Hiện tượng 'hikikomori' đeo bám người Nhật sau đại dịch
Sau đại dịch Covid-19, nhiều người Nhật Bản chọn sống tách biệt với xã hội bất chấp nỗ lực hàn gắn từ chính phủ.
Theo khảo sát mới nhất của chính phủ Nhật Bản, gần 1,5 triệu người dân nước này chọn lối sống “hikikomori” - sống ẩn dật trong ít nhất 6 tháng. Một số chỉ ra ngoài mua đồ tạp hóa, trong khi những người khác thậm chí không rời khỏi phòng ngủ của họ.
Cụm từ "hikikomori" xuất hiện từ đầu những năm 1980 và trở nên phổ biến trong một thập kỷ qua, khiến giới chức Nhật Bản lo ngại. Tình hình càng tồi tệ hơn sau đại dịch Covid-19.
Theo kết quả khảo sát do chính phủ Nhật Bản thực hiện vào tháng 11/2022, trong số 12.249 phản hồi ngẫu nhiên, khoảng 2% người trong độ tuổi 15-64 được xác định là "hikikomori", đặc biệt nhóm người từ 15 đến 39 tuổi tăng nhẹ.
Nếu áp dụng tỷ lệ này trên tổng dân số Nhật Bản, khoảng 1,46 triệu người dân nước này đang sống ẩn dật, theo CNN.
Cô đơn trong xã hội Nhật
Lý do phổ biến nhiều người Nhật chọn lối sống “hikikomori” gồm mất việc, mang thai, bệnh tật, nghỉ hưu và những mối quan hệ cá nhân không như mong muốn... Song nguyên nhân hàng đầu là đại dịch Covid-19.
Hơn 1/5 số người được hỏi cho rằng đại dịch là yếu tố quan trọng khiến họ tách biệt với xã hội.
Tương tự các quốc gia Đông Á khác, Nhật Bản duy trì biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 cho đến năm 2022, ngay cả khi những nước khác đã chấp nhận “sống chung với dịch”.
Tokyo bắt đầu mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài vào tháng 10/2022, chấm dứt một trong những biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới, hơn hai năm sau khi đại dịch bùng phát.
Tuy nhiên, ảnh hưởng từ đại dịch vẫn được cảm nhận sâu sắc.
“Do dịch Covid-19, cơ hội tiếp xúc với người khác giảm đi”, báo cáo được công bố trên Thư viện Quốc hội Nhật Bản hồi tháng 2 cho biết.
Báo cáo nói thêm đại dịch có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội hiện nay như sự cô đơn, cô lập và khó khăn tài chính, khiến các vụ tự tử, lạm dụng trẻ em và gia đình gia tăng.
Các chuyên gia từng nhận định với CNN rằng “hikikomori” thường xuất phát từ các vấn đề tâm lý như trầm cảm và lo lắng, dẫu vậy các yếu tố xã hội, chẳng hạn sự gia trưởng và văn hóa làm việc khắt khe của Nhật Bản, cũng đóng vai trò nhất định.
Hiện tượng “hikikomori” đã xuất hiện từ rất lâu trước khi đại dịch bùng phát, gắn liền với vấn đề tiềm ẩn khác của Nhật Bản - cuộc khủng hoảng dân số.
Dân số Nhật Bản liên tục giảm kể từ thời điểm bùng nổ kinh tế những năm 1980, với tỷ lệ sinh và số ca sinh hàng năm chạm mức thấp kỷ lục suốt nhiều năm liên tiếp.
Trong khi đó, dân số già tăng lên gây ra vấn đề lớn cho nền kinh tế vốn đã trì trệ. Tình hình tồi tệ đến mức thủ tướng Nhật cảnh báo rằng nước này “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”.
Đối với những gia đình có người thân sống ẩn dật, điều này đặt ra thách thức kép, được gọi là “vấn đề 8050” - đề cập đến những người ở độ tuổi 50 sống ẩn dật và dựa vào cha mẹ ở độ tuổi 80.
Ngoài cuộc khủng hoảng dân số, các nhà chức trách cũng trích dẫn những yếu tố khác, chẳng hạn số lượng người trưởng thành độc thân ngày càng tăng khi hẹn hò và hôn nhân mất dần sức hấp dẫn. Trong khi đó, các mối quan hệ ngoài đời thực ngày càng suy yếu vì nhiều người tìm đến cộng đồng trực tuyến.
Một trường hợp sống ẩn dật điển hình là Naoto (16 tuổi). Sau khi cha bỏ rơi mẹ để chạy theo nhân tình, Naoto tự nhốt mình trong nhà và không chịu đến trường.
Theo thời gian, mọi thứ ngày càng tệ đi và cậu có xu hướng hành động bạo lực. Cậu từng đánh đập mẹ đến mức phải nhập viện khi bà không cho mua đồ và video liên quan đến anime bất hợp pháp, theo CNA.
Ảnh hưởng từ Covid-19
Trước tình trạng này, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thành lập cơ quan hỗ trợ nhóm người bị ảnh hưởng bởi hiện tượng “hikikomori” vào năm 2018.
“Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải hàn gắn mối quan hệ (của những người sống ẩn dật) với xã hội, đồng thời hỗ trợ họ giải quyết các tình huống cá nhân”, Takumi Nemoto, người đứng đầu cơ quan này vào năm 2019, cho biết.
Ông nói chính quyền địa phương và nhà nước đã triển khai nhiều dịch vụ khác nhau như tư vấn, thăm nhà những người sống ẩn dật, hỗ trợ nhà ở cho người trung niên và người lớn tuổi, đồng thời nỗ lực tiếp cận “các hộ gia đình gặp khó khăn yêu cầu giúp đỡ”.
Tuy nhiên, những nỗ lực này đã bị lu mờ bởi thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, khiến chính phủ phải thực hiện các cuộc khảo sát trên toàn quốc về sự cô đơn từ năm 2021 và đưa ra một kế hoạch đối phó chuyên sâu hơn vào tháng 12/2022.
Một số biện pháp bao gồm nâng cao nhận thức cộng đồng và các chiến dịch ngăn ngừa tự tử thông qua mạng xã hội, phân bổ thêm nhân viên tư vấn học đường và nhân viên xã hội, tiếp tục dịch vụ tư vấn qua điện thoại 24/7 cho những người có “mối quan hệ xã hội yếu”.
Ngoài ra, bản kế hoạch còn bao gồm các chương trình hướng tới hộ gia đình đơn thân và dịch vụ hỗ trợ những người ly hôn.
Báo cáo của chính phủ Nhật Bản cho biết đại dịch Covid-19 khiến sự cô đơn lan rộng hơn trong xã hội và làm sáng tỏ những vấn đề tồn tại từ lâu, thường bị bỏ qua.
“Vì số lượng người sống một mình, đặc biệt là người già, dự kiến tăng trong tương lai, sự cô đơn và cô lập sẽ trở nên nghiêm trọng hơn”, báo cáo viết. “Do đó, ngay cả khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, chính phủ cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến sự cô đơn và cô lập trong xã hội Nhật Bản”.