Hiện thực hóa giấc mơ an cư

Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc diện được hưởng chính sách về cho thuê, mua nhà ở xã hội.

Phải khẳng định đây là một trong những chính sách ưu việt, thể hiện trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhiều năm qua, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội đối với những người có thu nhập thấp luôn là vấn đề mang tính thời sự. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm vấn đề này, nhưng do cơ chế còn một số bất cập, nên chưa thể “phủ sóng” nhà ở công nhân, nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp, địa phương trên cả nước. Dẫu thời gian qua, Chính phủ đã hỗ trợ một số gói tín dụng với lãi suất vay ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, nhưng nhìn một cách tổng thể, nhiều doanh nghiệp không mặn mà. Một mặt cơ chế giải ngân rườm rà, hiệu quả kinh tế lại không cao, nên thực hiện chính sách nhà ở công nhân, nhà ở xã hội vẫn rất ỳ ạch.

Trong khi đó, Công đoàn với tư cách là tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân có chức năng chính là bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đoàn viên Công đoàn, song ở góc độ tài chính mới dừng lại ở công tác chăm lo, hỗ trợ Mái ấm Công đoàn, Quỹ hỗ trợ vốn cho đoàn viên thoát nghèo, còn chính sách nhà ở, do không có trong quy định của pháp luật nên Công đoàn không thể tham gia.

Nay với việc Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), tới đây Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn sẽ mở ra “hướng đi” cho tổ chức Công đoàn Việt Nam triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Cũng như Bảo hiểm xã hội dựa trên cơ chế đóng - hưởng thì Quỹ Công đoàn cũng dựa trên quy tắc này. Người lao động đóng Quỹ Công đoàn, Công đoàn ngoài chi cho các hoạt động căn cốt của mình sẽ biết lượng tài chính ra sao, chi đầu tư trọng điểm thế nào là hợp lý.

Bởi thế, tin tưởng chắc chắn rằng, tới đây có đầy đủ hành lang pháp lý, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ cân đối tiến hành làm chủ đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội một cách hiệu quả nhất, đáp ứng được nhu cầu ngày một cao của người lao động về “chốn” an cư, điều rất nhiều người bấy lâu nay hằng mong ước.

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-an-cu-163352-163352.html