Hiện thực hóa metro
Không thể làm theo cách cũ, TP HCM cần phải đổi mới hoàn toàn cách làm metro với đường sắt đô thị, nếu không muốn tiếp tục mất cơ hội, loay hoay, tốn kém và tụt hậu
TP HCM đặt mục tiêu hoàn thành hơn 200 km metro với đường sắt đô thị đến năm 2035, vốn đầu tư ước tính khoảng 25 tỉ USD. Để hiện thực hóa mục tiêu này hẳn phải có chiến lược ngắn hạn, dài hạn và cách làm mới, đột phá toàn diện.
Khai thác tốt các quỹ đất
Nên rút ngắn quy trình, giảm thiểu các khâu hành chính, phân quyền mạnh mẽ cho TP HCM chủ động quyết định. Trung ương trao cơ chế cho thành phố sáng tạo, xông pha "đi trước mở đường". Các thủ tục, công việc có thể "phá rào", giúp mang đến hiệu quả cao mà không bị chi phối quá nhiều bởi Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công và các quy định từ bộ, ngành.
Cần tăng sự hấp dẫn, lợi nhuận để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tùy từng trường hợp, có thể hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công nghệ, nghiên cứu phát triển.
Chọn nhà đầu tư chiến lược không chỉ dựa vào nguồn vốn mà còn phải chứng minh mang đến giá trị cao, chuỗi cung ứng, mở rộng hợp tác các lĩnh vực đang được khuyến khích, giúp hình thành các công đoạn cung ứng cho doanh nghiệp nội địa đảm nhận.
Nên xây dựng kế hoạch tổng thể, lộ trình triển khai vừa có tính kế thừa vừa thử nghiệm, làm mẫu, lan tỏa tạo cực hút. Công việc đặc biệt làm theo kiểu đặc biệt, công việc mới làm kiểu mới, lập trường không đổi nhưng giải pháp cần mới.
Thiết lập nguyên tắc thị trường trong đầu tư xây dựng cơ bản, tạo sự thông suốt ngay từ đầu, chuẩn bị vốn, thiết kế, thi công, xử lý các phát sinh. Tránh đùn đẩy trách nhiệm, xin ý kiến qua lại, sự can thiệp quá mức về hành chính.
Giá trị tăng lên hàng chục lần từ đất không thuộc công trình metro, đường sắt đô thị mà là xung quanh đó. Theo tính toán sơ bộ, tuyến metro số 1 dài gần 20 km, nếu lúc làm tính đến thu hồi đất trong phạm vi 500 m sẽ có khoảng 500 ha bán đấu giá thu về không dưới 50.000 tỉ đồng, đủ tiền đầu tư, không vay nước ngoài.
Giải phóng mặt bằng sớm thì càng thuận lợi. Vấn đề là làm tốt công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, triển khai hiệu quả để vừa có vốn cấp xoay vòng vừa hạn chế các dự án treo, phát sinh chi phí tăng giá bồi thường.
Ngoài bồi thường bằng tiền, có thể hoán đổi từ đất nông nghiệp để lấy đất ở có sẵn hạ tầng. Người dân cũng được lựa chọn góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hưởng một phần chênh lệch sau khi quy hoạch đấu giá, chính quyền bảo lãnh quyền lợi và lợi nhuận chính đáng để tăng niềm tin.
Mô hình TOD triển khai ngay từ đầu, không chỉ đơn thuần phát triển đô thị dựa vào hệ thống giao thông công cộng mà còn kỳ vọng hơn, tối ưu hóa sử dụng đất bền vững, thúc đẩy kinh tế. Gắn với các nhu cầu sinh hoạt đời sống, xã hội, xem như mảnh đất dành cho nhiều mục tiêu khác nhau.
Ngân sách làm vốn mồi, đầu tư một số tuyến đường trợ lực. Dọc tuyến, tùy vị trí phù hợp, xung quanh khu vực nhà ga có thể triển khai trước các dự án khu dân cư, bất động sản và trung tâm thương mại, dịch vụ, logistics… Làm đến đâu khai thác đến đó, tái đầu tư.
Tự chủ tối đa
Công việc đồ sộ, liên quan nhiều lĩnh vực, cần có sự phối hợp đa ngành nhưng bộ máy quản lý nên được xây dựng theo thực tế, trách nhiệm, hiệu quả. Hạn chế các ràng buộc qua lại, xét duyệt hành chính cũng như nhân sự cồng kềnh, ôm đồm, quá tải.
Cần xác định vai trò, phạm vi chức năng với các yêu cầu năng lực nhân sự phù hợp từng vị trí. Chính quyền chỉ quy hoạch, ban hành chính sách, mục tiêu trung và dài hạn, dẫn dắt phương hướng xây dựng và phát triển kinh tế; thông qua các quy định hiện hành, pháp luật để có thể can dự phù hợp chứ không làm thay.
Dự án đầu tư công và công việc khác liên quan cần được đơn giản hóa quy trình, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên được UBND TP HCM phê duyệt kế hoạch triển khai. Tổ chức họp mỗi tháng một lần, kiểm điểm tiến độ thực hiện, kịp thời giải quyết trở ngại, xử lý các trường hợp chậm trễ.
Nên có đơn vị làm đầu mối quảng bá, thu hút đầu tư xã hội hóa. Cần hỗ trợ trong xuất nhập khẩu thiết bị, thu mua hàng hóa, đàm phán sử dụng nguồn vốn ngoại hối, thúc đẩy mở rộng hợp tác. Hỗ trợ điều chỉnh ngoại hối, phương pháp phân phối theo hướng thỏa thuận hoán đổi sẽ càng dễ thu hút đầu tư, công khai, minh bạch. Chỉ cần có nguồn gốc và mục đích sử dụng chính đáng, việc điều chỉnh giá cả do hai bên tự thương thảo.
Nên tạo lập quỹ xây dựng metro từ việc trích một phần ngân sách, trích tối thiểu 10% nguồn thu tiền sử dụng đất hằng năm, phát hành trái phiếu công trình, cổ phần hóa doanh nghiệp, vay trực tiếp ngân hàng trong nước. Ngoài ra, tìm kiếm các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín, kinh nghiệm cùng hợp tác.
Có nguồn tài chính lớn sẽ giảm sự phụ thuộc, càng thuận lợi trong đàm phán. Hợp đồng nên có thêm điều kiện điều chỉnh các hạng mục, bộ phận theo đề nghị của chủ đầu tư. Ưu tiên chọn đối tác chuyển giao công nghệ, chọn loại công nghệ phù hợp, sản xuất và lắp ráp thiết bị có liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng để kế thừa kinh nghiệm và tiến tới làm chủ công nghệ, quản lý, vận hành, khai thác thì mới hiệu quả về lâu dài.
Cần mở rộng cơ hội học hỏi công nghệ, đường ray, thiết bị, đầu máy, toa tàu, hệ thống điều khiển… Ban đầu có thể làm quy mô nhỏ rồi tăng tỉ lệ nội địa hóa, ban hành các quy chuẩn, dần tự chủ triển khai như kinh nghiệm các đô thị lớn trên thế giới.
Nên huy động các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học có chuyên ngành phù hợp để cùng hợp tác triển khai, lồng ghép trong xây dựng hệ sinh thái AI (trí tuệ nhân tạo), đáp ứng chiến lược phát triển đất nước.
Đa dạng hóa hình thức hợp tác
Hạng mục nào khó thu hồi vốn thì ngân sách đóng góp trước một phần cùng lúc nhà đầu tư tham gia thực hiện, còn lại theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm. Nhà đầu tư không phải đóng tiền sử dụng đất mà còn được xây dựng nhà ở, khu dịch vụ - thương mại trong phạm vi khai thác thu hồi vốn. Nơi lân cận cũng nên tính toán, cho phép hợp tác.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hien-thuc-hoa-metro-196240526193240836.htm