Phòng, chống dịch bệnh hậu bão lũ: Không thể lơ là

Sau bão lũ, dòng nước mang theo vi sinh vật, bụi bẩn, rác thải, gây ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ dịch bệnh. Để sớm ổn định đời sống người dân, ngành Y tế đẩy mạnh các hoạt động xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn là khía cạnh quan trọng trong công cuộc tái thiết cuộc sống sau bão lũ.

Người dân tại TP Yên Bái dọn dẹp môi trường sau khi lũ rút. (Ảnh: VGP)

Người dân tại TP Yên Bái dọn dẹp môi trường sau khi lũ rút. (Ảnh: VGP)

Xử lý môi trường sau bão lũ

Thời gian qua, thiên tai, bão lũ đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân ở các tỉnh phía Bắc. Nhiều nhà cửa, công trình công cộng, đê điều, hoa màu,… bị tàn phá nặng nề. Giờ đây, khi bão lũ đi qua nhưng thiệt hại vẫn còn đó, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh này, tái thiết sau bão lũ trở thành nhiệm vụ cấp bách và cần thiết tại mỗi địa phương để khôi phục lại cuộc sống và phát triển kinh tế.

Vượt qua đau thương, thiệt hại, các địa phương phía Bắc đang nỗ lực tái thiết cuộc sống. Tuy nhiên, để tái thiết bền vững, cần có kế hoạch dài hạn và sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền cũng như cộng đồng. Nhằm hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống sau bão lũ, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể đã khẩn trương vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, giúp họ sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt.

Một trong những việc ưu tiên hàng đầu là kịp thời hỗ trợ, bảo đảm sức khỏe cộng đồng vùng bão lũ, đặc biệt là những đối tượng dễ tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi. Đây được coi là một khía cạnh thiết yếu trong công cuộc tái thiết, vì chỉ khi người dân có sức khỏe, họ mới có đủ sức lực để khôi phục cuộc sống và phát triển kinh tế. Để thực hiện điều này, trước hết cần bảo đảm vệ sinh môi trường - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Thực tế cho thấy cơn bão lịch sử đi qua không chỉ tàn phá nhà cửa, mùa màng, sinh kế mà còn gây ra lũ lụt, sạt lở đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, môi trường sống của người dân và môi trường sản xuất. Điển hình là việc người dân tại vùng bão lũ không những không được tiếp cận với nước sạch để phục vụ cho việc ăn uống và sinh hoạt mà còn phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Bão lũ làm hư hại nhà máy, các công trình cấp nước, làm vỡ đường ống nước, làm ô nhiễm nguồn nước ăn uống, sinh hoạt.

Theo dòng lũ nguồn gây ô nhiễm xuất phát từ phân, rác thải, nước thải; các bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn; kho chứa hóa chất; rác động, thực vật thối rữa... bị cuốn chung vào nguồn nước. Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy khiến chất thải sinh hoạt và công nghiệp tràn ra môi trường một cách không kiểm soát.

Nguồn nước ô nhiễm này là điều kiện cho các tác nhân vi sinh vật gây bệnh phát triển và gây bệnh cho người. Có thể dẫn đến nhiều bệnh tật như đau mắt, sốt xuất huyết, tiêu chảy, lỵ và các vấn đề về da như ghẻ lở, nước ăn chân và viêm kẽ chân do vi khuẩn. Vì vậy, công việc đầu tiên của người dân vùng lũ sau khi bão tan, mưa giảm, lũ rút là xử lý môi trường, khôi phục nước sinh hoạt.

Khử khuẩn nước sinh hoạt bằng dung dịch Cloramin B giúp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Khử khuẩn nước sinh hoạt bằng dung dịch Cloramin B giúp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại TP Hà Nội, tính đến chiều ngày 15/9, Thủ đô có trên 300 điểm ngập úng tại 15 quận, huyện, 101 xã, phường. Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó, ngành Y tế Hà Nội đã chỉ đạo tập trung nguồn lực cho công tác vệ sinh môi trường. Trong tổng số hộ gia đình bị ngập là hơn 39.000 hộ đã có gần 24.000 hộ được xử lý môi trường. Bên cạnh đó, thành phố có 52 điểm chân rác bị ngập, trong đó đã xử lý được 36 điểm. Về cấp phát thuốc, hóa chất khử trùng, các trung tâm y tế đã cấp 5.450kg Cloramin B, 620kg vôi bột, 30,4kg phèn chua phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường.

Còn tại Quảng Ninh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã tiến hành phun hóa chất để khử khuẩn môi trường tại các vùng ngập úng sau khi nước rút. Toàn tỉnh đã thực hiện phun khử khuẩn hóa chất Cloramin B với diện tích trên 170.000m2. Các đơn vị y tế địa phương cũng tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước các hộ dân và hướng dẫn xử lý nước. Đồng thời hỗ trợ xử lý nước bằng hóa chất theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho 1.400 hộ dân trong toàn tỉnh.

Cùng với đó, tại Yên Bái, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như huy động, cấp phát kịp thời gần 5 tấn Cloramin B, trên 130.000 viên khử khuẩn nhanh và trên 6.000 tủ thuốc gia đình cho các trạm y tế. Kế tiếp, tỉnh Yên Bái huy động 2 máy phun khử khuẩn công suất lớn cùng các trang thiết bị, phương tiện, hóa chất để hỗ trợ các địa phương phun khử khuẩn, thanh khiết môi trường. Cũng như cử cán bộ trực tiếp xuống các hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường ở các vùng ngập lụt.

Có thể thấy, tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, công tác xử lý môi trường sau bão lũ đã và đang được thực hiện khẩn trương, hiệu quả. Với phương châm “Nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó”, ngành Y tế nói riêng và cơ quan chức năng nói chung đang nỗ lực, tập trung nguồn lực cho công tác vệ sinh môi trường nhằm bảo đảm an toàn cho đời sống của người dân trong khu vực bão lũ.

Hạn chế tối đa nguy cơ dịch chồng dịch

Sở Y tế Hà Nội thực hiện phun khử khuẩn tại hộ dân nguy cơ cao. (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội)

Sở Y tế Hà Nội thực hiện phun khử khuẩn tại hộ dân nguy cơ cao. (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội)

Song song với công tác xử lý môi trường, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng cần được chú trọng. Nhất là trong thời điểm hoạt động khắc phục vệ sinh môi trường vẫn đang diễn ra, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh hay dịch chồng dịch là hoàn toàn có thể xảy ra. Đơn cử như bệnh Whitmore, chỉ trong gần một tháng qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 20 người bệnh mắc căn bệnh này. Whitmore là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm gây ra. Hầu hết, những bệnh nhân này đều sinh sống trong vùng bị ngập lụt hoặc có liên quan đến nghề nông, lại bị bệnh đái tháo đường nên diễn tiến của bệnh nặng hơn.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, sau ngập lụt, người dân có nguy cơ mắc phải nhiều loại bệnh. Đầu tiên là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bao gồm thương hàn, lị, tiêu chảy và ngộ độc thực phẩm. Tiếp theo, các bệnh hô hấp như viêm phổi có thể xuất hiện, đặc biệt nếu dịch cúm bùng phát. Thứ ba, việc sử dụng nước không sạch có thể dẫn đến các bệnh về mắt, như đau mắt do vi khuẩn do tay chân bẩn tiếp xúc với mắt. Cuối cùng, tình trạng vệ sinh kém có thể gây ra các bệnh da liễu, như viêm da do vi khuẩn hoặc nấm, bao gồm hắc lào và nước ăn chân. Bên cạnh đó, một số bệnh khác như uốn ván cũng có thể xảy ra trong giai đoạn này.

Trước nguy cơ dịch bệnh sau lũ lụt, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi các tỉnh, thành bị ảnh hưởng của bão lũ, trong đó đề nghị các địa phương tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để những ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Ngành Y tế các tỉnh, thành cũng cần khẩn trương cung ứng đủ thuốc phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh sau bão lũ.

Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế cùng các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, bên cạnh các giải pháp xử lý môi trường như đã nói ở trên, ngành Y tế các địa phương đã tổ chức công tác giám sát, kịp thời phát hiện và đưa ra biện pháp xử lý các ổ dịch bệnh truyền nhiễm có thể phát sinh sau mưa lũ và ngập lụt. Tại các cơ sở y tế đảm bảo tốt hoạt động khám, chữa bệnh trên địa bàn. Tổ chức thường trực khám chữa bệnh 24/24 giờ, không để gián đoạn công tác khám, chữa bệnh.

Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xuất hiện các ổ dịch. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho bệnh nhân và người dân tại cộng đồng về công tác nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh thường xuất hiện sau mùa mưa bão, ngập lụt, phòng, chống tai nạn thương tích với nhiều hình thức (truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình bị ngập, phát tờ rơi, phát thanh hàng ngày…). Thay vì chạy theo dập dịch, một chiến lược phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng tốt hơn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc tái thiết trong tương lai.

Bộ Y tế vừa ra khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng, chống các dịch bệnh thường gặp trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong và sau mưa lũ và ngập lụt sẽ có nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước ngập nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, tạo điều kiện để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh phát triển. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ như: Tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…

Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động, tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mưa lũ và ngập lụt, theo nguyên tắc phòng dịch bệnh từ sớm, từ xa; chủ động tìm hiểu thông tin, thực hiện khuyến cáo về các biện pháp giữ an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm... của các cơ quan y tế và chính quyền.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phong-chong-dich-benh-hau-bao-lu-khong-the-lo-la-post526901.html