Hiện thực hóa lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn

Dù đã ở tuổi 94 nhưng ông Đặng Thông, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong vẫn nhớ như in lần gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn vào tháng 3/1985. Đây là lần cuối cùng Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm quê hương trước lúc đi xa.

Cánh đồng lúa Triệu Phong luôn đạt năng suất cao là nhờ nguồn nước tưới từ công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn - Ảnh: N.V

Cánh đồng lúa Triệu Phong luôn đạt năng suất cao là nhờ nguồn nước tưới từ công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn - Ảnh: N.V

Ông Thông kể, ngay sau khi đất nước hòa bình, ngày 23/3/1976, Tổng Bí thư Lê Duẩn mới có dịp trở về thăm quê hương sau bao năm xa cách. Sau khi đi thăm cuộc sống của người dân, Tổng Bí thư căn dặn cán bộ lãnh đạo địa phương: “Các đồng chí còn bộn bề lo toan nhiều công việc, nhưng trước hết phải lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, con em phải được đến trường, phải lo cho tất cả mọi người không phân biệt “bên này, bên kia” vì ai cũng là công dân của nước Việt Nam”.

Đặc biệt, khi thấy sự khô hạn của những cánh đồng huyện Triệu Hải (huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng ngày nay), đồng chí trăn trở mong muốn làm sao để đưa nước từ các cánh rừng phía Tây về bằng một hệ thống thủy lợi để sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, người dân ra sức khai hoang phục hóa, rà phá bom mìn, san lấp hố bom để dựng nhà lập vườn, cải tạo đồng ruộng. Và sau chuyến về thăm quê hương ấy, đồng chí Lê Duẩn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương nghiên cứu đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn giúp người dân có nước tưới để sản xuất lúa 2 vụ/năm.

Cùng tham gia trong câu chuyện kể về Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông Nguyễn Ngọc Tánh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành (giai đoạn 1980 - 1990) nhắc lại chi tiết mà ông nhớ nhất đó là khi nói chuyện với cán bộ lãnh đạo địa phương và Nhân dân, Tổng Bí thư luôn nhắc “bây giờ, chúng ta sống với nhau phải có lao động, tình thương và lẽ phải”. Bà con ta đoàn kết làm ăn, xây dựng quê hương sau chiến tranh.

Tổng Bí thư nói: “Bây giờ tất cả đều làm chủ chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới, phải đảm bảo đời sống mới của mọi người no đủ. Nếu có một gia đình nào đó không có áo mặc thì tôi không chịu và không cho phép làm chuyện đó. Nếu không có lòng ưu ái đối với những người nghèo khổ, không quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội ấy thì chúng ta nói chủ nghĩa cộng sản, nói lý tưởng cách mạng chỉ là nói suông mà thôi”.

Sau khi được nghe những lời căn dặn, động viên đó của Tổng Bí thư Lê Duẩn ai nấy đều phấn khởi hẳn lên và từ đó hăng say lao động hơn. Xã Triệu Thành cũng đã tìm tòi, học hỏi một địa phương ở miền Bắc thành lập hợp tác xã mây tre đan giải quyết việc làm cho người dân trong huyện Triệu Hải lúc bấy giờ. Không khí lao động khẩn trương, hồ hởi, có tác phong công nghiệp nên năng suất lao động cao.

Mỗi lần về thăm quê, Tổng Bí thư đến thăm và làm việc ở nhiều địa phương, trong đó có huyện Hướng Hóa. Tại đây, đồng chí khen ngợi đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô luôn giữ vững niềm tin, tình cảm trước sau như một đối với Đảng, cách mạng và Bác Hồ, đồng thời động viên cán bộ, Nhân dân Hướng Hóa phát huy truyền thống cách mạng quyết tâm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng huyện Hướng Hóa trở thành huyện miền núi kiểu mẫu của cả nước. Đồng chí nhắc nhở Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà ra sức phát huy truyền thống của quê hương, không cam chịu đói nghèo, tìm mọi cách đi lên từ đất đai, tiềm năng và lao động.

Khi viết về Tổng Bí thư Lê Duẩn, (bài “Nhớ đồng chí Lê Duẩn” đăng trên các báo trong tháng 8/2006) Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định, “Đọc lại những bài viết của Anh Ba Duẩn từ sau năm 1975, nhớ lại những quan điểm và ý tưởng mà rất nhiều lần Anh nói đi, nói lại trong khi làm việc với cấp ủy đảng, với các cán bộ những nơi Anh tới thăm, tôi nhận thấy trong tư duy của Anh có phần đã và có phần đang hình thành một hệ thống suy nghĩ về đường lối xây dựng đất nước. Đó là đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, vận dụng các giá trị tốt đẹp của dân tộc và các thành quả tinh hoa của loài người”... “Con người Việt Nam là con người của lẽ phải và tình thương, tình thương và lẽ phải”.

Còn Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ, Quảng Trị - vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng. Truyền thống lâu đời của quê hương đã hun đúc nên tài năng và phẩm chất cao quý của đồng chí Lê Duẩn và chính đồng chí đã làm rạng danh truyền thống quê hương.

Quê hương Quảng Trị sâu nặng nghĩa tình luôn là nỗi nhớ nhung đau đáu trong lòng của đồng chí Lê Duẩn. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, dù ở đâu, trên cương vị nào, đồng chí Lê Duẩn cũng luôn dành cho quê hương Quảng Trị sự quan tâm đặc biệt, tình cảm tốt đẹp và nồng hậu nhất...

Bám sát lời căn dặn, động viên của Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong từng giai đoạn cụ thể, bằng sự quyết tâm, ý chí vươn lên mạnh mẽ, huyện Triệu Phong nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Triệu Phong đạt 13,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 68,44 triệu đồng. Tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 7.285,367 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.368 tỉ đồng và hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới. Đặc biệt, để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về diện tích đất sản xuất nông nghiệp và hệ thống thủy lợi mà hơn 40 năm trước Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ đạo xây dựng nên năng suất lúa bình quân hằng năm đạt cao, năm 2023 đạt 61,46 tạ/ ha.

Còn trên địa bàn toàn tỉnh, theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh tăng 6,68%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỉ trọng nông nghiệp. Quy mô nền kinh tế năm 2023 ước tính đạt 46.431 tỉ đồng; GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 71 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn tỉnh là 7,71%...

Đối với huyện Hướng Hóa, ngoài hệ thống thủy điện cho hiệu quả kinh tế cao, đến cuối năm 2023 có hàng chục dự án điện gió được cấp chủ trương đầu tư, trong đó 19 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 714 MW, đã vận hành thương mại 671,1 MW; 10 dự án với tổng công suất lắp máy 400 MW đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công. Đây cũng là tiền đề để Hướng Hóa hiện thực hóa mục tiêu “Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung”.

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/hien-thuc-hoa-loi-can-dan-cua-tong-bi-thu-le-duan/184629.htm