Hiện tượng 'lương chưa tăng, giá đã tăng' liệu có tiếp diễn sau 1/7?

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, tình trạng 'lương chưa tăng, giá đã tăng' là vấn đề đã xảy ra nhiều lần trước đây, dẫn đến việc tăng lương nhưng không tạo tác động thực chất cho các đối tượng hưởng lương.

Chủ động đưa ra dự báo, tính toán cập nhật một số kịch bản lạm phát

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, từ ngày 1/7/2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Theo đó, mức lương công chức, viên chức có thể tăng 30%.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, việc tăng lương có thể gây áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát, có thể làm giá cả tăng lên và tạo ra hiệu ứng “lương chưa tăng, giá đã tăng”.

 Nhiều chuyên gia lo ngại hiệu ứng “lương chưa tăng, giá đã tăng”. (Ảnh: BV)

Nhiều chuyên gia lo ngại hiệu ứng “lương chưa tăng, giá đã tăng”. (Ảnh: BV)

Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, ghi nhận 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 4,03%, nằm trong mục tiêu Quốc hội cho phép trong khoảng 4 - 4,5%.

Theo bà Nhung, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường.

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo vào tuần trước, Bộ Tài chính cũng xem xét bối cảnh, chủ động đưa ra dự báo, tính toán cập nhật một số kịch bản lạm phát, đồng thời đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện trong nửa năm cuối.

Trong đó, chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu.

Bên cạnh đó, đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị.

Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột và tăng giá cộng dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Thực hiện công tác truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh các thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận.

"Với sự chủ động của Bộ Tài chính cũng như các bộ ngành, chúng tôi kỳ vọng việc cải cách tiền lương sẽ không ảnh hưởng đến tăng giá cuối năm", bà Nhung nói.

Hiện tượng “lương chưa tăng, giá đã tăng” liệu có tiếp diễn sau 1/7?

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng” là vấn đề đã xảy ra nhiều lần trước đây, dẫn đến việc tăng lương nhưng không tạo tác động thực chất cho các đối tượng hưởng lương.

"Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ, bản thân thị trường và người dân đã có thích ứng để không bị tác động đến tâm lý khi thực hiện tăng lương", ông Chi nói.

 Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính. (Ảnh: TCTC)

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính. (Ảnh: TCTC)

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, đứng ở góc độ điều hành, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cũng hết sức chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để tăng tính chủ động, tăng lương nhưng không tăng giá.

Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá vừa qua, nhiều giải pháp cũng đã được đề cập, như đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện…, Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục họp bàn và chỉ đạo các cơ quan không được để thiếu các mặt hàng này.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Các bộ, ngành cũng chủ động điều hành nhịp nhàng giá của các mặt hàng Nhà nước quản lý như viện phí, học phí, trên cơ sở tín hiệu thị trường để có điều chỉnh phù hợp, nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, giúp lạm phát kỳ vọng thay đổi.

Bên cạnh đó là những giải pháp về thanh kiểm tra thị trường theo quy định của Luật Giá 2023, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, thực hiện kiểm tra về bán hàng hóa, chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá…

“Với tất cả những giải pháp đã thực hiện thì thị trường, người dân, doanh nghiệp và xã hội đã thích ứng với việc tăng lương, không có nhiều tác động đến tâm lý, song song với những giải pháp chủ động của Chính phủ và cơ quan quản lý thì sẽ không có tác động lớn đến thị trường”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hien-tuong-luong-chua-tang-gia-da-tang-lieu-co-tiep-dien-sau-1-7-post299863.html