Hiện thực sinh động của tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam

Việc Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân không chỉ được thể hiện trên phương diện các quy định của Hiến pháp, pháp luật, mà còn được minh chứng qua thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân.

Chính sách nhất quán trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã có buổi làm việc với bà Nada al - Nashif, Phó Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, tại Geneva, Thụy Sĩ. Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định, Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước.

Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam

Đại lễ Phật đản Vesak 2019 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Tam Chúc, Kim Bảng, Hà Nam

Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời, là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Hiện Việt Nam có trên 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; hơn 54.000 chức sắc; trên 144.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú, với 50.703 cơ sở tín ngưỡng, trong đó khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO ghi danh là di sản thế giới.

Trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, xem đây là vấn đề mang tính chiến lược, quan trọng trong tiến trình xây dựng, bảo vệ đất nước. Điểm đáng chú ý là Đảng, Nhà nước đã có những bước đột phá mới trong tư duy, nhận thức về tôn giáo khi nhìn nhận tôn giáo là một nguồn lực trong xây dựng và phát triển đất nước.

Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, Việt Nam đã 4 lần sửa đổi Hiến pháp, song quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vẫn luôn được thể hiện nhất quán và khẳng định trong các Hiến pháp như một giá trị của chế độ xã hội mới, phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển đất nước cũng như thực tiễn hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.

Thể chế hóa quy định trong Hiến pháp, năm 2016, Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 162/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và từ ngày 1-1-2018, cả Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/NĐ-CP đều có hiệu lực thi hành, góp phần bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Ngày 29-12-2023, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 95/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định số 162/NĐ-CP.

Tính đến tháng 12-2023, Nhà nước đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo; hàng nghìn điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có hơn 60 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Riêng đạo Tin lành, từ năm 2021-2023, khu vực miền núi phía Bắc chấp thuận thêm 170 điểm nhóm, 6 tổ chức tôn giáo trực thuộc; 5 tỉnh Tây Nguyên chấp thuận 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó.

Đối với các ngày lễ trọng, lễ hội truyền thống của các tôn giáo như: Lễ hội Phật Đản của Phật giáo, Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo, Tin lành và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lớn diễn ra như lễ hội chùa Hương, lễ hội Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer... đều được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, tổ chức, thăm hỏi, tặng quà, động viên và thu hút đông đảo sự tham gia của tín đồ và quần chúng nhân dân.

Vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết. Hiện, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc chiếm hơn 70%. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới cơ sở tôn giáo. Hầu hết cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được sửa chữa khang trang, nhiều cơ sở được xây mới. Năm 2003, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi năm 2023, trong đó có đất đai liên quan đến tôn giáo. Theo đó, Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở tôn giáo, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước như các tổ chức, cá nhân khác.

Đóng góp tích cực về nhân quyền với cộng đồng quốc tế

Không chỉ bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, Việt Nam còn tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tham gia rất tích cực các hội nghị, các diễn đàn tôn giáo khu vực và quốc tế, như: Ðối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (ASEM); hợp tác liên tín ngưỡng giữa các nước của Phong trào Không liên kết… Nhiều hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo được tổ chức thành công ở Việt Nam, được dư luận quốc tế đánh giá cao, như: Ðại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008, 2014, 2019; Tổng Công hội dòng Ða Minh thế giới năm 2019; lễ kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành đến Việt Nam; Hội Yến Diêu Trì Cung trong Cao Ðài Tây Ninh…

Chỉ riêng năm 2023, có hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài; gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo… Đồng thời, Giáo hội Công giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng giám mục Á Châu năm 2023; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình; các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương”… Đó chính là hiện thực sinh động của tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

Đặc biệt, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican liên tục được cải thiện. Tháng 7-2023, lãnh đạo hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ lên Đại diện thường trú của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam. Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam và ngay trong tháng 1-2024, Tổng Giám mục Marek Zalewski đã đến Việt Nam đảm nhiệm chức vụ này. Tháng 4-2024, Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam và rất ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế, đối ngoại của Việt Nam và tin tưởng vào mối quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican sẽ đạt được những thành tựu phát triển mới.

Chính nhờ thực hiện tốt vai trò là quốc gia thành viên có trách nhiệm của các công ước quốc tế về nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, Việt Nam đã được bạn bè quốc tế đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023 - 2025.

Thực tiễn trên là bằng chứng rõ ràng phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình, nỗ lực cũng như thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nó bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, cố tình bóp méo sự thật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam của các lực lượng thù địch nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hien-thuc-sinh-dong-cua-tu-do-ton-giao-tin-nguong-o-viet-nam-post593208.antd