Hiện tượng nhiều F0 gặp phải hậu Covid-19

Covid-19 tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau, một trong đó là ảnh hưởng thần kinh.

Đa số người mắc Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ đến trung bình, tuy nhiên, một số bệnh nhân bị ảnh hưởng trong nhiều tháng.

Một trong những tác động của Covid-19 là ảnh hưởng tới thần kinh khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi liệu căn bệnh này có thể tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ hay không?

Theo Medical News Today, các chuyên gia cho rằng giả thuyết có thể giải thích nguyên nhân F0 bị ảnh hưởng thần kinh hậu Covid-19 là virus có thể lây nhiễm sang hệ thần kinh ngoại vi và trung ương, gây ra các đợt viêm.

SARS-CoV-2 thường xâm nhập vào cơ thể thông qua các giọt bắn vào mũi hoặc miệng và di chuyển đến cổ họng. Sau đó, nó có thể di chuyển đến phổi và các cơ quan khác cũng như xâm nhập vào hệ thần kinh.

Hàng rào máu não ngăn chặn hầu hết virus xâm nhập vào não, nhưng trong trường hợp nhiễm trùng nặng, thiếu oxy và cytokine, nCoV có thể gây hại hàng rào máu não, lây nhiễm các tế bào thần kinh ngoại biên, xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương.

Giáo sư Harris Gelbard, Giám đốc Trung tâm Khám phá Neurotherapeutics thuộc Trung tâm Y tế Đại học Rochester, cho biết một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra bệnh nhân mắc Covid-19 bị rối loạn chức năng hàng rào dịch tủy máu não, với bệnh lý xảy ra trong các tế bào nội mô nằm dọc theo các mạch máu trong hàng rào máu não.

Nghiên cứu này không chứng minh về sự hiện diện của SARS-CoV-2 trong bất kỳ mẫu dịch não tủy nào, nhưng tất cả bệnh nhân trong nghiên cứu này đều mắc Covid-19 đã được xét nghiệm bằng rRT-PCR.

Công trình khác cũng chỉ ra virus đường hô hấp và tổn thương do các đợt viêm đồng thời dẫn đến các bệnh lý thần kinh khác nhau, gồm hội chứng Guillain-Barres, bệnh não, viêm não, đột quỵ thiếu máu cục bộ, xuất huyết nội sọ và co giật.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào hệ thần kinh như cách nó xâm nhập vào các tế bào khác, thông qua các thụ thể enzyme chuyển đổi agiotensin 2 (ACE2). Các thụ thể ACE2 được biểu hiện trong các mạch máu nhỏ trong não, có thể cung cấp một con đường xâm nhập tiềm năng cho SARS-CoV-2 vào não.

Nhiều người nhập viện vì Covid-19 có biến chứng viêm, biến chứng này có thể ảnh hưởng hệ thần kinh. Một nghiên cứu báo cáo về những bệnh nhân bị mê sảng, giảm ý thức, đột quỵ và các bệnh về não khác sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

Giáo sư Gelbard nói: "Mắc Covid-19 ảnh hưởng bệnh nhân cao tuổi bị bệnh mạch máu thần kinh tiềm ẩn, cho dù đó là từ bệnh mạch máu não, Alzheimer cận lâm sàng, Parkinson hoặc bệnh thoái hóa thần kinh khác. Cơ chế của nó là tạo ra môi trường hệ thần kinh trung ương gây viêm làm suy giảm nhận thức, biểu hiện là mê sảng cấp tính hoặc mê sảng chồng lên chứng mất trí nhớ".

Nghiên cứu cũng đã chỉ ra những người mắc chứng mất trí nhớ có nhiều nguy cơ mắc Covid-19 hơn. Tuy nhiên, liệu căn bệnh này có thể làm trầm trọng thêm chứng mất trí hiện tại hoặc gây ra sự phát triển của chứng mất trí nhớ hay không là điều chưa thể khẳng định.

Những người mắc Covid-19 nặng có nhiều khả năng có các triệu chứng của bệnh thần kinh, cả trong giai đoạn cấp tính và sau đó. Covid-19 nghiêm trọng sẽ xảy ra ở những người lớn tuổi hoặc có bệnh nền, chẳng hạn thừa cân hoặc béo phì, tiểu đường, bệnh phổi mãn tính và ung thư.

Các nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất hạn chế Covid-19 ảnh hưởng đến thần kinh là nâng cao sức khỏe não bộ và cơ thể bằng các hoạt động rèn luyện thể chất, tập luyện thể dục thể thao kết hợp kích thích nhận thức.

Ngoài ra, người bệnh cần ngủ đủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm, duy trì chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ vitamin và các khoáng chất thiết yếu.

Anh Xuân Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hien-tuong-nhieu-f0-gap-phai-hau-covid-19-post1302763.html