Hiện thực hóa ý tưởng du hành thời gian?
Có một số nhà khoa học đang tìm cách hiện thực hóa giấc mơ quay ngược đồng hồ để trở về quá khứ. Một trong số đó là Ron Mallett, nhà vật lý thiên thể Mỹ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tính khả thi của du hành thời gian.
Không gian và thời gian
Ông đã nghĩ ra nguyên tắc và phương trình khoa học mà dựa vào đó ông cho rằng có thể làm ra cỗ máy thời gian. Mallett thừa nhận lý thuyết và thiết kế của mình không thể biến du hành thời gian thành hiện thực trong thời đại này, nhưng nhiều năm qua, ông vẫn vừa làm việc học thuật vừa nghiên cứu để hoàn thành giấc mơ trở lại quá khứ gặp người cha yêu quý lần nữa.
Mallett mới 10 tuổi khi cha ông đột ngột qua đời vì đau tim. Sự cố này đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Niềm đam mê đọc sách và khoa học do chính người cha truyền cho Mallett. Một năm sau khi cha mất, Mallett tình cờ thấy phiên bản minh họa của cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "Cỗ máy thời gian". Nhờ trí tưởng tượng của tác giả H.G. Wells, Mallett cảm thấy bi kịch gia đình không phải là kết thúc, mà là khởi đầu.
60 năm sau, Mallett giờ là một giáo sư vật lý 74 tuổi tại Đại học Connecticut. Ông dành sự nghiệp để nghiên cứu hố đen và thuyết tương đối rộng - tức là lý thuyết về vũ trụ, thời gian và trọng lực mà nhà bác học Albert Einstein khám phá.
Mặc dù giấc mơ của ông còn lâu mới thành hiện thực, thậm chí có người cho rằng sẽ không bao giờ thành hiện thực, nhưng hành trình nghiên cứu, đam mê của ông đã trở thành câu chuyện sâu sắc về sức mạnh tình yêu, giấc mơ tuổi thơ và khát vọng kiểm soát định mệnh của con người.
Vậy cỗ máy thời gian dựa trên lý thuyết nào? Ông Mallett cho rằng tất cả đều xoay quanh thuyết tương đối hẹp và thuyết tương đối rộng của Albert Einstein. Ông nói: "Nói tóm lại, Einstein cho rằng tốc độ có thể tác động tới thời gian".
Ông lấy ví dụ về các nhà du hành vũ trụ đi trong vũ trụ trong một rocket bay với tốc độ gần tốc độ ánh sáng. Với những người trong rocket, thời gian sẽ trôi qua khác với trên Trái Đất. Ông Mallett nói: "Họ có thể thực sự trở lại và phát hiện ra họ mới chỉ già thêm vài tuổi, nhưng hàng chục năm đã trôi qua trên Trái Đất".
Ông Mallett lấy ví dụ về bộ phim khoa học viễn tưởng kinh điển năm 1968 "Hành tinh khỉ", trong đó một nhà du hành nhận ra mình chưa tới hành tinh khỉ xa xôi mà lại quay về Trái Đất ở thời tương lai - thời điểm mà loài người đã bị loài khỉ khuất phục. Ông nói: "Đó chính là ví dụ chính xác về thuyết tương đối hẹp của Einstein. Theo thuyết tương đối hẹp, nếu bạn di chuyển đủ nhanh, bạn sẽ có thể đi xuyên thời gian. Đó sẽ là du hành thời gian".
Tuy nhiên, đây là đi tới tương lai chứ không phải trở về quá khứ. Vậy thuyết này có thể giúp ông Mallett quay về quá khứ gặp người cha thế nào?
Thuyết tương đối rộng của Einstein dựa trên khái niệm về trọng lực và xem xét thời gian bị ảnh hưởng bởi trọng lực ra sao. Einstein cho rằng trọng lực càng lớn thì thời gian sẽ càng chậm lại. Thuyết tương đối rộng của Einstein cho rằng cái mà chúng ta gọi là trọng lực lại không phải là lực, mà thực ra là sự uốn cong không gian bởi một vật thể khổng lồ. Ông Mallett nói: "Nếu có thể bẻ cong không gian, có khả năng ta có thể thay đổi không gian. Theo thuyết của Einstein, điều mà chúng ta gọi là không gian cũng liên quan tới thời gian. Đó là lý do nó được gọi là không gian thời gian. Bạn tác động gì tới không gian thì điều đó cũng xảy ra với thời gian.
Theo ông Mallett, bằng cách "nhét" thời gian vào một đường ống, người ta có thể đi từ tương lai về quá khứ và lại trở lại tương lai. Đây là ý tưởng về "lỗ giun vũ trụ" (wormhole - một loại đường hầm có hai đầu mở) - một đường đi lý thuyết xuyên qua không-thời gian có thể tạo thành một lối tắt cho các quãng đường dài xuyên qua vũ trụ. Ông Mallett cho rằng cũng có thể sử dụng ánh sáng để tác động tới thời gian thông qua "ring laser" - hai tia sáng cùng độ phân cực đi theo hai hướng trái nhau.
Ông đã tạo một mẫu đường ống để minh họa cách dùng laser để tạo ra tia sáng tuần hoàn có thể thay đổi không gian và thời gian. Trước đó, ông đã từng thí nghiệm ảnh hưởng của laser tới động cơ máy bay. Ông nói: "Hóa ra kiến thức về laser đã giúp tôi biết rằng tôi có thể tìm cách mới hoàn toàn cho nguyên tắc cỗ máy thời gian".
Ông Mallett cũng có một phương trình lý thuyết mà ông cho rằng chứng minh cỗ máy thời gian có thể hoạt động. Ông nói: "Tia laser tuần hoàn có thể là một loại cỗ máy thời gian và làm thay đổi thời gian và cho phép bạn quay về quá khứ". Tuy nhiên, có một trở ngại khá lớn: Ta có thể đưa thông tin quay lại nhưng chỉ có thể đưa nó quay lại thời điểm bật cỗ máy".
Dù hành trình quay lại những năm 1950 của ông Mallett chưa thể thành sự thật nhưng ông vẫn lạc quan và tiếp tục nghiên cứu khả năng.
Đánh giá về ý tướng du hành thời gian
Vậy có khả năng nào về tương lai không quá xa mà ta có thể du hành thời gian như ý muốn của ông Mallett không? Xét cho cùng, con người đang bước vào thập kỷ mới với những ý tưởng từng bị coi là viển vông như du lịch vũ trụ và tàu siêu tốc Hyperloop.
Paul Sutter, nhà vật lý thiên văn dẫn chương trình podcast tên là "Hỏi nhà du hành vũ trụ" cho rằng công trình nghiên cứu của Giáo sư Mallett thú vị nhưng không thể mang lại kết quả vì có sai sót lớn trong toán học và lý thuyết và do đó thiết bị khả thi là không thể xây dựng được.
Người chỉ trích nghiêm trọng thuyết của ông Mallett là Ken D. Olum và Allen Everett tại Viện Vũ trụ học, Khoa Vật lý và Thiên văn tại Đại học Tufts. Năm 2005, hai người này nói đã phát hiện ra lỗ hổng trong phương trình của ông Mallett cũng như tính khả thi của thiết bị du hành thời gian.
Trong khi đó, tác giả khoa học người Anh Brian Clegg lại có cái nhìn ưu ái về ý tưởng của ông Mallett. Ông nói: "Dù không phải ai cũng cho rằng thiết bị đề xuất của ông ấy sẽ hoạt động, nhưng tôi cho rằng đây là một đề xuất đủ thú vị để thử nghiệm".
Khi được hỏi về khía cạnh đạo đức của việc đi về quá khứ, Giáo sư Mallett cho rằng cần có quy định và kiểm soát quốc tế. Ông lấy ví dụ về bộ phim "Cảnh sát thời gian" (Timecop) năm 1994, trong đó Jean-Claude Van Damme đóng vai một quan chức làm việc trong cơ quan quản lý du hành thời gian.