Hiện tượng Ròm: Một cách cắt nghĩa
Kể một câu chuyện về những đứa trẻ cò đề nơi một khu ổ chuột dột nát của Sài Gòn, 'Ròm' của Trần Thanh Huy có lẽ cũng có thể gọi là một bộ phim về những kẻ bị lãng quên, và không chỉ bị lãng quên ngoài đời thực, mà còn bị lãng quên trên màn ảnh.
"Những thành phố hiện đại: New York, Paris, London giấu bên dưới những tòa building hoa lệ là những căn nhà khốn cùng, nơi trú ngụ của những đứa trẻ suy dinh dưỡng, bẩn thỉu, thất học, nơi hứa hẹn những vụ phạm pháp tương lai", đó là đoạn dẫn truyện mào đầu trong một bộ phim tội phạm vị thành niên kinh điển của đạo diễn siêu thực vĩ đại người Tây Ban Nha, Luis Bunuel, sản xuất từ năm 1950. Bộ phim mang tên “Những kẻ bị lãng quên” (Los Olvidados).
Những kẻ bị lãng quên
Kể một câu chuyện về những đứa trẻ cò đề nơi một khu ổ chuột dột nát của Sài Gòn, “Ròm” của Trần Thanh Huy có lẽ cũng có thể gọi là một bộ phim về những kẻ bị lãng quên, và không chỉ bị lãng quên ngoài đời thực, mà còn bị lãng quên trên màn ảnh.
Có vẻ như rất nhiều nhà làm phim Việt Nam ngày nay đã không còn mặn mà gì với những bộ phim ôn nghèo kể khổ. Ngay cả khi kể về những đứa trẻ nông thôn thì chúng cũng không có vẻ gì chân lấm tay bùn, như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, hoặc nếu lấy bối cảnh làng quê thì cũng đẹp như tranh vẽ, như “Mắt biếc”.
Nhìn lại những bộ phim doanh thu cao hoặc tạo hiệu ứng truyền thông tốt những năm gần đây: “Em là bà nội của anh”, “Em chưa 18”, “Gái già lắm chiêu”,… - nếu không giàu có thì cũng long lanh, nếu không bóng bẩy thì cũng mượt mà, thẳng thớm. Nhưng Ròm không nhìn thẳng, rất nhiều lần trong bộ phim của mình, nhà làm phim đã nghiêng ống kính, chòng chành, bấp bênh, vắt vẻo như chính những kẻ vất vưởng nơi hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn.
“Ròm” là tàn khốc hiếm hoi nếu so trong đời sống điện ảnh Việt Nam đương đại. Đó là một bộ phim không khoan nhượng về cuộc mưu sinh, hay đúng hơn, cuộc sinh tồn. Các nhân vật như những con thú: chạy hết tốc lực, cắn xé nhau theo nghĩa đen, u mê trong những trò mê tín phi-văn-minh và xử mọi chuyện bằng luật rừng.
Với cá nhân tôi, có lẽ cũng đã lâu lắm rồi mới có cái cảm giác xem một bộ phim Việt Nam mà rùng mình vì một hình ảnh ghê gớm bị đẩy đến tận cùng: khi Ròm (Trần Anh Khoa thủ vai) và Phúc (Nguyễn Phan Anh Tú thủ vai) sa lầy trong vũng bùn sình và tiếp diễn cuộc chiến thứ bao nhiêu không biết giữa hai đứa trẻ bụi đời làm nghề ghi đề, và đột ngột, một khoảnh khắc, Ròm cắn ngập vào người Phúc, khi cậu bé rời ra, khuôn miệng đỏ lòm, một dòng máu tươi còn nhễu dài.
Cảnh quay ấy có thể được gợi cảm hứng từ một cảnh quay trong “Xích lô” của Trần Anh Hùng - người thầy của đạo diễn Trần Thanh Huy - khi nhân vật đạp xích lô lên cơn phê ma túy và bôi khắp người mình thứ sơn xanh lè, rồi anh ta nằm vật ra và bỏ vào mồm một con cá còn đang quẫy đạp. Trần Anh Hùng gọi trường đoạn này là trường đoạn người "hóa quỷ". Một cách tương tự, có thể gọi trường đoạn trong phim của Trần Thanh Huy là trường đoạn người "hóa thú".
Suốt chiều dài bộ phim 80 phút, hai nhân vật Ròm và Phúc gần như chỉ chạy - một hành động vốn đáng nhẽ, thể hiện sự tự do của đôi chân, của con người. Nhưng họ chạy mải miết mà không chạy thoát được số phận của mình, họ rượt bắt nhau và rượt bắt thời gian, đôi khi rượt kịp, đôi khi không, nhưng mãi mãi không rượt nổi cuộc đời. Cách rượt nhau của họ tất nhiên là khác với cách…
Hai Phượng trong bộ phim cùng tên của Ngô Thanh Vân rượt đuổi bọn bắt cóc đứa con gái, vì trên cả sự kịch tính, ở “Ròm” còn là một cái gì đó chớm sâu xa hơn, bắt đầu chạm đến những bi kịch của việc sống. Cũng chính vì sự chớm chạm đến những nấc thang khác của điện ảnh, khó ai nghĩ “Ròm” có thể đạt được kỳ tích ở phòng vé.
Khoái cảm của những bộ phim cận nghệ thuật
Nghe ngược đời nhưng là sự thực, việc bộ phim đoạt giải thưởng cao nhất ở Liên hoan phim Busan, một liên hoan phim uy tín ở châu Á - tức được bảo chứng về mặt chất lượng, chỉ càng củng cố thêm định kiến rằng, Ròm sẽ lọt thỏm giữa những bộ phim giải trí hay những bộ phim bom tấn hoành tráng. Đạt giải thưởng ở đâu cũng thế thôi, ở Việt Nam lại càng như thế, nó không hề mang tính quyết định về chiến thắng phòng vé của một bộ phim, thậm chí, giải thưởng như một vương miện đẹp đẽ mà xa cách, khiến công chúng bình thường e dè không muốn lại gần.
“Song Lang” của Leon Lê gặt hái kha khá giải mà cuối cùng cũng chỉ là một ca mua nước mắt "xin giải cứu". Vợ Ba của Nguyễn Phương Anh thì còn tức tưởi hơn, cũng giành nhiều giải lớn nhỏ, nhưng chỉ kịp chiếu vài suất đã lãnh án "tử". Những tác phẩm như “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di hay “Đập cánh giữa không trung” của Nguyễn Hoàng Điệp - khi chiếu ở những rạp nho nhỏ cho khán giả mê xi-nê thì chật cứng không còn một chỗ, nhưng khi ra rạp lớn cũng chỉ bán được cầm chừng.
Những bộ phim này không phải phim nào cũng khó xem, nhưng chúng đều ít nhiều đòi hỏi ở khán giả sự nhẫn nại so với tiêu chuẩn giải trí thông thường. Và cái chết nơi phòng vé của những tác phẩm mang mác có giải thưởng khiến nhiều người cho rằng: thị trường điện ảnh Việt vẫn chưa sẵn sàng cho những bộ phim có tính tác giả, hoặc có tính hàn lâm hơn. Nhưng điều đó có thật đúng?
15 tỉ sau ngày đầu công chiếu, 30 tỉ sau 3 ngày công chiếu, 46 tỉ sau 1 tuần công chiếu. Doanh thu của “Ròm” nhảy liên tục không khác gì những con số đánh đề trong chính nội dung phim. Khi bom tấn “Tenet” của Christopher Nolan được công chiếu ở Việt Nam cũng không tạo ra cơn sốt như vậy.
Giờ đây, nhìn lại, tôi chợt nghĩ rằng thành công của “Ròm” không hẳn là một may mắn nhất thời hay một sự đổi vị chóng qua của khán giả. Vào năm ngoái, “Kí sinh trùng” của Bong Joon-ho, khi ấy là phim đoạt giải Cành Cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes - một chứng nhận ngầm xác định đây không phải phim cho tất cả - cuối cùng lại là một bộ phim cho tất cả. Rồi có thể kể đến “La La Land” của Damien Chazelle hay “Joker” của Todd Phillips, và chính “Inception” của Christopher Nolan.
Điểm chung của những bộ phim này: chúng chưa đến mức "gourmet", nhưng chắc chắn ngon hơn nhiều so với thứ điện ảnh McDonald ta thường phải xơi. Nếu bạn là mọt phim đích thực, nó có thể bày ra cho bạn một gia vị đáng để tâm đắc, nếu không, bạn vẫn có thể ăn, vẫn thấy ngon, dù không biết có gia vị gì bên trong.
Bạn không cần phải biết đến Singin' in the rain, Rebel without a cause, Casablanca để mà bồi hồi trước mối tình đẹp và buồn của Mia và Sebastian trong “La La Land”; bạn cũng không cần am hiểu Kim Ki-Young, Alfred Hitchcock hay Claude Chabrol mà vẫn có thể bị xoay mòng mòng trong chiếc tàu lượn cảm xúc của Bong Joon-ho. Và ở khía cạnh nào đó, khán giả không cần xem đến Trần Anh Hùng để có thể xúc động trước “Ròm”.
Nhưng quan trọng hơn nữa, những bộ phim này kích hoạt được ở khán giả óc phân tích nghệ thuật! Thốt nhiên, tất cả đều trở thành… nhà phê bình điện ảnh. Như hồi “Kí sinh trùng”, có những khán giả còn tận tâm đến nỗi nghiên cứu về từng cảnh phim, từng bố cục khuôn hình, thậm chí kiến trúc của bối cảnh phim rồi gán ghép vào đó ý đồ nghệ thuật của đạo diễn.
Chẳng biết những điều đó đúng đắn đến đâu, nhưng nó thỏa mãn cho nhiều khán giả cảm giác thấy mình đã vén được bức mành nghệ thuật - thứ khoái cảm mà những bộ phim giải trí đơn thuần trẻ con cũng hiểu không cho phép họ đạt được, còn những bộ phim thực sự thách thức và khó nhằn thì ít ai dám phán bừa.
Trên thế giới, có vô số những bộ phim như thế. Một bộ phim hành động thuần túy như “Ma trận” bỗng chốc trở thành một phát kiến về vật lí siêu hình. Một bộ phim bom tấn dành cho số đông như “Inception” lại được coi là đỉnh cao về "nghệ thuật xoắn não" và chỉ ai có… đầu óc mới hiểu nổi. Một bộ phim khác của Nolan là “Người dơi”, tóm lại cũng chỉ là một bộ phim siêu anh hùng, nhưng bằng cách thần kỳ nào đó, người ta tâng bốc nó thành một kiệt tác, và "coi nó nghiêm túc còn hơn cả một ván cờ giữa Marcel Proust và Immanuel Kant".
Ngoài lề một chút, nó khá giống với âm nhạc. Khi Taylor Swift ra mắt album “Folklore”, khán giả hùng hậu của cô bỗng chốc thể hiện như họ là chuyên gia về nhạc folk, phân tích từ Joni Mitchell tới Bob Dylan. Còn khi ngôi sao nhạc pop Lady Gaga song ca với danh ca Tony Bennett, người hâm mộ của Gaga cũng đột nhiên tỏ ra mình rất am hiểu truyền thống nhạc jazz.
Thì cũng không sao. Năm xưa Jean Paul Getty còn bé là một đứa trẻ ốm yếu, hay thường được bố mẹ dẫn đi xem bảo tàng, sau này giàu có ông liền mở ra bảo tàng nghệ thuật Getty danh tiếng thế giới. Một bảo tàng, một bộ phim, một tác phẩm nghệ thuật cho bao nhiêu người xem, cuối cùng nếu có thể khiến một người trong vạn người đó vì tác phẩm này mà để tâm một chút tới nghệ thuật, thì chẳng phải đã là đủ?
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/hien-tuong-rom-mot-cach-cat-nghia-615270/