Hiện thực hóa trục cảnh quan sông Hồng
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị cùng những định hướng quy hoạch lớn đang là 'kim chỉ nam' để thành phố Hà Nội hiện thực hóa việc khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng.
Đặc biệt, khu vực bãi nổi giữa, bãi ven sẽ được tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội.
Tiềm năng tạo lập không gian hấp dẫn
Kiến trúc sư Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc 1, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đánh giá, những dòng sông trong lòng thành phố luôn là không gian đặc biệt, có tính hấp dẫn nhất. Với Hà Nội, đây là nơi chuyển tiếp, kết nối giữa không gian cũ và mới, thu hút người dân Thủ đô cũng như du khách.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Thị Lan Hương, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 định hướng sông Hồng là một trong 5 trục phát triển của Thủ đô. Đây sẽ là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Định hướng này vô cùng quan trọng, là tiền đề đưa ra ý tưởng độc đáo, các giải pháp quy hoạch, tổ chức không gian cảnh quan hấp dẫn hai bên bờ sông và khu vực bãi sông, tạo nên diện mạo hình ảnh mới cho Hà Nội.
Từ thực trạng quản lý khu vực trên địa bàn, kiến trúc sư Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, khu vực bãi nổi giữa và ven sông Hồng, đoạn qua 4 quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình và Long Biên nằm ở trung tâm của trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô, giữa khu vực nội đô lịch sử với thành phố phía bắc sông Hồng. Đây là điểm kết nối không văn hóa cảnh quan sinh thái hồ Tây - Cổ Loa, vừa mang tính chuyển tiếp nhưng cũng có tính độc lập về không gian, cảnh quan với diện tích khoảng hơn 300ha, cao độ nền 2-10,5m, trong đó phần lớn diện tích có cao độ nền 6-9m, được bao quanh bởi mặt nước sông Hồng.
Đây là khu vực có nhiều tiềm năng về đất đai, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, khí hậu để tạo lập không gian hấp dẫn nhất thành phố. Tuy nhiên, hiện nay khu vực này vẫn là không gian cách biệt, cơ bản không có sự kết nối hai bên bờ sông. Thời gian gần đây, khu vực này được người dân khai thác vào mục đích vui chơi giải trí tự phát và manh mún; lãng phí rất lớn về tài nguyên thiên nhiên, về cảnh quan không gian của sông Hồng.
Điều kiện thuận lợi cùng định hướng rõ nét
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, chủ trương của trung ương và thành phố hiện đã định hướng rõ việc khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng. “Theo định hướng quy hoạch, hệ thống công viên ven sông được xác định với diện tích 4.200ha toàn tuyến, trong đó có 3.858ha diện tích 9 bãi sông và 342ha diện tích bãi giữa sau khi chỉnh trị sông Hồng, phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các dòng sông có đê được Thủ tướng Chính phủ duyệt”, đồng chí Dương Đức Tuấn nêu.
Đáng chú ý, theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến Mễ Sở) được thành phố phê duyệt năm 2022, khu vực bãi giữa sông Hồng được định hướng quy hoạch thành hệ thống công viên cây xanh, cảnh quan, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, các quảng trường đô thị và công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô.
Kiến trúc sư Nguyễn Thị Lan Hương phân tích cụ thể, theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thì khu vực bãi nổi giữa, bãi ven sông Hồng nằm trong không gian thoát lũ và không được phép xây dựng các công trình, đặc biệt là công trình nhà ở. Tuy nhiên, Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 21-4-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016... đã “nới rộng”: Ngoài 5 bãi sông được nghiên cứu để phát triển đô thị trên địa bàn thành phố, các bãi sông còn lại được nghiên cứu các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động công viên văn hóa đa chức năng không gây cản trở cho dòng chảy; được phép xây dựng công trình công cộng dịch vụ phục vụ cho các hoạt động kinh tế xã hội…
Hướng tới cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì, phối hợp cùng các quận Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ phát động cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông. Kiến trúc sư Nguyễn Toàn Thắng cho biết, những yêu cầu về giải pháp thiết kế, nghiên cứu định hướng tổng thể quy hoạch kiến trúc cảnh quan hoàn chỉnh về ý tưởng và nội dung có tính sáng tạo nhưng cần mang tính thực tiễn, khả thi cao. Các công trình phải đáp ứng công năng sử dụng và bền vững, thích ứng với điều kiện phòng, chống lũ, khai thác địa thế tự nhiên. Vật liệu sử dụng thân thiện với môi trường, an toàn…
Theo các nhà quản lý cũng như chuyên gia quy hoạch đô thị, thành phố Hà Nội đã hội tụ đủ những điều kiện thuận lợi, những định hướng rõ nét để phát triển khu vực bãi nổi giữa, bãi ven sông. Trục cảnh quan sông Hồng dần được hiện thực hóa từ những bước đi đầu tiên nhằm biến đổi thành không gian xanh, sạch, đẹp và hấp dẫn.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hien-thuc-hoa-truc-canh-quan-song-hong-666124.html