mình để cứu sống người bệnh cần truyền máu"- ông Nguyễn Hải Anh khẳng định.

Đánh giá những kết quả tích cực của phong trào hiến máu tình nguyện nước ta trong 30 năm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện khẳng định: Tất cả những ca phẫu thuật, điều trị sẽ không thể thực hiện thành công nếu không có nguồn máu hiến tặng từ những người hiến máu tình nguyện trên cả nước.

"Chính các anh chị đã góp phần làm cho phong trào hiến máu tình nguyện tại nước ta vươn mình lớn mạnh, phát triển từng ngày, và đồng hành cùng ngành y tế từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại buổi gặp mặt 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2024 đã nhấn mạnh, nhân văn, nhân ái, "thương người như thể thương thân" là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Trong những lúc gặp khó khăn, sự cố, hoạn nạn, đồng bào ta không chỉ nhường cơm, sẻ áo cho nhau mà còn tìm mọi cách để cứu người qua cơn hiểm nghèo.

"Mỗi người chỉ cần hiến một phần máu của mình là đã góp phần cứu giúp, hồi sinh, giành lại sự sống cho nhiều người. Bên cạnh đó, nhờ có nguồn máu an toàn và chất lượng, còn giúp cho ngành Y tế có thể triển khai, áp dụng nhiều kỹ thuật mới hiện đại như: ghép tạng, ghép tế bào gốc.

Cùng với đội ngũ cán bộ Y tế "sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật" và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thì việc các bệnh viện có đủ nguồn máu an toàn, chất lượng là yêu cầu hết sức quan trọng"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thái Bình - Thảo Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hien-mau-da-tro-thanh-thoi-quen-la-dam-me-le-song-cua-hang-van-nguoi-169250407002017797.htm