Hiến pháp trong lòng dân - từ nghị trường đến đời sống Bài 1: Nguyện vọng được lắng nghe
Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri. Trên mảnh đất gió Lào, cát trắng - tiếng nói của cử tri và nhân dân hôm nay mang theo kỳ vọng đổi thay: một bản Hiến pháp và hệ thống tổ chức chính quyền thực sự gần dân, minh bạch và khả thi.
Nhiều cử tri Bắc Trung Bộ đã chủ động theo dõi, lắng nghe và gửi gắm kỳ vọng qua phiên thảo luận tại Hội trường Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tất cả đều chung mong muốn việc sửa đổi lần này sẽ tạo lập nền tảng pháp luật gần gũi với đời sống xã hội; bộ máy tổ chức nhà nước hoạt động hiệu năng, hiệu quả hơn.
Từ những buổi chợ đến lớp học
Từ sáng sớm, tại xã Mai Giang, huyện Thanh Chương (Nghệ An), cụ Trần Hữu Nghi (78 tuổi) đã ngồi trước màn hình tivi. Cạnh đó, trên bàn là cuốn sổ nhỏ, nơi cụ vẫn thường ghi chép những điều cần nhớ trong các quy định pháp luật. Hôm nay, trang sổ ấy được lật sang một dòng đặc biệt: thảo luận về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cụ Nghi chia sẻ, tinh thần đổi mới trong quy trình lập pháp đã thực sự tạo gắn kết giữa nghị trường và đời sống.

Tiểu thương buôn bán nhỏ ở chợ Phuống (Thanh Chương, Nghệ An) theo dõi phiên thảo luận qua màn hình điện thoại. Ảnh: Hải Phong
Tại khu chợ của xã, chị Hoàng Thị Thủy (tiểu thương theo dõi trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội). Điều khiến chị Thủy xúc động là việc nhiều đại biểu nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và tiếng nói của người dân.
Từ thực tế ở cơ sở, nhiều cử tri không chỉ quan tâm đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp mà còn trăn trở về những thay đổi trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Với Bí thư Đoàn xã Thanh Lâm Đặng Quốc Bảo, điều khiến anh ấn tượng là cách các đại biểu thể hiện sự quan tâm thực chất đến quyền và vai trò của nhân dân trong từng nội dung thảo luận. “Các đại biểu không chỉ trao đổi về kỹ thuật lập pháp, mà còn cho thấy sự trăn trở về việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình - những điều rất sát với đời sống người dân”.
Tôi đồng tình với việc cần bổ sung tiêu chí miền núi vào quy định phân loại đơn vị hành chính, vì vùng này có đặc thù riêng về dân cư, địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội. Phải có cơ chế tổ chức chính quyền và dịch vụ công phù hợp mới bảo đảm công bằng… Hay những kiến nghị trình bày lại điều, khoản về bộ máy nhà nước theo hướng mạch lạc, không chồng chéo đều là những vấn đề thiết thực mà cán bộ cơ sở thường xuyên gặp vướng - cử tri Bảo chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Lộc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Giang (huyện Thanh Chương), theo dõi phiên họp từ đầu đến cuối. Điều khiến cô ấn tượng nhất chính là điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: “Điều hành mạch lạc, gợi đúng trọng tâm, giữ nhịp cho các đại biểu. Nhờ vậy, nhiều ý thẳng, rõ và thực sự đi vào trọng điểm”. Cùng với đó, các đại biểu đã đi thẳng vào vấn đề, không né tránh những nội dung quan trọng.
Đến gần với đời sống
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An Hoàng Thị Thu Trang nhận định: việc thảo luận tổ và hội trường, lại được truyền hình trực tiếp là biểu hiện rõ ràng của sự công khai, minh bạch, cầu thị. “Những sửa đổi lần này mang tính kiến tạo thể chế, gắn với tinh gọn bộ máy, phân cấp, phân quyền đúng với nguyện vọng thiết thực của người dân”, bà Trang nhấn mạnh.
Như một mạch ngầm nối dài qua từng vùng quê, điều nhiều cử tri nơi đây cùng đồng thuận là: sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này đang đến gần hơn với cuộc sống - không chỉ ở tầm khái quát, mà đã bước vào những vấn đề cụ thể của từng nhóm đối tượng, từng vùng miền. Đổi mới thể hiện bằng những phiên thảo luận công khai, những góp ý được lắng nghe và phản hồi rõ ràng.
Hình ảnh cụ Trần Hữu Nghi sau phiên thảo luận cẩn thận đóng lại cuốn sổ nhỏ, nhưng để trống dòng cuối cùng như một lời dặn lòng: “Tôi giữ lại một trang trống để ghi sau này: Hiến pháp có hiệu lực, từng bước đang đi vào cuộc sống?”- Câu nói ấy, nhẹ nhàng nhưng lắng đọng, như một nét ghi chú chân thành từ lòng dân gửi đến nghị trường. Như chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Thu: kỳ vọng những điều người dân góp ý hôm nay sẽ sớm được cụ thể hóa bằng những chính sách thiết thực, nhất là trong những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống như y tế, giáo dục, an sinh…
Câu chuyện “lập hiến” đang sôi động từ vùng quê Bắc Trung Bộ sẽ không còn là những điều khoản khô khan. Mà đó là hành trình nguyện vọng được lắng nghe, niềm tin được khơi dậy và trách nhiệm được xác lập.