Hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh hệ thống xe buýt Thủ đô

Theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan ngành Giao thông Vận tải (GTVT) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội đang từng tái cấu trúc hệ thống xe buýt công cộng.

Mục tiêu của Thủ đô Hà Nội là tới năm 2050 toàn bộ hệ thống xe buýt sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng xanh và điện hóa.

Mục tiêu chuyển đổi tới năm 2050

Ngày 22-7, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TT triển khai Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT với mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Đây là một phần trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững và hiện thực các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Trong đó, ngành GTVT được ưu tiên phát triển hiện đại, bắt kịp với trình độ thế giới với các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

 TP Hà Nội phấn đấu tới năm 2050, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng của thành phố được chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh.

TP Hà Nội phấn đấu tới năm 2050, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng của thành phố được chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh.

TP Hà Nội là một trong những địa phương tích cực trong chiến lược chuyển đổi xanh ngành GTVT. Ngay trong trong tháng 8-2022, Thủ đô đã đề ra lộ trình trong giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ hệ thống xe buýt công cộng sẽ được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh, điện. Cùng với việc “xanh hóa” hệ thống giao thông công cộng, thị phần của vận tải công cộng trên địa bàn TP Hà Nội được nâng lên 45 - 50% tổng nhu cầu. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Về vấn đề này, Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng TP Hà Nội thông tin, Thủ đô đã có mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã; kết nối đến 6 tỉnh, thành phố phụ cận với 148 tuyến buýt và gần 1.800 phương tiện các loại. Tuy nhiên, phần lớn chúng thuộc thế hệ cũ, sử dụng nhiên liệu xăng, dầu diesel.

Những năm qua, thành phố cũng đã thí điểm nhiều mô hình xe buýt sử dụng nhiên liệu xanh như khí hóa lỏng và điện. Những mô hình này đã nhận được sự ủng hộ của người dân nhờ sự tiện ích và thân thiện với môi trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lộ trình từ nay đến năm 2050 thay thế toàn bộ xe buýt của Hà Nội bằng phương tiện xanh là khả thi. Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Lộ trình đã có một bước đệm từ nay đến 2030, yêu cầu phương tiện thay mới phải dùng năng lượng xanh. Bước đệm đó có tính chuẩn bị rất quan trọng cho việc thay dần xe buýt sạch, giúp tiết kiệm nguồn lực, cũng như có thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị và chuyển đổi từng bước”.

Tổng Công ty Vận tải Hà Nội nhận định, xu hướng, yêu cầu tất yếu của thế giới, trong đó có Việt Nam là phải nhanh chóng chuyển đổi các loại phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh. Nhiều mô hình có tính tiền khả thi đối với giao thông Hà Nội đã được chứng minh và đang được hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa.

Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng nhận định, lộ trình khoảng 30 năm là đủ để chuyển đổi xe buýt, taxi sang xe sử dụng năng lượng xanh. Tuy nhiên, Nhà nước và Bộ GTVT cần có hành lang chính sách rõ ràng để khuyến khích và đặt ra lộ trình cụ thể giúp doanh nghiệp thực hiện đúng hướng.

Đầu tư ban đầu và hạ tầng chính là một trong những rào cản đối với doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh.

Đầu tư ban đầu và hạ tầng chính là một trong những rào cản đối với doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh.

Cần “Thể chế - cơ chế - chính sách” để hiện thực hóa

Tổng công ty Vận tải Hà Nội mới đây đã trình lên UBND TP Hà Nội bản Kế hoạch lộ trình dự kiến chuyển sang sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh trong đó đặt ra điều kiện để thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh: Thể chế - cơ chế - chính sách.

Theo đó, Bộ GTVT cần sớm ban hành Quy chuẩn quốc gia đối với xe buýt điện. Về loại phương tiện này mới chỉ có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố, chưa có chuẩn riêng cho xe buýt điện. Cùng với đó, phải khi có quy chuẩn cụ thể, rõ ràng để thẩm định mới có thể hoàn thiện quy trình nhập khẩu, lắp ráp, sản xuất xe buýt điện, xe buýt sử dụng khí hóa lỏng.

Một vấn đề quan trọng khác khi mở rộng phương tiện xanh là cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng, nhiên liệu phù hợp. Hiện tại, hạ tầng cung cấp năng lượng, nhiên liệu cho xe buýt xanh hiện còn rất hạn chế, suất đầu tư lớn, là thách thức không nhỏ với các đơn vị vận tải.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành đánh giá: “Muốn doanh nghiệp có thể sử dụng đại trà xe buýt điện, hay khí tự nhiên hóa lỏng chẳng hạn, thành phố cần đảm bảo nguồn cấp điện, các vị trí xây dựng trạm tích trữ, cung cấp khí hóa lỏng. Nếu giao cho doanh nghiệp tự xây dựng cần có cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vốn”.

Ngoài ra, cơ chế đấu thầu, trợ giá, khấu hao tài sản… cho vận tải công cộng hiện nay chỉ xây dựng cho xe buýt sử dụng xăng, dầu. Với xe buýt sử dụng năng lượng xanh cần cơ chế, chính sách mới phù hợp. Đặc biệt, khấu hao tài sản cũng là vấn đề khó khăn với doanh nghiệp. Xe buýt, taxi sử dụng năng lượng sạch có giá thành cao gấp nhiều lần so với phương tiện sử dụng động cơ truyền thống, nếu áp dụng cách tính khấu hao và niên hạn sử dụng như hiện nay là không phù hợp.

Nhiều mô hình phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường đang được áp dụng tại Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng của người dân.

Nhiều mô hình phương tiện vận tải công cộng thân thiện với môi trường đang được áp dụng tại Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng của người dân.

Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam nhận định, chi phí tiết kiệm được do chuyển từ xe buýt diesel sang xe buýt điện không thể bù đắp chi phí vận hành xe buýt điện, nhất là về chi phí đầu tư ban đầu và thay pin. Xe buýt điện chủ yếu chỉ đem lại lợi ích lớn về bảo vệ môi trường đối với Thủ đô. Bởi vậy, muốn chuyển đổi sang xe buýt điện, thành phố cần có chính sách nhất quán và bố trí đủ nguồn ngân sách trợ giá, đảm bảo ổn định hàng năm cho cả mạng lưới, nhằm duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng Thủ đô.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nói: “Muốn lộ trình chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng sang sử dụng năng lượng xanh thành công, Chính phủ cũng như các địa phương cần đầu tư toàn diện, mạnh mẽ trong 30 năm tới”.

Bài, ảnh: NGỌC HUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hien-thuc-hoa-muc-tieu-chuyen-doi-xanh-he-thong-xe-buyt-thu-do-706701