Hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về biến đổi khí hậu

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu của Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho Việt Nam.

Chiều 7/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thường trực Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu tổ chức Hội thảo công bố kết quả Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Thành phố Glasgow, Vương quốc Anh từ ngày 30/10-13/11/2021.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại COP26, Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng, như cam kết không xây dựng mới điện than, cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý, tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; cùng các quốc gia thảo luận dẫn đến đồng thuận thông qua gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow.

Đây là những cam kết có trách nhiệm của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, hòa cùng với xu thế chung của nhân loại và xu thế hành động mạnh mẽ về phát triển ít phát thải.

Hội nghị COP26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng "0". Trong đó, vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ.

Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0" và tham gia cam kết mê-tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam phát triển.

Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường khẳng định, đây là lần đầu tiên thế giới đưa ra được lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ.

Để thực hiện lộ trình này, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp. Đồng thời sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi mặt về chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại toàn cầu trong thời gian tới.

“Ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu và ở nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi Việt Nam phải tham gia sâu và thực chất vào nỗ lực chung của toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu.

Báo cáo triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Tấn cho rằng, các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 và Dự thảo Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone đã được xây dựng theo hướng tiếp cận các quy định mới nhất trong đàm phán biến đổi khí hậu, hoàn toàn phù hợp với các quy định mới nhất vừa được thông qua tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động toàn xã hội thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Tấn khẳng định, việc phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo để Việt Nam tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình phát triển từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sử dụng nhiều tài nguyên sang mô hình phát triển theo hướng ít phát thải.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là việc huy động và duy trì sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, nguồn lực trong nước rất thiếu, nguồn lực nước ngoài dồi dào nhưng khó vào Việt Nam do vướng cơ chế, thủ tục hành chính.

“Ngoài ra, nguồn nhân lực trong nước hiện chưa đáp ứng để áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.”, Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn nhấn mạnh.

Về phía quốc tế, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho rằng, để triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân kiên định với quá trình chuyển đổi.

Theo ông Giorgio Aliberti, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cần sớm ban hành Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone; danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; đề án phát triển thị trường các-bon.

Các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Cùng với đó, Việt Nam cần tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu...

Thời gian tới, theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan này sẽ xây dựng Đề án nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu;

Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo để đưa ra những cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050;

Tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, bao gồm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050;

Xây dựng Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh góp phần đạt được mục tiêu cam kết.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai điều tra khảo sát biển phục vụ quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi gắn với Quy hoạch không gian biển quốc gia, triển khai áp dụng các công cụ định giá cacbon, bao gồm thuế cacbon và phát triển thị trường cacbon trong nước;

Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia các cơ chế thị trường, phi thị trường.

Tại COP26, vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ.
Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì và phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái.
Các cường quốc kinh tế như Mỹ và Nhật Bản đều tuyên bố đóng góp 10 tỷ USD trong 5 năm tới, Italy cam kết đóng góp 1,4 tỷ USD mỗi năm.
Hơn 450 ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các công ty tài chính (quản lý vốn tới 130.000 tỷ USD) đã cam kết sử dụng quỹ của họ để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hien-thuc-hoa-cam-ket-manh-me-cua-viet-nam-ve-bien-doi-khi-hau-d157085.html