Hiện tượng 'trăng máu' diễn ra ngoạn mục
Lúc 9 giờ 28 phút sáng qua, hiện tượng nguyệt thực toàn phần kèm theo hình ảnh 'trăng máu' xuất hiện một cách ngoạn mục và có thể quan sát được ở nhiều khu vực trên thế giới.
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên một đường thẳng, với Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối nhất của Trái Đất. Khi đó, ánh trăng sẽ bị mờ đi và chuyển sang màu đỏ hoặc cam sẫm - được gọi là “trăng máu”. Hiện tượng nguyệt thực luôn diễn ra vào thời điểm trăng tròn. Có ba loại nguyệt thực: nửa tối, một phần và toàn phần.
Một số hình ảnh về hiện tượng 'trăng máu' hôm 16/5
Hiện tượng "trăng máu" nhìn từ Skopje, Bắc Macedonia ngày 16/5. Ảnh: CNN
Khung cảnh "trăng máu" nhìn từ Tinum, Mexico ngày 16/5. Ảnh: CNN
Mặt trăng phát sáng màu đỏ ở Columbus, Ohio. Ảnh: CNN
Mặt trăng được tắm trong ánh sáng màu ngọc bích ở Columbus, Ohio. Ảnh: CNN
Người dân ở Buenos Aires ngắm mặt trăng qua kính thiên văn vào thứ Hai trong thời gian nguyệt thực toàn phần. Ảnh: CNN
Vào ngày 16/5, những người yêu thiên văn trên khắp thế giới đã được quan sát những hiện tượng kỳ thú trên bầu trời như nguyệt thực toàn phần hay “trăng máu”. Những hiện tượng trên hiếm khi xuất hiện - chỉ khoảng hai lần mỗi năm - và dự đoán lần nguyệt thực tiếp theo trong năm là vào tháng 11. Sau đó, sẽ không có nguyệt thực toàn phần nữa cho đến tháng 3 năm 2025.
Theo thống kê, hiện tượng nguyệt thực toàn phần vừa qua có thể được quan sát ở nhiều nơi ở châu Mỹ, Nam Cực, châu Phi, châu Âu và phía đông Thái Bình Dương. Trong khi đó, nguyệt thực nửa tối sẽ được trông thấy tại New Zealand, Đông Âu và Trung Đông.
Ở Việt Nam, nguyệt thực bắt đầu lúc 9 giờ 28 phút ngày 16/5 (giờ Hà Nội) và đạt cực đại vào 11 giờ 11 phút cùng ngày. Sau đó, hiện tượng này - đã bao gồm cả các giai đoạn nửa tối và một phần - kết thúc lúc 12 giờ 55 phút và đi kèm hiệu ứng “trăng máu”. Tuy nhiên, do diễn ra vào buổi sáng ở Việt Nam nên rất khó có thể quan sát hiện tượng này bằng mắt thường.
Nguyên nhân của hiệu ứng “Trăng máu” là ánh sáng từ Mặt Trời khúc xạ quanh Trái Đất như một lăng kính, các sóng ánh sáng bị kéo dài ra nên chúng xuất hiện ở vùng đỏ hơn của quang phổ khi chạm đến Mặt Trăng. Ngoài ra, Mặt Trăng có thể mang sắc cam hoặc vàng nhiều hơn do ảnh hưởng bởi khí quyển Trái Đất, tùy thuộc vào lượng bụi, độ che phủ của mây hoặc tro núi lửa trong không khí.
Nguyệt thực hoặc trăng máu không chỉ là đề tài được quan tâm bởi những người yêu khoa học thiên văn, mà còn là đề tài văn hóa được nhiều nền văn minh chú ý suốt chiều dài lịch sử. Nhiều câu chuyện và truyền thuyết đã được dựng nên để cố gắng lý giải cho hiện tượng này, đa phần liên hệ nó với một điềm xấu.
Ngọc Anh (theo CNN)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hien-tuong-trang-mau-dien-ra-ngoan-muc-post195160.html