Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo UBND TP nghiên cứu phương án tiền khả thi dự án Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy (đường Láng). Dự án này có tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.
Do tổng thể dự án có tổng mức đầu tư lớn nên Sở GTVT đề xuất tách thành hai dự án trên cao và dưới thấp.
Trong đó, ưu tiên cải tạo mở rộng vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8km, điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng gồm giải phóng mặt bằng 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng.
Các hạng mục đầu tư chủ yếu là giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang quy hoạch, nền mặt đường, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hào kỹ thuật, nghiên cứu đồng bộ các nút giao.
Theo Sở Giao thông Vận tải, đường Láng chỉ rộng 10,5 m mỗi chiều, lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
Từ chiều rộng mỗi bên 10,5m hiện nay, khi cải tạo xong đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80 km/h và là trục chính đô thị.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy có điểm đầu kết nối với đường Vành đai 2 trên cao xây dựng tại nút giao Ngã Tư Sở.
Điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy.
Tuyến đường trên cao dài 3,8km, rộng 19m, vận tốc 80 km/h, là trục chính đô thị. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2026-2030.
Do chưa được khớp nối toàn tuyến, khiến nút giao Ngã Tư Sở thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, sáng 9/5 hàng dài phương tiện di chuyển trên đường vành đai 2 hướng từ cầu Vĩnh Tuy đi sang đường Láng di chuyển khó khăn.
Còn tại tuyến đường Láng, các phương tiện cũng di chuyển chậm vì mặt đường hẹp trong khi lưu lượng phương tiện lớn.
PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ GTVT cho rằng, dự án Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy (đường Láng) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với giao thông và kinh tế - xã hội của Thủ đô.
“Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để mở rộng đường Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy về Ngã Tư Sở nhưng chưa phát huy hết hiệu quả. Thực tế đi từ cầu Vĩnh Tuy (đường trên cao) về Ngã Tư Sở chỉ mất vài phút nhưng nhiều lúc phải mất cả tiếng mới thoát được cảnh ùn tắc ở nút giao này”, ông Doãn Minh Tâm nói.
Ông Doãn Minh Tâm cho rằng, TP Hà Nội cần sớm triển khai dự án mở rộng đường Láng để hoàn thiện toàn tuyến Vành đai 2 đoạn qua nội thành. Như vậy, mới giải được bài toán ùn tắc ở Ngã Tư Sở.
Chia sẻ về việc xây dựng đoạn tuyến trên cao với hàng loạt cầu vượt và ga đường sắt đô thị vắt ngang như hiện nay, ông Doãn Minh Tâm cho rằng, khi thực hiện dự án mở rộng đường Láng và làm đường trên cao, TP Hà Nội cần nghiên cứu và tham khảo ý kiến chuyên gia để đưa ra giải pháp xử lý tối ưu nhất.
“Giải pháp nào cho hàng cây xanh và đảm bảo cảnh quan dòng sông Tô Lịch cũng là một trong những vấn đề TP Hà Nội cần quan tâm khi xây dựng tuyến đường Láng”, PGS.TS Doãn Minh Tâm cho hay.
Hình ảnh lối lên xuống ga đường sắt đô thị tại đường Láng.
Hình ảnh hàng cây cổ thụ cổ thụ trên đường Láng.
Khu vực nút giao Cầu Giấy sẽ khớp nối với đường vành đai 2 trên cao.
Lê Khánh