Hiến tặng mô tạng - Một sứ mệnh và thông điệp tốt đẹp, rất nhân văn

Xung quanh vấn đề vận động người dân hiến mô tạng, Đại đức Thích An Đạt - Ủy viên Hội đồng trị sự Phật giáo Việt Nam đã có những chia sẻ để mọi người hiểu rõ về vấn đề này trong giáo pháp nhà Phật.

Các y bác sỹ tri ân người hiến tạng và dành 1 phút mặc niệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các y bác sỹ tri ân người hiến tạng và dành 1 phút mặc niệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phật giáo từ lâu vốn đã in sâu trong tiềm thức người dân, gắn bó với sinh hoạt cộng đồng người Việt, một sự gắn bó tự nhiên. Sự tồn tại lâu dài của Phật giáo trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đã đem lại những đóng góp đáng kể cho văn hóa, tư tưởng, kinh tế trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Phật giáo đã tham dự vào cấu trúc văn hóa Việt với tư cách là thành tố văn hóa-tinh thần. Mỗi một người đến với Phật giáo là đến với cõi tịnh tâm, để con người trở về với chính mình, lấy ánh sáng trí tuệ của đạo pháp đẩy lùi cái vô minh, gột rửa tham, sân, si trong chính bản thân.

Với tinh thần “lợi đạo, ích đời”, Phật giáo Việt Nam hướng tới các giá trị đạo đức, nhân văn vì hạnh phúc của chúng sinh, vì sự an bình của đất nước. Phật giáo khi được truyền vào Việt Nam luôn hòa mình vào văn hóa dân tộc, khơi dậy và phát huy tinh thần khoan dung, dân chủ, yêu nước, thương nòi, cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận xã hội qua phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”.

Xung quanh vấn đề vận động người dân hiến mô tạng, Đại đức Thích An Đạt - Ủy viên Hội đồng trị sự Phật giáo Việt Nam đã có những chia sẻ để mọi người hiểu rõ hơn về những quan niệm của Đức Phật.

Từ bi hỷ xả với một trái tim nhân ái

- Hiện nay, có khá nhiều người dân có quan niệm là chết phải toàn thây, Đại đức có thể cho biết quan niệm này của đạo Phật như thế nào?

Đại đức Thích An Đạt: Thực ra quan niệm chết toàn thây không phải là quan điểm của Đạo phật, đó là một quan niệm dân gian. Trong Phật giáo chúng ta có hai vấn đề cần lưu tâm. Vấn đề thứ nhất là trong tư tưởng chính của nhà Phật đó là từ bi và sẻ chia. Một trong những từ bi sẻ chia của Đức Phật hướng tới đó là con người sẻ chia ngoại tài và nội tài. Nội tài là những bộ phận của cơ thể. Lời răn dạy của Đức Phật là nếu như có thể người thực tập tư tưởng nhà Phật nên có sự sẻ chia đầy đủ nội tài, một bộ phận cơ thể hoặc toàn cơ thể này để đóng góp vào việc giúp và cứu người. Trong thực tế, những câu chuyện về Đức Phật trong quá khứ cũng có nhiều tiền thân của Ngài đã hiến toàn bộ cơ thể mình cho một việc nào đó.

Vấn đề thứ hai, chúng ta hay quan niệm rằng khi chết đi người thân không được đụng vào, rồi phải toàn thây... thực ra đó cũng không phải là quan niệm của Phật giáo. Bởi trong kinh Phật nói rất rõ, đó là trong cơ thể chúng ta được hình thành bởi hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là về mặt vật chất gồm đất, nước gió, lửa. Yếu tố thứ hai là về tinh thần, đó là thần thức của chúng ta. Khi mỗi người chết, y học xác định đã chết một cách hoàn toàn, khi đó cơ thể này không còn giá trị nữa đối với người đã mất, vấn đề chuyển hóa của luân hồi chỉ dựa vào yếu tố thần thức mà thôi.

 Đại đức Thích An Đạt - Ủy viên Hội đồng trị sự Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại đức Thích An Đạt - Ủy viên Hội đồng trị sự Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Quan niệm từ bi hỷ xả trong đạo Phật được thể hiện rõ ràng như thế nào trong việc hiến tặng mô tạng thưa Đại đức?

Đại đức Thích An Đạt: Tinh thần từ bi sẻ chia trong nhà Phật được thể hiện rất rõ trong lời kêu gọi của Đức Phật về việc bố thí cứu người. Trong sinh hoạt của nhà Phật suốt hàng ngàn năm qua luôn luôn khuyến khích người xuất gia cũng như người tại gia, những đệ tử Đức Phật cần phải có sự bố thí. Nếu chúng ta có điều kiện về vật chất, điều kiện về tài sản, chúng ta giúp sức về mặt tài sản. Nếu chúng ta không có điều kiện về mặt tài sản thì chúng ta có thể bố trí bằng tình thương, là những tấm lòng nhân ái của mình. Còn nếu như chúng ta không có gì cả thì chúng ta vẫn có cái để bố thí là nội tài của mình, đó là toàn bộ hoặc một phần cơ thể của mình.

- Đại đức nhắn nhủ với các Phật tử như thế nào trong nghĩa cử cao đẹp hiến tặng mô tạng?

Đại đức Thích An Đạt: Hiến tặng mô tạng là một sứ mệnh và thông điệp tốt đẹp, rất nhân văn và không chỉ đối với người học Phật, người tu Phật, mà còn là một thông điệp nhân văn trong cộng đồng xã hội để có thể giúp được một người hoặc nhiều người nào đó khi chúng ta không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa. Như vậy, đến lúc chết đi rồi chúng ta vẫn có thể làm điều tốt đẹp, điều công đức. Chúng tôi vẫn mong muốn tất cả những người thực hành niềm tin của Phật giáo hay cả những người không thực hành có trái tim nhân ái cùng cho đi vì cho là còn mãi.

 Các phật tử tại chùa Quán Sứ nghe thuyết pháp về lợi ích của việc hiến mô, tạng cứu người trong giáo pháp của Đức Phật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các phật tử tại chùa Quán Sứ nghe thuyết pháp về lợi ích của việc hiến mô, tạng cứu người trong giáo pháp của Đức Phật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Đừng bao giờ nghĩ rằng ta là người vô nghĩa”

- Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế đánh giá rất cao vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có khía cạnh vận động mọi người dân hiểu về việc hiến tặng mô tạng. Thầy có thông điệp gì gửi tới mọi người dân trong công tác vận động hiến tặng mô tạng?

Đại đức Thích An Đạt: Bản thân tôi đã đăng ký hiến mô tạng cách đây 3 năm. Với mọi người, tôi nghĩ quan niệm về hiến tạng của mọi người đã có sự thay đổi. Đơn cử như tại buổi lễ ký kết hợp tác giữa Hội vận động hiến ghép mô tạng và Giáo hội, ban đầu nhiều người tỏ ra rất e ngại, nhưng sau khi được các Thượng tọa phân tích kêu gọi và có thông điệp truyền đi rõ ràng thì nhiều người đã chủ động, sẵn sàng viết vào đơn đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời.

Qua đó cho thấy công tác truyền thông, vận động là rất quan trọng, để mọi người hiểu được ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng. Khi mọi người đã thông suốt quan điểm này, tôi chắc chắn chuyện tự nguyện hiến mô tạng sẽ dễ dàng hơn.

Một trong những thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm là chúng ta vẫn có thể làm những điều tốt đẹp có ích cho xã hội khi không còn trong cuộc đời này nữa. Một trong những điều lợi ích đó là có thể giúp sức và cứu sống một hay nhiều người khác. Vì vậy, mọi người đừng bao giờ nghĩ rằng ta là người vô nghĩa, là người không có giá trị ở đời này. Nếu như có suy nghĩ như vậy thì tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể đóng góp một phần công sức của mình, một phần gia tài cá nhân của riêng mình bằng chính cơ thể của mình để có thể cứu người, đem đến cơ hội sống cho những người đang cần.

- Thưa Đại đức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian vừa qua đã có ký kết với Hội vận động hiến mô tạng và cơ thể người, Thầy có thể cho biết là trong thời gian tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có những hoạt động như thế nào để phong trào hiến tạng lan tỏa hơn nữa đến nhiều người dân?

Đại đức Thích An Đạt: Trước đây Giáo hội cũng đã vận động các cá nhân tăng, ni, các tự viện cũng đã vận động hiến mô tạng rất nhiều và nhờ đó, đã có hàng ngàn tăng ni, phật tử làm đăng ký hiến mô tạng sau khi mất.

 Các phật tử đăng ký tham gia hiến mô tạng tại Chùa Quán Sứ (Hà Nội). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các phật tử đăng ký tham gia hiến mô tạng tại Chùa Quán Sứ (Hà Nội). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong tháng 6 vừa qua, Giáo hội đã có thông điệp chính thức khi ký kết với với Hội vận động hiến mô tạng và cơ thể người và từ hoạt động vận động chính thức này, Giáo hội cũng đã thành lập một bộ phận thường trực để điều phối công việc này. Giáo hội sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền đến 63 tỉnh thành, như vậy không chỉ ở cấp trung ương, mà triển khai ở phật giáo 63 tỉnh thành và đặc biệt là tại các trường phật học, tại các khóa tu, tại các đạo tràng.

Hiện tại, mô hình đạo tràng tu học có hàng trăm ngàn người đang tu học, Giáo hội sẽ lan tỏa và kêu gọi tất cả những thành viên các đạo tràng tu học, các học viện Phật giáo, các trường trung cấp Phật học và cả các cấp giáo hội để cùng tham gia, làm hết sức có thể để lan tỏa thông điệp về hiến mô tạng.

Trước mắt, Hội vận động hiến mô tạng và Giáo hội sẽ đi các tỉnh, thành để kêu gọi và ký kết với các địa phương đồng thời tới các trường Phật học để kết nối với các trường vận động tăng, ni và tổ chức một số hội thảo để mọi người hiểu được thông điệp hiến mô tạng không ảnh hưởng gì tới các lĩnh vực tâm linh sau khi qua đời. Chúng tôi cũng đang dự kiến kết hợp với một số cơ quan truyền thông làm một số phóng sự, chuyên đề để lan tỏa thông điệp từ bi chia sẻ của Đức Phật.

Điều rất mừng khi trong buổi Lễ phát động vừa qua, chỉ trong một buổi sáng đã có gần 600 người đăng ký trực tiếp và online hiến mô tạng sau khi qua đời. Riêng Chùa Giác Ngộ trong vòng 10 năm qua đã vận động được khoảng 10.000 người hiến mô tạng.

Xin trân trọng cảm ơn Đại đức Thích An Đạt!./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hien-tang-mo-tang-mot-su-menh-va-thong-diep-tot-dep-rat-nhan-van-post1003202.vnp