Hiền ơi thầy đây!

Bố tôi là nhà văn Kim Lân. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông đi biền biệt. Mẹ đưa cả gia đình tôi tản cư về Đồi Cháy, tên gọi khác là ấp Cầu Đen nay thuộc thôn Sậu, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Hồi đó, Đồi Cháy được xem là 'Đồi văn hóa kháng chiến', nay đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh của Bắc Giang, nơi nhiều nghệ sĩ vẫn lui tới.

Hai gia đình văn nghệ sĩ đến ấp Cầu Đen - Đồi Cháy đầu tiên nhà văn Nguyên Hồng và nhà văn Kim Lân, đến từ năm 1947. Đi sau là gia đình các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn, rồi đến gia đình nhà văn Ngô Tất Tố. Sau nữa là một loạt gia đình của những nhà văn nổi tiếng như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Tú Mỡ, Vân Đài, Anh Thơ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà viết kịch Đình Bảng… Đội ngũ văn nghệ sĩ tản cư lên Đồi Cháy lên tới hàng chục người, mang theo hàng chục gia đình.

Văn nghệ sĩ tản cư được cấp đất, quần tụ lại trong một khu vực khoảng 15 mẫu dựng nhà cửa, sản xuất, bao bọc lẫn nhau cùng sinh sống trên vùng tự do. Không ít những tác phẩm để đời của văn chương kháng chiến đã ra đời tại Đồi Cháy. Nhà văn Kim Lân, bố tôi, viết "Làng", "Vợ nhặt", "Con chó xấu xí", "Bố con ông gác máy bay trên núi Cô Kê".

Nhà văn Kim Lân đóng vai Lão Hạc trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" do NSND Phạm Văn Khoa làm đạo diễn.

Nhà văn Kim Lân đóng vai Lão Hạc trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" do NSND Phạm Văn Khoa làm đạo diễn.

Bác Vĩnh Thụy viết chèo. Nhà văn Anh Lạc có "Buổi chợ trung du" (truyện). Bác Ngô Tất Tố thời gian này dành nhiều thời gian cho dịch thuật. Những chương đầu tiên của tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ đô" (Nguyễn Huy Tưởng) cũng hình thành từ Đồi Cháy. Bác nhà văn Nguyên Hồng thì sáng tác rất nhiều: "Ấp Đồi Cháy", "Địa ngục và lò lửa", "Đất nước yêu dấu", "Đêm giải phóng"… Sau này, cũng ở đây ông viết bộ tiểu thuyết "Núi rừng Yên Thế" (2 tập)… Họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn thì sáng tác một loạt tranh cổ động phục vụ kháng chiến như: "Đóng thuế nông nghiệp" (tranh tứ bình), "Góp thóc vào kho" (tranh lụa), "Mùa lúa chín" (tranh bột màu)… Các nhà thơ Tố Hữu, Tú Mỡ, Trần Đăng, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ… cũng có nhiều bài thơ ra đời ở Đồi Cháy. Đây cũng là nơi khởi thảo cho số Báo Văn nghệ ra đời năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc.

Thời tản cư, tất cả các gia đình trên Đồi Cháy đều đói, không đủ gạo để ăn. Mẹ tôi và các bác trồng ngô, trồng khoai, trồng sắn. Vẫn không đủ ăn. Bọn trẻ con chúng tôi thi nhau đi kiếm rau dền, rau sam, rau má, rau rệu... mọc ở ven ruộng, ven đường đi, rồi lấy củ chuối ăn độn thêm. Mỗi chúng tôi chỉ được ăn 1 bát, chưa kịp no đã hết cơm rồi. Mà đâu có phải là cơm không, có cơm độn ngô, khoai, sắn là may, đôi lúc còn phải ăn cả củ chuối và rau đi mót về ăn thêm cho đỡ đói.

Mẹ tôi và vợ các bác văn nghệ sĩ Nguyên Hồng, Tạ Thúc Bình nhận hàng quân nhu, may mặc cho quân đội, giã gạo cho bộ đội, chúng tôi có thêm chút tấm và còn có cả cám cho lợn ăn. Rau lang cũng khan hiếm, băm thêm bèo, chuối cho lợn ăn. Thấy mẹ vất vả, tôi quyết chí giúp bà, rủ các em đi kiếm rau phụ thêm thức ăn cho gia đình. Rau má, rau sam, rau dền, rau rệu… mọc ở ven đường, chúng tôi hái trụi trơ đến tận gốc.

Nhớ một hôm thấy mẹ vất vả quá, tôi lẳng lặng lấy rau lang và bèo ra băm cho lợn. Băm phầm phập vài nhát bỗng thấy đau nhói, nhìn xuống ngón tay cái máu chảy đầm đìa, tôi vội chạy vào nhà lấy thuốc lào rịt lại rồi ra sau nhà đứng, cắn chặt môi cho khỏi đau. Im lặng, tay giơ lên trời, máu vẫn chảy ròng ròng. Mẹ ra trông thấy kêu:

- Trời ơi, con tôi làm sao thế này!

Tôi nói con không sao đâu, u đừng lo.

Mẹ vội đưa tôi vào nhà băng lại cho tôi, và cấm không cho tôi băm rau cho lợn nữa.

Ngón tay cái của tôi bây giờ vẫn còn một vệt lõm vào. Mỗi lần nhìn vào nó tôi lại nhớ tới thời gian khổ, khó khăn của các gia đình trên quả đồi ấy. Lại nhớ tới sự đùm bọc chia ngọt, sẻ bùi của các gia đình với nhau và chúng tôi, những đứa trẻ trên đồi cũng thương yêu nhau hơn.

Chiến tranh lan rộng, thỉnh thoảng có những lần nghe tin địch sắp càn lên Nhã Nam, chúng tôi lúc nào cũng trong tinh thần chuẩn bị tản cư lên vùng cao hơn nữa. Mẹ làm cơm nắm, muối vừng, một túi ruột ngựa bằng vải may dài, cho gạo vào trong, buộc thắt nút hai bên lại, đeo vắt qua người, một tay nải đựng quần áo của mẹ và chúng tôi, một đôi quang gánh để mẹ chuẩn bị cho em Hạnh, em Đức của tôi ngồi hai bên thúng kèm với lủng củng nồi niêu, xoong, chảo, mắm, muối sẵn sàng gánh hai em và đồ đạc, cả nhà đi tản cư xa hơn nữa.

Chúng tôi lúc nào cũng chuẩn bị chạy tản cư, rồi thấy êm êm chúng tôi lại quay về sống như cũ. Tôi không nhớ mình chạy theo mẹ lần nào như vậy, chỉ nghe bố mẹ tôi kể lại. Tôi đã được đặt vào một bên thúng và ít quần áo, thúng bên kia đựng "con chó xấu xí" của mẹ tôi. Mẹ đã gánh tôi và con chó chạy khỏi làng Chợ Giầu khi tôi chưa đầy một tuổi.

Có lần máy bay bà già bay qua đồi, sát sạt. Tiếng máy bay xẹt xẹt qua đồi, mãi bao nhiêu năm sau, thỉnh thoảng tôi lại nằm mơ thấy máy bay bay chui qua nhà, chui qua hầm, láo liên nghiêng cánh đi tìm chúng tôi… Sau này hòa bình tôi về ở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Giải phóng Thủ Đô rồi tôi vẫn còn nằm mơ thấy máy bay bà già bay xuyên qua từ đằng sau ra đằng trước tòa nhà này. Giấc mơ ám ảnh tôi đến nỗi tôi cứ đinh ninh đó là thật.

Chương (họa sĩ Thành Chương) em tôi thì sau mấy lần máy bay xẹt qua đồi, cứ đêm đến, em tôi lại mộng du, vừa ngủ vừa đi ra ngoài định chui xuống hầm tăng xê. Tôi định gọi em nhưng mẹ bảo đừng gọi. "Em bị mộng du đấy, gọi làm em giật mình là ngã đấy". Tôi không dám gọi, chỉ ngồi thảng thốt nhìn em đi quanh nhà, ra hầm rồi lại quay về nhà lên giường ngủ ngon lành. Chắc em cũng nghĩ máy bay sắp đến thả bom nên trong giấc ngủ em cũng đi ra hầm chui xuống chui lên như vậy. Mà sao vừa đi vừa ngủ mà em không vấp ngã mới lạ chứ!

Một cảnh trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

Một cảnh trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

Rồi cho đến một ngày gạo lại về, chúng tôi không đói nữa. Nhưng ngón tay cái bị đứt lẹm một vết của tôi, mỗi lần nhìn thấy, tôi lại nhớ cái đói năm nào trên quả đồi. Lại nhớ những ngọt bùi chia sẻ quần tụ của các gia đình, các bác và cả bọn trẻ chúng tôi nữa. Nhớ một hôm đang ngồi ở bậu cửa, bỗng thấy một ông già mặc bộ quần áo nâu rách bươm, đầu đội nón mê, đeo bị cói, đen sạm, gầy khẳng khiu từ dưới chân đồi đi lên tiến vào nhà. Nhìn người này từ xa tôi sợ quá, cứ nghĩ là ăn mày, vội chạy tọt vào nhà xúc một bơ gạo để lên bục cửa cho ông ấy rồi vội chui tọt xuống gầm giường trốn. Bỗng nghe từ bóng người gầy gò đó thốt lên:

- Hiền ơi, thầy đây!

Đúng tiếng bố rồi! Tôi lồm cồm bò ra khỏi gậm giường, ngỡ ngàng sợ sệt đứng nhìn bố ... Ông ăn mặc rách rưới, gầy hốc hác, khẳng khiu, đen sạm, bên vai đeo bị cói, đầu đội nón mê cũng rách tả tơi, đôi mắt trũng sâu đứng chằm chằm nhìn tôi, lại cất lên:

- Hiền ơi, thầy đây!

Rồi ông ngồi thụp xuống ôm xiết tôi vào lòng. Thương bố quá tôi khóc nức nở. Chẳng hiểu sao bố lại ra nông nỗi này, trông y như ông ăn mày vậy. Mãi đến bao nhiêu năm sau tôi mới biết, đó là chuyến đi của bố tôi và bác Nam Cao vào vùng địch hậu công tác. Bị địch phát hiện bắn đuổi theo, bố và bác Nam Cao chia nhau chạy mỗi người một ngả. Trong chuyến đi này bác Nam Cao đã hy sinh. Bố tôi khi đó đã lặn xuống ao chỉ hở mũi trong đám bèo để thở nên địch không truy tìm được. Và rồi bố tôi chạy miết về Đồi Cháy, đứng trước mặt tôi gầy hốc hác, đen sạm quần áo rách rưới vá chằng vá đụp. Và tôi, con gái ông không nhận ra bố của mình, sợ quá chạy trốn vào gậm giường để bố tôi phải gọi "Hiền ơi thầy đây!".

- Hiền ơi, thầy đây!

Thầy đã thật sự tồn tại. Ông vẫn còn sống và đang ôm tôi trong vòng tay khẳng khiu của mình. Có hơi ấm của sự sống.

Sau này nhớ bạn, bố tôi đã đóng vai Lão Hạc trong Phim "Làng Vũ Đại ngày ấy". Ông đóng vai Lão Hạc theo ba tác phẩm - "Lão Hạc" - "Sống mòn" - "Chí Phèo" của bác Nam Cao. Mà đạo diễn là bác Phạm Văn Khoa cũng là bạn của bố tôi.

Nguyễn Thị Hiền

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/hien-oi-thay-day--i739199/