Hiện thực hóa ước mơ có điện lưới quốc gia sau 30 năm

PC Thanh Hóa đã hoàn thành dự án đưa nguồn điện ổn định, bảo đảm chất lượng, an toàn đến với người dân Khu phố 12, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn sau 30 năm mòn mỏi chờ đợi.

Điện góp phần quan trọng giúp cho địa phương xây dựng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân nơi đây. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Điện góp phần quan trọng giúp cho địa phương xây dựng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân nơi đây. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Sau 3 tháng khẩn trương thi công, đến nay, Công ty Điện lực Thanh Hóa – PC Thanh Hóa (Tổng công ty Điện lực miền Bắc) đã hoàn thành dự án đưa nguồn điện ổn định, bảo đảm chất lượng, an toàn đến với người dân Khu phố 12, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn sau 30 năm mòn mỏi chờ đợi.

Giữa tiết trời tháng Tư hãy còn mưa phùn, âm u và lạnh lẽo, trên con đường nhỏ hẹp đi lại khó khăn với những lởm chởm những đá, bùn lầy trơn trượt, chạy ngoằn ngoèo, quanh co giữa núi đồi bao quanh trùng điệp, mây mù che lối, Khu phố 12, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn được nằm dọc dãy núi Tam Điệp, ngay ở vùng ranh giới giữa thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình và thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Gọi là phố nhưng nơi đây trở nên tách biệt hoàn toàn so với phần còn lại hết sức sôi động, nhộn nhịp của một thị xã đang vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Một điều đặc biệt nữa, khu phố này vẫn chưa được quy hoạch là khu dân cư, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội của 65 hộ dân đang sinh sống. Không được quy hoạch, 30 năm qua, điện vẫn là một thứ “xa xỉ” với người dân nơi đây.

Mong muốn có điện, người dân trước kia đã nhiều lần đề nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng do chưa được quy hoạch khu dân cư nên không thể triển khai các dự án đầu tư, “bài toán” vẫn chưa tìm ra lời giải. Để có điện người dân đã phải tự bỏ tiền không nhỏ dựng cột tạm, kéo dây, lấy điện từ các khu vực lân cận.

Tuy nhiên do đường dây dẫn dài, không bảo đảm tiêu chuẩn dẫn đến nguồn điện kém ổn định, chẳng thể đáp ứng đủ cho nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt nên có điện mà cũng như không. Chẳng những vậy, mặc dù sử dụng điện không bảo đảm nhưng người dân vẫn phải mua điện ngoài với mức giá cao hơn nhiều so với giá quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, đặc thù là vùng đồi núi, nhiều cây cối, vào mỗi mùa mưa bão, tiềm ẩn nguy cơ cột điện bị gãy đổ, dây đứt có thể xảy ra gây thiệt hại tài sản, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Đưa điện lưới quốc gia về các vùng nông thôn, bản, làng vùng cao, vùng sâu, vùng hải đảo xa xôi là một chuỗi hành trình đầy gian nan, vất vả. Đặc biệt, với các dự án này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chịu không ít áp lực về cân đối hiệu quả kinh tế.

Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, được Đảng, Nhà nước giao phó, những năm qua Ngành điện luôn nâng cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện thành công nhiều dự án đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo …. Dòng điện đã đánh thức tiềm năng của các địa phương, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia.

Năm 2023, EVN đã lấy “Thực hành tiết kiệm – Chống lãng phí” là chủ đề của năm. Đây là nhiệm vụ có tính cấp thiết và vô cùng quan trọng đối với ngành điện ở giai đoạn hiện nay. Mục tiêu là đảm bảo cung cấp đủ điện, tiết giảm chi phí, tăng doanh thu, cân đối tài chính, phát triển bền vững và hiệu quả các hoạt động của EVN. Trong đó cần chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng hiệu quả và tối ưu các nguồn vốn...

Từ chủ trương của EVN, sự chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), đặc biệt là sự phối hợp, đồng hành của chính quyền địa phương và người dân, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong những năm qua, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã tập trung đầu tư các dự án điện trên địa bàn, đảm bảo vừa mang tính hiệu quả, vừa thể hiện rõ trách nhiệm đối với hoạt động an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Trong đó, nổi bật là dự án cấp điện lưới quốc gia đến các địa bàn thôn, bản vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Trăn trở và thôi thúc trước những khó khăn về nguồn điện của người dân Khu phố 12, Ban Lãnh đạo PC Thanh Hóa đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổng công ty Điện lực miền Bắc xin chủ trương, đồng thời chỉ đạo các phòng/ban chức năng Công ty, đơn vị trực thuộc và liên quan tích cực phối hợp với chính quyền địa phương cùng người dân tìm cách tháo gỡ những nút thắt trên các phương diện giữa các bên.

Cùng với đó, PC Thanh Hóa chủ động phối hợp với các cơ quan báo đài trung ương, địa phương tổ chức truyền thông về việc này để chính quyền và người dân nắm rõ những nguyên nhân khách quan gây ra khó khăn, vướng mắc dẫn đến chưa thể sớm thực hiện việc đầu tư dự án đưa điện vào được Khu phố 12, từ đó có được sự thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia và đồng thuận, tránh thông tin chưa chính xác, gây hiểu nhầm, bức xúc trong nhân dân.

Sau nhiều buổi làm việc để đưa ra các phương án, giải pháp đảm bảo tính phù hợp, linh hoạt và có hiệu quả, cuối tháng 12 năm 2022 dự án đưa điện về Khu phố 12 bắt đầu được triển khai và thi công hoàn thành trong đầu tháng 4 năm 2023.

Dự án có tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng, bao gồm 1 máy biến áp 180kVA, 4 km đường dây trung thế và 2,5 km đường dây hạ thế cấp điện ổn định, chất lượng cho tất cả các hộ dân trong khu phố.

Trong quá trình triển khai, các đơn vị thi công phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức bởi: Địa bàn thực hiện dự án chủ yếu là đồi núi, số lượng cây cối cần giải phóng tương đối lớn, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là vào những ngày mưa nên việc vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ cho dự án là cả vấn đề lớn…

Để giúp người dân nhanh chóng được sử dụng nguồn điện của dự án, Điện lực Khu vực thị xã Bỉm Sơn – Hà Trung đã phân công, chỉ đạo các phòng, tổ, đội và cá nhân liên quan trực tiếp có mặt tại Khu phố 12 để hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục cấp điện cho khách hàng phát triển mới và chỉ trong vòng 3 ngày người dân đã được sử dụng điện.

Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ miễn phí nhân công kéo dây từ sau công tơ, lắp đặt vào hệ thống điện gia đình cho các hộ dân tại khu phố; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo bà con sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Ông Nguyễn Quang Hùng, Giám đốc Điện lực Khu vực thị xã Bỉm Sơn – Hà Trung cho biết.

Công nhân Điện lực Khu vực thị xã Bỉm Sơn - Hà Trung đóng điện đảm bảo nguồn điện ổn định, chất lượng, an toàn đến với người dân Khu phố 12. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Công nhân Điện lực Khu vực thị xã Bỉm Sơn - Hà Trung đóng điện đảm bảo nguồn điện ổn định, chất lượng, an toàn đến với người dân Khu phố 12. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Một trong những điều kiện hết sức quan trọng để dự án được triển khai thuận lợi là sự phối hợp, đồng hành của chính quyền địa phương và sự đồng thuận cao của người dân. Tất cả các hộ dân có tài sản nằm trên đường dự án đi qua thống nhất không nhận tiền đền bù; trong đó, có những hộ còn chủ động tự giải phóng mặt bằng để dự án được triển khai nhanh chóng.

Phấn khởi khi người dân trên địa bàn được sử dụng nguồn điện mới chất lượng, an toàn, ông Trần Nam Chung, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn chia sẻ: Với địa hình đồi núi phức tạp, dân cư ở cách xa nhau, 3 ngày để đấu nối điện thành công cho tất cả các hộ dân Khu phố 12, có thể nói là thời gian thần tốc. Một thao tác đóng điện nhưng là ước mơ, là mong mỏi của biết bao thế hệ người dân trong suốt 30 năm qua.

Sau khi đường điện hoàn thành, địa phương cũng đã có ý kiến với cấp trên tiếp tục quan tâm, đầu tư thêm cơ sở vật chất cho bà con. Thêm một tin vui đến với người dân trong khu phố khi mới đây tỉnh đã có dự án hỗ trợ 3 km đường giúp bà con đến gần khu vực trung tâm hơn”.

Đường dây điện cũng như công tơ để lắp vào hộ dân là bên Điện lực hỗ trợ toàn bộ 100% chi phí nhân công. Bà Phạm Thị Nhâm, Bí thư kiêm Trưởng Khu phố 12, phường Bắc Sơn cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Uẩn, người dân của khu phố bồi hồi, xúc động kể lại: Trước kia, điện yếu, gia đình hàng ngày đều đi làm việc cả nên tôi phải dùng bếp gas nấu cơm gần chín rồi chuyển sang nồi cơm điện từ rất sớm, tuy nhiên cơm thì vẫn bữa sống, bữa chín. Gia đình tôi cũng phải tắt hết các thiết bị điện trong nhà để đủ điện chiếu sáng phục vụ việc học tập của các cháu.

Đến nay, sau khi được các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là sự quan tâm của ngành điện, người dân chúng tôi vui mừng khôn xiết. Giờ cơm cắm chỉ 10 phút là chín và rất ngon, có điện vừa xem được tivi, bơm được nước và các cháu học cũng không phải chịu cảnh ánh sáng lập lòe như trước kia nữa./.

Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hie-n-thu-c-ho-a-uo-c-mo-co-die-n-luo-i-quo-c-gia-sau-30-nam/287897.html