Hiện tượng khó tin đang xảy ra ở thị trường việc làm Trung Quốc
Người trẻ tốt nghiệp từ các đại học lớn ở Trung Quốc quyết định thử sức với những công việc ở nhà máy sản xuất, khiến số lượng nộp đơn tăng vọt so với những năm trước.
Ở Trung Quốc, sản xuất vốn là ngành dành cho công nhân lao động chân tay. Nhưng gần đây, ngành này lại nổi lên như một hiện tượng, thu hút những người trẻ tuổi, học thức cao ở nước này, thậm chí là cả những người tốt nghiệp đại học hàng đầu.
Theo dữ liệu từ các nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhilian Zhaopin và Liepin, đơn ứng tuyển của những sinh viên mới tốt nghiệp năm 2023 vào các vị trí trong lĩnh vực cơ khí hoặc sản xuất đã tăng 104% so với năm 2021.
Trong khi đó, sự quan tâm đến các công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trò chơi điện tử lại giảm 33% so với cùng kỳ.
Đổ xô đi làm nhà máy
Sixth Tone thông tin Báo cáo Chất lượng việc làm của Đại học Giao thông Thượng Hải cho thấy 17% sinh viên tốt nghiệp năm 2023 của trường đã gia nhập ngành sản xuất, chỉ xếp sau công nghệ thông tin và dịch vụ phần mềm.
Ngoài ra, tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ tham gia các ngành sản xuất đều tăng so với năm 2022.
Xu hướng này cũng xảy ra ở nhiều đại học khác tại Trung Quốc. Cụ thể, 24% cử nhân năm 2024 của Đại học Cát Lâm, 28% cử nhân năm 2022 của Đại học Thượng Hải và 23% cử nhân năm 2023 của Đại học An Huy làm việc trong ngành này.
Ngay cả tại Đại học Bắc Kinh, một trong những trường đại học danh giá nhất ở đất nước tỷ dân, tỷ lệ sinh viên mới tốt nghiệp theo đuổi sự nghiệp trong ngành sản xuất cũng tăng từ 1,74% vào năm 2016 lên hơn 4% vào năm 2022.
Hãng thông tấn Xinhua cũng đưa tin một tập đoàn ôtô ở tỉnh Thiểm Tây nhận được hơn 10.000 hồ sơ ứng tuyển trong chiến dịch tuyển dụng năm 2023. Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo cho biết nhà sản xuất xe năng lượng mới BYD đã tuyển dụng hơn 31.8000 sinh viên tốt nghiệp năm 2023, trong đó 61% người có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Tuyển dụng lao động trình độ đại học trở lên chủ yếu tập trung vào các vị trí bán hàng và kỹ thuật. Các vị trí kỹ thuật trong sản xuất được coi là mang lại sự phát triển nghề nghiệp ổn định, lâu dài, nhưng một số người đặt ra câu hỏi liệu những sinh viên mới tốt nghiệp có thể đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực này hay không.
Yi Qian, sinh viên tốt nghiệp ở tỉnh Hà Nam, bắt đầu làm việc trong bộ phận hậu cần kho bãi tại nhà máy mới mở của BYD ở Trịnh Châu vào tháng 6/2023. Trong khi hầu hết bạn cùng lớp của cô theo đuổi sự nghiệp trong các cơ quan công quyền, giảng dạy hoặc làm việc ở các công ty công nghệ lớn, cô lại bị thu hút bởi triển vọng của ngành sản xuất đang phát triển của Trung Quốc.
Trước khi tốt nghiệp, Yi Qian từng thực tập tại gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com. Nhưng khi làm việc ở BYD, cô vẫn bị hiện thực đánh ngã vì khó khăn hơn tưởng tượng.
"Tôi từng nghĩ công việc ở BYD cũng giống như ở JD.com, chỉ phân tích dữ liệu và thuyết trình trên PowerPoint. Nhưng trong tháng đầu tiên, tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi", Yi nói với Sixth Tone.
Lực lượng lao động thay đổi
Một thập kỷ trước, hình ảnh của các nhà máy luôn gắn liền với những dây chuyền lắp ráp ngột ngạt, thiếu ánh sáng. Nhưng giờ đây, ngành sản xuất của Trung Quốc được đa dạng hóa, mở rộng ra hàng chục phân ngành, từ chế biến nông sản, thực phẩm đến sản xuất dụng cụ, dược phẩm. Ngành cũng được nâng cấp hơn về mặt công nghệ, nhu cầu về lực lượng lao động cũng đa dạng hơn trước.
Theo dữ liệu điều tra dân số, vào năm 2010, nhãn hiệu “Made in China” đồng nghĩa với sản phẩm chi phí thấp, công nhân sản xuất thường trong độ tuổi 20-24 và chủ yếu tập trung vào ngành dệt và may mặc. Nhưng chỉ một thập kỷ sau đó, gần 22% người trẻ làm việc ở lĩnh vực sản xuất máy tính, thiết bị truyền thông và thiết bị điện tử khác.
Đồng thời, khả năng đổi mới và công nghệ của ngành sản xuất ở đất nước tỷ dân cũng không ngừng tiến bộ.
Theo China Statistical Yearbook on Science and Technology do chính phủ nước này ban hành, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô lớn tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển đã tăng từ 15% vào năm 2013 lên 38% vào năm 2022. Số lượng nhân viên nghiên cứu và phát triển cũng tăng từ 68.000 lên 100.000 so với cùng kỳ.
"Sản xuất có thể không phải là một ngành mới, nhưng đối với những người trẻ tuổi, đây giống như một lựa chọn mới", tờ The Paper nêu đánh giá về xu hướng việc làm ở Trung Quốc hiện tại.