Hiện thực hóa 'giấc mơ sông Hồng'

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua ngày 27/6. Luật được kỳ vọng sẽ luật hóa mở rộng phạm vi cho phép xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi nếu phù hợp với quy hoạch. Như vậy cơ sở pháp lý để 'giấc mơ sông Hồng' ngày càng trở nên hiện hữu.

Phát triển hai bờ sông Hồng mang đến những kỳ vọng cho người dân về một không gian xanh, không gian công cộng vốn đang rất thiếu ở Thủ đô. Ảnh: Quang Vinh.

Phát triển hai bờ sông Hồng mang đến những kỳ vọng cho người dân về một không gian xanh, không gian công cộng vốn đang rất thiếu ở Thủ đô. Ảnh: Quang Vinh.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Đợt I của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV. Ngay sau đó Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã tổ chức làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan và thành phố Hà Nội để thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Hiện dự thảo Luật đang được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội gấp rút tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 27/6.

Phát triển sông Hồng là trục xanh, trung tâm Thủ đô

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho thấy, về việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê (các điều 17, 18, 21, 32) có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi cho phép xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi nếu phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, đề nghị trước khi UBND TP Hà Nội phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình tại bãi sông, bãi nổi thì cần xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT).

Về vấn đề trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng: Các đồ án Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô đều đưa nội dung phát triển sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, trục di sản, du lịch văn hóa kết nối vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng là một trong những quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi cho phát triển Thủ đô, yêu cầu sử dụng quỹ đất sẵn có tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội một cách hiệu quả, vừa phát huy giá trị văn hóa, kinh tế, du lịch, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng chống thiên tai, lũ lụt là hết sức cần thiết.

Thực tế cho thấy, thành phố đã xây dựng một số phương án quy hoạch, phát triển sông Hồng đoạn qua Thành phố nhưng gặp không ít vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Một trong những nguyên nhân là do quy hoạch hiện hữu về phòng, chống lũ, quy hoạch về đê điều chậm được nghiên cứu, điều chỉnh và một số rào cản về pháp luật liên quan đến bảo vệ đê điều.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Bộ NNPTNT, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều. Trên bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng công trình dành cho không gian công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm không làm cản trở dòng chảy và xây dựng công trình được phép xây dựng theo pháp luật về đê điều (khoản 2 Điều 17).

Bên cạnh đó, giao UBND thành phố thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do HĐND Thành phố quy định (khoản 7 Điều 18). Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần tham vấn ý kiến các Bộ chuyên môn thì thành phố sẽ chủ động thực hiện mà không quy định thành thủ tục bắt buộc trong Luật, các cơ quan nhà nước cấp trên thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Khu vực dân cư ở xung quanh bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Quang Vinh.

Khu vực dân cư ở xung quanh bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Quang Vinh.

Cân nhắc đến dòng chảy của sông Hồng

Như vậy, nếu được thông qua, Luật Thủ đô sửa đổi sẽ cho phép trên bãi sông được tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng.

Tuy nhiên liên quan đến Điều 21 khoản 6 cho phép xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi bồi, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí địa lý, không gian văn hóa phù hợp quy hoạch, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Hà Nội cân nhắc đối với bãi sông, bãi bồi và bãi nổi sông Hồng. Bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề dòng chảy, môi trường sinh thái và sinh hoạt của người dân.

Về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, nếu được Quốc hội cho phép và thông qua, Hà Nội sẽ tính toán để triển khai thực hiện, còn để như hiện nay rất lãng phí. Vấn đề là cần tận dụng nguồn lực cho phát triển cả kinh tế lẫn môi trường, trật tự an ninh. Chủ trương là khai thác hai bờ sông Hồng. Cần sử dụng tất cả nguồn lực tập trung cho phát triển Hà Nội xanh, thông minh để đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. “Đã làm thì bao giờ cũng có hai mặt chứ không chỉ một mặt thuần túy. Bởi triển khai còn liên quan đến Luật Đê điều, các luật khác, và vấn đề dòng chảy. Do đó các đại biểu Quốc hội sẽ cân nhắc, xem xét và quyết định vấn đề trên” - ông Mỳ nói.

Trong khi đó, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề có đủ cơ sở pháp lý. Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng trong đó xác định diện tích, bãi nổi, bãi ven sông như thế nào. Vấn đề phức tạp hiện nay là mực nước sông biến đổi, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho mọi mực nước khác nhau, chưa kể độ bền vững của công trình như thế nào khi mực nước xuống dưới mức báo động. Khai thác làm sao để không bị ảnh hưởng là một bài toán khó.

Cho rằng có ý kiến lo ngại của số ít ĐBQH là có cơ sở. Song, theo ông Nghiêm, nếu phát triển được hai bờ sông Hồng thì cũng sẽ phát triển không gian xanh. Bởi sông Hồng tiếp xúc với Hà Nội hơn 120km nhưng 40km khu vực trung tâm đang rất thiếu chỉ tiêu về không gian xanh và khu vui chơi giải trí. Bình thường phải đạt 2m2 cho người dân tiếp cận nhưng hiện nay đang rất thấp, chỉ hơn 1m2. Chỉ tiêu không gian xanh công cộng cũng như vậy, thông thường theo quy định phải đạt 7m2/người dân. Ở Hàn Quốc, Paris (Pháp) là hơn 20m2/người dân, còn chúng ta mới hơn 4,5m2/người dân. Như vậy rất thấp so với quy định của Việt Nam, càng thấp so với các nước. Cho nên việc gia tăng các không gian xanh là việc cần thiết, bởi nó phục vụ cho cải thiện đời sống, giải tỏa phần nào biến đổi khí hậu hiện nay đồng thời tạo chất lượng sống của người dân cao hơn.

Vẫn theo ông Nghiêm, trước đây có gần 20 dự án của các nước vào bãi sông Hồng nhưng khó thực hiện được do nguồn vốn rất lớn. Đặc biệt là kỹ thuật có thể đảm bảo khai thác hiệu quả trong mọi tình thế của mực nước. Rất nhiều dự án của Mỹ định tham gia vào bãi Thượng Cát. Còn Trung Quốc, Hà Lan, Ý tham gia vào bãi giữa sông Hồng. Họ đã nghiên cứu rất cẩn thận, triển khai các dự án phục vụ cho vui chơi, giải trí, công viên văn hóa đa dạng nhưng không phê duyệt được. Mực nước biến đổi rất nhiều, sông Hồng mực nước thấp nhất là cốt 2 so với mực nước biển, và cốt cao nhất tới mức 13, nghĩa là chênh lệch hơn 10m. Chúng ta đã hợp tác với Hà Lan để nghiên cứu các công trình nổi nhưng nguồn vốn ở đâu để thực hiện. Rất khó khăn!.

“Dòng sông Hồng chảy qua Việt Nam 500km, trong đó chảy qua Hà Nội 120km, còn lại là qua các tỉnh khác. Khi mực nước biến đổi nếu chúng ta làm đập giữ nước cho Hà Nội hoặc thoát nước chảy ra ngoài để Hà Nội an toàn thì các tỉnh khác sẽ bị ảnh hưởng. Do đó mối tương đồng giữa các tỉnh với Hà Nội như thế nào là vấn đề đặt trong mối quan hệ vùng, có ưu tiên không? hay là tính đồng đều các tỉnh” - ông Nghiêm nói.

Theo ông Trương Xuân Cừ (ĐBQH đoàn Hà Nội), để tiến hành xây dựng hai bên bờ sông Hồng, cần quy hoạch lại. Sau này sẽ bê tông hóa đê và đất khoảng không để cho dòng chảy lưu thông. Chúng ta đã mời chuyên gia nước ngoài đến quy hoạch lại. Vừa đảm bảo vấn đề thoát lũ, chống ngập úng nhưng vẫn xây dựng được thành phố ven sông. Nếu phát triển được sẽ đóng góp rất to lớn cho sự phát triển của Thủ đô. Trước hết phát huy được giá trị của quỹ đất “vàng” - động lực của phát triển. Thứ hai khi quy hoạch sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào, tương lai chúng ta sẽ có thành phố ven sông hết sức khang trang, hiện đại và văn minh, sánh ngang với thành phố của các nước. Nếu không có điểm nhấn dọc theo sông Hồng thì Hà Nội khó có thể ấn tượng.

“Hiện quỹ đất hai ven sông Hồng để trống là cực kỳ lớn, diện tích hàng triệu ha. Khi quy hoạch lại chúng ta có quỹ đất vô cùng to lớn, hấp dẫn các nhà đầu tư. Hiện nay Hàn Quốc có mấy nhà đầu tư lớn đang muốn thực hiện dự án. Hà Nội vốn là đất vàng, nếu hai bên bờ sông Hồng được quy hoạch lại rất đẹp. Thượng Hải của Trung Quốc sau này sẽ trở thành thành phố đẹp nhất thế giới, con tàu 30 vạn tấn vẫn vào được, hai bên nhà 60-70 tầng đến trên 100 tầng. Ban đêm nhìn xuống dọc theo hai bên bờ sông vô cùng đẹp. Sông Hồng của ta cũng phải có tầm nhìn và tương lai như vậy. Chúng ta phải có khát vọng, dù nguồn lực lớn nhưng vì tầm cỡ lâu dài, nền văn minh của đất nước ta thì cần tính toán, triển khai, thực hiện” - ông Cừ nói.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-song-hong-10283482.html