Hiện thực hóa khát vọng thành phố bên sông Hồng
Một trong những mục tiêu lớn nhất của Hà Nội trong nhiều năm tới là hoàn thiện hệ thống cầu vượt sông Hồng, mở rộng kết nối giao thông hai bờ Nam - Bắc. Xa hơn, hệ thống cầu liên kết chặt chẽ các trục không gian, đô thị vệ tinh, sinh thái quanh trục cảnh quan sông Hồng, từng bước hiện thực hóa khát vọng thành phố bên sông.
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư
Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, ngoài 9 cầu hiện hữu, thành phố Hà Nội sẽ có thêm 13 cây cầu lớn bắc qua sông Hồng. Trong số này, cầu Thượng Cát kết nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh vừa được UBND thành phố Hà Nội công bố quyết định hướng tuyến và vị trí xây dựng công trình.
Trưởng phòng Quản lý dự án 3 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội) Nguyễn Nho Quảng cho biết, cầu Thượng Cát có tổng chiều dài hơn 5,2km, trong đó cầu chính rộng 35m, quy mô 8 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng. Điểm đầu dự án nằm tại nút giao với đường Kỳ Vũ (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm). Điểm cuối nằm tại nút giao với đường 23B (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh). Hướng tuyến cầu được xác định trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô và các quy hoạch phân khu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thống kê sơ bộ, dự án phải thu hồi khoảng 30ha đất; trong đó, địa bàn quận Bắc Từ Liêm có khoảng 1ha đất thổ cư và địa bàn huyện Đông Anh có hơn 1,3ha đất thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp và đất công. Các đơn vị liên quan đang khẩn trương thực hiện công việc được giao, phấn đấu khởi công công trình ngay trong năm 2025.
Đông đảo người dân địa phương bày tỏ sự ủng hộ, mong chờ dự án giao thông trọng điểm này. “Chúng tôi rất phấn khởi trước thông tin thành phố sớm xây dựng cầu Thượng Cát. Có cầu, quãng đường từ quận Bắc Từ Liêm sang Đông Anh sẽ gần hơn. Việc công bố vị trí xây dựng cầu và đường dẫn hai đầu cầu cũng giúp người dân biết, có sự chuẩn bị sớm trong trường hợp phải di dời giải phóng mặt bằng”, ông Ngô Văn Thưởng (tổ dân phố số 4, phường Thượng Cát) chia sẻ.
Ngoài cầu Thượng Cát, cơ quan chức năng cũng đang hoàn thành thủ tục trình thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án cầu vượt sông Hồng khác là cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi. Đây là 3 công trình đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông khung của Thủ đô, tăng khả năng kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận.
Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Phan Trường Thành thông tin, trong 3 cây cầu nói trên, cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi sẽ được ưu tiên triển khai trước. Nếu quý I-2025 phê duyệt chủ trương đầu tư thì cuối quý II-2025 có thể khởi công cầu Tứ Liên.
Ngoài ra, cầu Mễ Sở và cầu Hồng Hà trên tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cũng sẽ được thành phố triển khai sớm để đồng bộ với hệ thống đường song hành được dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, qua đó phát huy hiệu quả của dự án đường vành đai liên kết vùng này.
Lấy sông Hồng làm chủ đạo trong quy hoạch phát triển
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, với việc đầu tư thêm nhiều cầu qua sông Hồng, Hà Nội sẽ phát triển toàn diện, đồng đều hơn, lấp đầy mọi khoảng cách và sự chênh lệch về kinh tế - xã hội giữa hai bờ Nam - Bắc sông Hồng. Đặc biệt, khi hoàn thành quy hoạch phát triển hai bên sông Hồng, nhu cầu vận tải vượt sông về hàng hóa, hành khách, du lịch... sẽ ngày càng lớn, các cây cầu sẽ càng quan trọng và cần thiết.
Từ nhiều thập niên trước, Hà Nội đã được định hướng xây dựng theo mô hình đô thị ven sông, lấy sông Hồng làm chủ đạo. Tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng như các văn bản khác liên quan, đều xác định rõ mục tiêu xây dựng Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông.
Với định hướng đó, một trong những mục tiêu lớn nhất của Hà Nội trong nhiều năm tới là hoàn thiện hệ thống cầu vượt sông Hồng, mở rộng kết nối giao thông hai bờ Nam - Bắc; xa hơn là liên kết chặt chẽ các trục không gian, đô thị vệ tinh, sinh thái quanh trục cảnh quan sông Hồng.
Trong các đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trục sông Hồng sẽ là một trong 5 trục không gian phát triển đô thị quan trọng của Hà Nội. Hệ thống cầu hiện hữu và được xây dựng trong tương lai, nối đôi bờ sông Hồng sẽ từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành phố bên sông của Thủ đô theo hướng văn hiến - văn minh - hiện đại.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hien-thuc-hoa-khat-vong-thanh-pho-ben-song-hong-691350.html