Hiện thực hóa chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Trong quá trình xây dựng và phát triển của Liên Hợp Quốc, bảo đảm hòa bình luôn là sứ mệnh cao nhất. Từ năm 2010, chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã được triển khai, qua đó thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ thế giới, hiện thực hóa chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, là cơ hội nâng cao vị thế của nước ta ở Liên Hợp Quốc và trên trường quốc tế.
Vượt qua khó khăn, bảo đảm an toàn tuyệt đối
Theo PGS.TS. Đại tá Lê Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, sau 10 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã cử lực lượng tại các phái bộ, với hai hình thức cá nhân và đơn vị. Từ tháng 6.2014 đến nay, Quân đội đã cử gần 600 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên Hợp Quốc. Trong đó, lực lượng quân y với 5 bệnh viện dã chiến cấp 2, 2 bệnh viện dã chiến cấp 1 có tổng quân số 337 quân nhân. Hiện nay, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Bệnh viện dã chiến cấp 1 số 2/Đội công binh 2 đang làm nhiệm vụ tại thực địa, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Bệnh viện dã chiến cấp 1 số 3 thuộc Đội công binh 3 đang chuẩn bị thành lập.
Đại tá Lê Văn Đông nhìn nhận, những khó khăn mà quân đội ta gặp phải, đó là lần đầu tiên ta tổ chức đưa lực lượng ra nước ngoài làm nhiệm vụ dưới hình thức đơn vị, do đó đặt ra thách thức về công tác chuẩn bị gồm cả về tổ chức, biên chế, nhân sự, trang bị, cơ sở vật chất. Chúng ta phải đáp ứng yêu cầu và vượt qua các đợt kiểm tra, đánh giá của Liên Hợp Quốc về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, vật tư, trang thiết bị… cùng với việc các bệnh viện dã chiến triển khai nhiệm vụ tại những nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ cao, mùa khô kéo dài, mùa mưa ngắn nhưng lượng mưa lớn nên dễ ngập lụt do điều kiện địa lý bằng phẳng, ít sông ngòi, ao hồ, điều kiện kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, dịch bệnh phức tạp, nơi có nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt rét, sốt vàng, dịch Ebola… Điều đó ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của cán bộ, nhân viên và kết quả điều trị cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại địa bàn đóng quân.
“Vượt qua những thách thức, khó khăn, các lực lượng quân y tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, giữ vững niềm tin của Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng với nhiều quốc gia, đối tác; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên Hợp Quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Đại tá Lê Văn Đông khẳng định.
Huấn luyện bài bản, có hiệu quả cao
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác quân y trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là công tác tham mưu chiến lược trong chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn quân y cho các lực lượng. Ngành quân y đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất, triển khai tập trung thực hiện nhiều nội dung, giải pháp.
Đại tá Lê Văn Đông phân tích, trong công tác chuẩn bị, triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2, ngành quân y đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu xây dựng biểu tổ chức biên chế Bệnh viện dã chiến cấp 2 và cấp 1 phù hợp giữa chức danh của Liên Hợp Quốc và chức danh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt, ngành quân y cũng tham mưu ban hành thông tư của Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn sức khỏe cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trong quân đội, làm cơ sở để tuyển chọn nhân sự cá nhân và đơn vị. Phối hợp tuyển chọn nhân sự cán bộ, nhân viên quân y cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 và cấp 1. Tham mưu đề xuất công tác chuẩn bị hồ sơ nhân sự cán bộ nhân viên chuyên môn đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp Quốc…
Nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới tại địa bàn khó khăn với cơ cấu bệnh tật phức tạp, điều kiện vật chất nghèo nàn, khả năng hỗ trợ hạn chế, nội dung huấn luyện, đào tạo cho lực lượng quân y tham gia các bệnh viện dã chiến được tập trung đầu tư và triển khai tổ chức thực hiện một cách bài bản và có hiệu quả cao.
Xây dựng chương trình huấn luyện cho các bệnh viện dã chiến được cân đối giữa nội dung quân sự, chuyên môn, chính trị, hậu cần, kỹ thuật và gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, làm cơ sở để huấn luyện bệnh viện dã chiến. Hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ, tham gia huấn luyện các nội dung, diễn tập cho các bệnh viện dã chiến phục vụ Liên Hợp Quốc kiểm tra, đánh giá cũng như phục vụ đánh giá của các cơ quan của Bộ Quốc phòng trước khi các bệnh viện dã chiến lên đường làm nhiệm vụ.
Công tác huấn luyện chuyên môn y tế, ngoại ngữ và các nội dung huấn luyện chính trị, hậu cần, kỹ thuật, võ, bắn súng K54 cho sỹ quan, AK cho quân nhân chuyên nghiệp, kỹ năng mềm như múa, hát, nhảy các vũ điệu quốc tế, tập tục văn hóa quốc tế, chuyên môn gìn giữ hòa bình... cũng được quan tâm, đầu tư nhằm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho lực lượng quân y tham gia nhiệm vụ.
Ngành quân y đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các quy trình hoạt động chuẩn phục vụ huấn luyện và triển khai tại thực địa. Trong quá trình các bệnh viện dã chiến của Việt Nam làm nhiệm vụ tại thực địa, đã luôn nhận được sự theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 tại Nam Sudan.
Đại tá Lê Văn Đông cho biết, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là một lĩnh vực mới và khó. “Song bằng ý chí tự lực, tự cường, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, ngành quân y đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất và triển khai thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao cả về quản lý, chỉ đạo ngành và chuyên môn nghiệp vụ trong tình hình mới”.