Hiện thực những mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, phát triển
Giai đoạn 2021-2025, TP. Thái Nguyên đã phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện 13 đề án phát triển kinh tế - xã hội.
Trong số các đề án TP. Thái Nguyên đang triển khai, nổi bật là Đề án xây dựng tuyến phố văn minh đô thị. Qua hơn 2 năm thực hiện, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 công trình chỉnh trang đô thị; công nhận 41 tuyến phố văn minh đô thị với tổng chiều dài trên 32km. Mục tiêu đến năm 2025, thành phố phấn đấu có ít nhất 6 tuyến phố được công nhận văn minh đô thị loại I; 4 tuyến phố được công nhận văn minh đô thị loại II; 10 tuyến phố được công nhận văn minh đô thị loại III.
Ông Nguyễn Đức Ngọc, ở tổ 6, phường Túc Duyên, cho hay: Gần 70 năm sinh sống ở đây, tôi thấy TP. Thái Nguyên đang có nhiều thay đổi vượt bậc. Hiện nay, cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại; nhiều trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, hưởng thụ của người dân...
Hay như Đề án cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021-2025. Từ khi triển khai thực hiện Đề án đến nay, các văn bản chỉ đạo được ban hành kịp thời; hiệu quả quản trị và hành chính công được nâng cao; công tác chuyển đổi số được chú trọng; hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư hiện đại... Hiện nay, 100% xã, phường trên địa bàn TP. Thái Nguyên đã kết nối Internet và phủ sóng di động.
Thành phố cũng đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và hệ thống camera giám sát trật tự an toàn đô thị, với tổng mức đầu tư gần 45 tỷ đồng. Thông qua đó, từng bước lập lại trật tự an toàn đô thị. Từ đầu năm đến nay, thông qua hệ thống camera giám sát, cơ quan chức năng của thành phố đã phát hiện gần 480.000 lượt phương tiện vi phạm giao thông, gửi thông báo và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Ngoài 2 đề án trên, các đề án còn lại đang được TP. Thái Nguyên chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.
Theo đánh giá, các chỉ tiêu của đề án đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể: Đề án phát triển giáo dục và đào tạo, có 4/7 chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức; Đề án giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2022 chỉ còn 0,61%, hộ cận nghèo còn 0,69% (giảm 0,15% hộ nghèo và 0,06% hộ cận nghèo so với năm 2021), dự kiến đến hết năm 2023, TP. Thái Nguyên sẽ giảm hộ nghèo xuống còn 0,54%, hộ cận nghèo là 0,64%; Đề án phân loại rác thải tại nguồn, 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn, rác thải sinh hoạt tại 30/32 xã, phường được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định…
Các đề án thúc đẩy kinh tế nông nghiệp cũng được TP. Thái Nguyên triển khai và đạt được kết quả khả quan, như: bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố có xã Tân Cương đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến đến hết năm 2023, TP. Thái Nguyên sẽ có 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...
Theo lãnh đạo UBND TP. Thái Nguyên, địa phương sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển kinh tế - xã hội. Cốt lõi trong đó là tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa ngành dịch vụ giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên phát triển kế cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị thông minh…
- Phát triển giáo dục và đào tạo
- Cải cách hành chính
- Phòng, chống ma túy
- Giảm nghèo
- Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị
- Nâng cao năng lực quản lý trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị
- Phân loại rác thải tại nguồn
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, môi trường và khoáng sản
- Phát triển du lịch
- Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa
- Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương
- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Xây dựng nông thôn mới
Tổng kinh phí thực hiện được phê duyệt thực hiện các đề án là trên 5.100 tỷ đồng (từ ngân sách thành phố).