Hiền tài như lá thu, tiểu nhân như cỏ dại
Tiểu nhân có thể đắc chí một thời, hiền tài mới lưu danh muôn thủa. Chẳng biết nếu được hồi sinh, Hạng Vũ có nhận thấy sai lầm lớn nhất.
Bộ phim truyền hình dài tập “Hán - Sở tranh hùng” vừa chiếu trên truyền hình cáp Việt Nam tái hiện cuộc đối đầu giữa hai nhân vật lịch sử Trung Quốc, đó là Lưu Bang và Hạng Vũ. Lưu Bang xuất thân là một đình trưởng, thuộc hàng “quan làng”, Hạng Vũ thuộc dòng dõi danh tướng, thủa hàn vi họ từng là bạn bè, trở thành kẻ thù không đội trời chung lúc thành danh. Hạng Vũ thua Lưu Bang, một phần vì Hạng Vũ là con người độc đoán, tàn bạo nhưng chủ yếu là do Hạng Vũ cao ngạo, không biết chiêu hiền đãi sĩ, không phải là kẻ thâm hiểm, lật lọng như Lưu Bang.
Các tác giả phim đã xây dựng hình tượng Lưu Bang bề ngoài là người nhân nghĩa, biết trọng dụng nhân tài, nghe lời mưu sĩ.
Lưu Bang từng ra lệnh lấy lương thực của binh sĩ chia cho dân đói, thế nhưng ông ta cũng mang đầy tật xấu của người thôn dã, mê gái, ham rượu. Hành quân đánh trận, Lưu Bang vẫn ôm ấp gái đẹp trên xe ngay trước mặt tướng sĩ.
Trên đường chạy trốn, Lưu Bang từng ra lệnh bỏ hai con đẻ bên đường nhưng thuộc tướng Hạ Hầu Anh không chịu, sau đó còn ra sức ngụy biện vì đại cục mà phải nhẫn tâm làm vậy… Khi bị quân Sở bao vây cướp hết lương thực, quân Hán bị đói, tình hình nguy cấp, Lưu Bang xin hòa giải với Hạng Vũ.
Nghĩ tình bằng hữu thủa hàn vi, một phần cũng vì “lời thỏ thẻ” của người thiếp yêu Ngu Cơ, Hạng Vũ đồng ý nghị hòa, cắt đất từ Hồng Câu về phía Tây giao cho Lưu Bang, từ Hồng Câu về phía Đông là của Hạng Vũ.
Trước khi rút quân Hạng Vũ còn chia lương thực cứu đói quân Hán. Lã Trĩ, Trần Bình, Trương Lương và các tướng lĩnh khác khuyên Lưu Bang phá bỏ giao ước, truy kích quân Sở khi Hạng Vũ không đề phòng.
Lưu Bang bề ngoài tỏ ra phản đối, thực ra không khó để thấy chỉ đại cao thủ mới có thể thực hiện chiêu “tuyệt đỉnh lừa dối” này.
Nếu Lưu Bang kiên quyết không lật lọng, liệu đám bề tôi có dám truy đánh quân Sở?
Về chuyện giết đại công thần Hàn Tín, người đời sau cũng quy hết tội lỗi cho Lã Trĩ và đám mưu sĩ mà coi Lưu Bang là vô can?
Hậu thế đánh giá cặp vợ chồng Lưu Bang – Lã Trĩ như sau:
Quân vương - logic của nghịch lý
(GDVN) - Một đấng Quân Vương có tinh thần ái quốc vĩ đại, dốc lòng phục vụ nhân dân, có đức cao trọng vọng, có tài năng xuất chúng, đất nước nhất định sẽ hùng cường.
“Việc làm của vợ chồng Lưu Bang là tàn nhẫn, vô đạo đức nhưng được xem là chọn lựa duy nhất trong hoàn cảnh đó, dẫn tới cái chết oan của nhiều phiên vương và gia quyến họ, là vật hy sinh cho cuộc đấu tranh chính trị đương thời”. [1] Xem thế để thấy dù mang đầy tật xấu bên mình, dù “tàn nhẫn, vô đạo đức” nhưng biết tập hợp lực lượng, biết dùng mồi lợi mà nhử đám thuộc hạ, kết hợp với thủ đoạn lừa bịp, biết đổ hết tội lỗi cho người khác là có thể làm nên sự nghiệp.
Cái khó trong việc đổ lỗi cho người khác là tìm được người “giơ đầu chịu báng”. Lưu Bang đã lợi dụng sự sắc sảo của vợ mình là Lã Trĩ trong mưu đồ xưng bá, còn người đàn bà đó cũng không ngại lợi dụng sự “khờ khạo” của Lưu Bang để mưu lợi cho bản thân, dòng tộc. Lưu Bang được thiên hạ còn Lã Trĩ thì bị mang danh là người đàn bà quỷ quyệt, bội tín, bất nhân vì ép Lưu Bang phá bỏ hòa ước với Hạng Vũ, chủ mưu giết chết khai quốc công thần Hàn Tín… Một thời làm mưa làm gió, con cháu họ Lã thâu tóm quyền hành, vơ vét của cải, cuối cùng thì cũng bị họ Lưu và đám công thần tiêu diệt, phần mộ Lã Trĩ cũng bị phế khỏi Trường Lăng, nơi an táng Hán Cao Tổ.
Chẳng những là kẻ “giơ đầu chịu báng” Lã Trĩ còn bị đời sau cho là người đàn bà độc ác nhất lịch sử Trung Hoa. [2] Với Lưu Bang, hậu thế dù có nói gì chăng nữa thì chỉ là chuyện sau này, độc chiếm thiên hạ thời hiện tại mới là điều quan trọng.
Có điều gieo nhân nào, gặt quả ấy, trở thành thiên hạ độc tôn, trở thành Hán Cao Tổ rồi cũng đến ngày nhắm mắt lìa đời.
Bốn người con trai của Lưu Bang là Lưu Ý, Lưu Hữu, Lưu Khôi, Lưu Trường lại bị chính vợ ông ta là Lã Trĩ giết chết hoặc bị ép phải tự sát.
Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài
(GDVN) - Những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, điêu toa... thì có học giỏi đến đâu cũng không được dự thi.
Không phải là vô lý khi các tác giả bộ phim cho người xem thấy một Lưu Bang đa nhân cách, vừa có vẻ nhân nghĩa lại vừa tráo trở, lật lọng, không biết cầm quân nhưng lại biết khống chế tướng lĩnh, vừa mê gái, ham rượu nhưng cũng thừa thâm hiểm để lợi dụng sự cao ngạo của đối thủ mà giáng đòn chí mạng ngay sau khi hòa hoãn, đúng lúc đối phương đắc chí không đề phòng. Nước Tần bị diệt, quân Tần theo Hạng Vũ nhưng rồi chính Hạng Vũ ra lệnh chôn sống 20 vạn quân Tần ở Hàm Cốc, triết lý của Hạng Vũ là làm cho kẻ khác sợ hãi uy danh mà quy thuận.
Cả đời chinh chiến, Hạng Vũ chỉ có người bạn gái duy nhất là Ngu Cơ cho đến lúc binh tàn, lực kiệt mới tổ chức đám cưới, ngay sau khi cưới Ngu Cơ tự vẫn để Hạng Vũ rảnh tay cự địch. Hạng Vũ chỉ tin mấy người trong gia tộc như Hạng Lương, Hạng Trang, Hạng Bá và vài thuộc hạ thân tín như Anh Thư, Chung Ly Muội, chính vì thế mưu sĩ tài giỏi Trần Bình, đại tướng lừng danh sau này là Hàn Tín đã phản Hạng Vũ mà theo Lưu Bang. Theo kế của Trần Bình, Lưu Bang sai người mang của cải mua chuộc binh lính Sở, quân Sở cáo ốm không chịu chiến đấu. Hàn Tín là một tướng tài nhưng xuất thân tầng lớp bình dân.
Năm 209 TCN ông tự mình mang kiếm xin tham gia nghĩa quân chống lại Nhà Tần. Hạng Lương và Hạng Vũ xem thường Hàn Tín vì ông thân phận thấp hèn, nhiều lần ông bày mưu cho Hạng Vũ, nhưng Hạng Vũ không dùng. Hạng Bá là chú Hạng Vũ nhưng lại tiết lộ bí mật cho Trương Lương khiến kế hoạch tấn công Lưu Bang không thành. Phạm Tăng tuy không phải họ Hạng nhưng hết lòng phò trợ Hạng Vũ để rồi bị Hạng Vũ nghi ngờ, chết vẫn còn tức tưởi. Không biết trọng dụng nhân tài, chỉ dựa vào người trong dòng họ và vài viên tướng thân cận, Hạng Vũ cứ tưởng thế là đủ để vô địch thiên hạ, ảo vọng ấy đã khiến Hạng Vũ không còn mặt mũi nào nhìn nam phụ lão ấu đất Giang Đông, phải tự vẫn bên bờ Ô Giang.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận việc ông Trần Đăng Tuấn bị loại
(GDVN) - Bầu cử mà lấy cơ cấu làm trọng, đến mức loại những người có năng lực, có trách nhiệm với xã hội thì khó hy vọng đại biểu có chất lượng như cử tri mong muốn.
Trong cuộc chiến Sở Hán, đối thủ xứng tầm nhất của Hạng Vũ là Hàn Tín chứ không phải Lưu Bang.
Hàn Tín từng đánh giá: “Hạng Vũ quát một tiếng cả ngàn người đều sợ mà ngã xuống nhưng người này lại không biết dùng hiền tài, chỉ có cái dũng của kẻ thất phu”.
Kẻ cao ngạo như Hạng Vũ, vốn là chiến binh vào sinh ra tử nhưng dùng “cái dũng của kẻ thất phu” mà hy vọng bình thiên hạ thì thật quá mơ mộng. Phàm đã là kẻ “thất phu” thật khó để thu nạp dưới trướng toàn những tài năng xuất chúng mà lại tuyệt đối trung thành, đúng như cổ nhân đã dạy “thầy nào tớ nấy”. Một khi nhân tài rũ áo ra đi, còn lại đa phần đều là bọn cơ hội, vậy nên không có gì khó hiểu khi thuận buồm xuôi gió thì chúng ùa nhau lên thuyền, khi nước sắp tràn vào khoang thì như lũ chuột tranh nhau chạy trốn. Bi kịch và cũng là sai lầm lớn nhất trong đời Hạng Vũ là biến những người tài giỏi, một lòng muốn đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp của mình thành những người bất đồng, đẩy họ sang bên kia chiến tuyến. Bỏ Hạng Vũ theo Lưu Bang làm đại tướng quân, góp công đầu trong việc tiêu diệt nước Sở là Hàn Tín.
Giữa hai đại tướng quân lừng danh kim cổ này, cái chết của Sở vương là chết trên chiến trường, cái chết của một chiến binh dũng cảm. Cái chết của Hàn Tín là kết cục bi thảm của kẻ có tài nhưng ngu trung, không biết bảo vệ bản thân và gia tộc để đến nỗi bị vạ tru di. Đời sau dù coi Hạng Vũ là anh hùng song vẫn cho rằng kẻ “gieo mầm sợ hãi” sớm muộn cũng “nhận quả tai họa”.
Giá như Hạng Vũ biết nghe lời Phạm Tăng, biết trọng dụng Trần Bình, Hàn Tín thì những người đó sẽ trở thành “sáu trụ cánh của con chim hồng hộc”, sự nghiệp của Hạng Vũ đâu chỉ là Tây Sở Bá vương? Về chuyện trọng dụng nhân tài, gần hai nghìn năm sau thời Hán Sở tranh hùng, năm 1427 trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết (Ngô Tất Tố dịch): Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông, Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả… Muốn cứu nước, muốn tiến về phía Đông cần phải “chăm chắm cầu hiền”, cần dành cho hiền tài vị trí trang trọng ở “phía tả”.
Binh pháp quan trường, kế thứ 8 – “Ngôn pháp Tà Lưa”
Tiếc thay tài năng và đức độ của Nguyễn Trãi lại không song hành với số phận của ông. Có tài, có đức mà gặp buổi nhiễu nhương, chốn quan trường xảo trá, gian thần xiểm nịnh lộng hành, thật khó để yên thân chứ đừng nói tham gia chính sự. Có điều lịch sử luôn công bằng, sau thời Tam quốc, người Hán lập miếu thờ Gia Cát Lượng, Quan Vân Trường, không thấy nói miếu thờ Lưu Bị. Trong số rất nhiều danh tướng thời Trần, người duy nhất được dân gian phong thánh là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hiền tài như lá thu, rạng rỡ lúc chiều tà.
Tiểu nhân như cỏ dại, run rẩy trong gió đông.
Tiểu nhân có thể đắc chí một thời, hiền tài mới lưu danh muôn thủa.
Chẳng biết nếu được hồi sinh, Hạng Vũ có nhận thấy sai lầm lớn nhất đời mình?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A1n_Cao_T%E1%BB%95
[2]http://phunutoday.vn/kham-pha/nhung-ba-hoang-hau-doc-ac-nhat-lich-su-trung-quoc-93700.html