Hiện thực hóa các cam kết sau chất vấn

Việc Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thực hiện có hiệu quả các cam kết tại phiên chất vấn của HĐND tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Giao dịch giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Giao dịch giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Tại Kỳ họp thứ 17-Kỳ họp cuối năm 2023 của HĐND tỉnh khóa XV, các đại biểu HĐND đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung vào hai nhóm vấn đề về công tác công tác chuyển đổi số và quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Du lịch và các cơ quan có liên quan tập trung thực hiện có hiệu quả các cam kết tại phiên chất vấn; nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch

Tại phiên chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn Giám đốc Sở Du lịch xung quanh vấn đề về các giải pháp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn, trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch nhằm tạo sức hút cho ngành công nghiệp không khói. Theo đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác này đã được các đại biểu HĐND tỉnh đưa ra tại nghị trường và đã được Giám đốc Sở Du lịch trả lời thẳng thắn, cam kết khắc phục.

Thực hiện cam kết, ngay sau chất vấn, Sở Du lịch đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển các sản phẩm du lịch. Dựa trên tiểm năng, thế mạnh về vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, vùng đất Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Sở Du lịch đã phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng, đổi mới, đầu tư mở rộng các khu, điểm du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách, như: Hệ thống sản phẩm du lịch gắn với Quần thể danh thắng Tràng An; Hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, trải nghiệm nông nghiệp; Hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái; Sản phẩm du lịch làng nghề; Sản phẩm du lịch lễ hội truyền thống; Sản phẩm du lịch đô thị.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa miền đất, con người Ninh Bình được đưa vào khai thác, một số sản phẩm du lịch mới như: Điểm du lịch Đảo Khê Cốc; Hồ Đàm Thị thuộc Khu du lịch chùa Bái Đính; trải nghiệm văn hóa người Mường với chương trình Mường Tour, Mắt rồng (thuộc Khu du lịch Tràng An), mở rộng khu Phố cổ Hoa Lư, tour săn đom đóm vào buổi tối ở Vườn Quốc gia Cúc Phương...

Biểu diễn nghệ thuật trên đảo Khê Cốc.

Biểu diễn nghệ thuật trên đảo Khê Cốc.

Cùng với đó, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch được quan tâm đầu tư phát triển, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao như: Khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà (Gia Viễn), Khu nghỉ dưỡng Emeralda Tam Cốc (Hoa Lư), Khu nghi dưỡng Athena Premier… cũng đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường khách có khả năng chi trả cao.

Ngoài ra, nhiều mô hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, du lịch du thuyền trên sông, du lịch vui chơi giải trí, du lịch giáo dục được đầu tư đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch.

Nhằm tạo sức hút đối với du khách, tỉnh cũng đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện giao lưu văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Tuần du lịch Ninh Bình "Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An", Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới… Thông qua việc tổ chức các sự kiện đã giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích, danh lam thắng cảnh địa phương. Từ đó khẳng định tiềm năng phát triển văn hóa du lịch, tạo động lực thu hút mạnh mẽ các nguồn lực phát triển, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Ninh Bình trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới.

Với những nỗ lực trong phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, lượng khách du lịch đến Ninh Bình ngày một tăng. Nếu như năm 2023, toàn tỉnh đón trên 6,5 triệu lượt khách tham quan, doanh thu đạt hơn 6.500 tỷ đồng, tăng 77% về tổng lượt khách và 103,7% về doanh thu so với năm 2022, thì 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã đón trên 6,26 triệu lượt khách, tăng 38,02% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có trên 700.000 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt trên 5.900 tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy những nỗ lực thực hiện cam kết sau chất vấn của ngành du lịch đã góp phần khai thác tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh một cách hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số

Với mong muốn tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số, tại kỳ họp thứ 17-HĐND tỉnh khóa XV, các đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về những vấn đề như: giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ sở, đơn vị; việc triển khai mô hình chuyển đối số cấp xã…

Ngay sau phiên chất vấn, thực hiện các cam kết chất vấn, Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Tiếp tục chỉ đạo rà soát đơn giản hóa, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất; thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, Ninh Bình nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số của cả nước.

Đồng chí Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian qua, Sở đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết số 23 ngày 3/4/2024 thông qua Đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024-2025 nhằm tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, nhất là phát triển hạ tầng kỹ thuật, nền tảng tích hợp, kết nối nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia...

Do vậy, phát triển hạ tầng, nền tảng số và dữ liệu số trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển tích cực. Hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng nội bộ để kết nối các máy tính trong nội bộ cơ quan, đơn vị phục vụ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 2.323 trạm phát sóng di động mặt đất (BTS), tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Thuê bao di động băng rộng đạt 75,07 thuê bao/100 người dân, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; 71,8% gia đình sử dụng Internet cáp quang, tăng 2%. 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ Bưu chính, khu vực trung tâm được triển khai mạng Internet băng rộng và có sóng di động 4G.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, góp phần tích cực phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Trung tâm Công nghệ thông tin VNPT Ninh Bình.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, góp phần tích cực phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số. Trong ảnh: Hoạt động nghiệp vụ tại Trung tâm Công nghệ thông tin VNPT Ninh Bình.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh đã thực hiện kết nối với nền tảng quốc gia. Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành đã được triển khai ứng dụng cho 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với tổng số tài khoản người dùng là 11.218 (Trong đó tỷ lệ tài khoản sử dụng thường xuyên đạt hơn 80%).

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã thực hiện kết nối với 22 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành của các Bộ, ngành, kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Từ 1/1/2024 đến 1/6/2024, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 191.488 hồ sơ; trong đó 126.579 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, đạt 66,1%.

Cùng với tham mưu phát triển hạ tầng nền tảng số, dữ liệu số, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu chỉ đạo phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Theo thống kê, tính đến hết tháng 5/2024, toàn tỉnh có khoảng 244 doanh nghiệp công nghệ số (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT). Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 100%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 50%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 8,4%. Số tài khoản được mở (active) trên các sàn thương mại điện tử (postmart.vn và voso.vn) là 110.162 tài khoản với 1.840 sản phẩm đưa lên sàn và 24.699 lượt giao dịch, đạt giá trị trên 5,2 tỷ đồng.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong chuyển đổi số đã tạo bước chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thay đổi lối sống, cách làm việc của người dân... Qua đó góp phần hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Ninh Bình nằm trong top 20 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Bài, ảnh: Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hien-thuc-hoa-cac-cam-ket-sau-chat-van/d20240706145218829.htm