Hiệp định EVFTA và IPA: Tăng cường tương tác giữa khu vực công và tư
Hiệp định EVFTA và IPA được thực thi sẽ thúc đẩy sự tương tác giữa khu vực công và tư, giữa chính phủ các nước với cộng đồng doanh nghiệp.
Hiệp định EVFTA và IPA vừa được Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết tuần trước là các hiệp định FTA thế hệ mới đòi hỏi yêu cầu rất cao từ 2 phía Việt Nam và EU. Mục tiêu cao nhất của Hiệp định này chính là thay vì ngăn chặn hàng rào nội địa bằng việc hướng tới những cơ hội mới giữa Việt Nam và EU thông qua trao đổi thương mại.
Tăng cường tương tác công - tư
Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam xác định 2 hiệp định này trong khuôn khổ thế hệ mới sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Quốc hội và Ủy ban châu Âu sẽ đồng ý và hy vọng hiệp định được thực thi vào cuối năm nay, khi đó các hiệp định sẽ là sự tương tác giữa khu vực công và tư, giữa chính phủ các nước với cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ: Khi nhìn vào cơ cấu thương mại giữa Việt Nam với EU sẽ thấy, thay vì tính cạnh tranh, EVFTA sẽ mang tính bổ sung rất lớn. Thị trường EU với 28 quốc gia rất phù hợp với các sản phẩm mang tính đặc thù của những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Dung lượng cũng như quy mô thị trường của EU là điều kiện cho các DN Việt Nam khai thác cơ hội.
"Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không chỉ mang lại giá trị gia tăng lớn mà còn có điều kiện tạo nên chuỗi giá trị toàn cầu. EVFTA có hiệu lực sẽ giúp Việt Nam có điều kiện cải thiện năng suất lao động, trình độ công nghệ. Chình vì thế, việc xây dựng thương hiệu là việc làm tiên quyết mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán và khai thác trên cơ sở Việt Nam hiện nay đang có tới 39 sản phẩm hàng hóa có chỉ dẫn địa lý", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hiệp định EVFTA càng đưa vào thực thi sớm thì hiệu quả càng cao, cho nên thách thức sẽ không nằm trong ý nghĩ chủ quan mà sẽ phát sinh trong quá trình thực thi.
Chính vì thế, Nhà nước cần tiếp tục cải cách luật để tiến tới đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, nếu có sự tương tác chặt chẽ và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với người dân cũng như khu vực công thì những khó khăn sẽ biến thành hiệu quả và cơ hội.
"Chưa bao giờ Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự thực thi Hiệp định EVFTA như lúc này. Những quy tắc của EVFTA không còn là thông tin chung chung của hiệp định mà đã đi vào cụ thể đối với từng nhóm ngành hàng. Vấn đề còn lại hiện nay chính là chương trình hành động cụ thể và cách thức thực hiện do Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như các địa phương đề ra để khi thực thi EVFTA có hiệu quả cao nhất", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý.
Theo bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu, khi tham gia EVFTA, Việt Nam và EU cùng đang đứng trước cơ hội FTA để gắn kết sâu hơn nữa. Sẽ không còn khó khăn để tìm kiếm sự kết nối giữa các DN hai bên khi tiến vào thị trường mới, điều này mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và EU và sẽ là động lực để giúp hiệp định tiến xa hơn nữa.
Hơn nữa, bà Cecilia Malmstrom cũng cho rằng, việc mở rộng cơ hội đầu tư, tăng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU cũng gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, khi các bên thể hiện rõ ràng quan điểm cũng như lập trường về quan hệ thương mại. Trong bối cảnh hiện nay, khi chuỗi cung ứng ngày càng có sự hội nhập và tích hợp, rất cần thiết lập cơ chế để các bên tham gia cùng có cơ hội cũng như lợi ích của hiệp định này, mang lại quan hệ công bằng cho các bên.
"EU rất muốn trở thành nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Hiệp định EVFTA thế hệ mới này sẽ bảo vệ quyền của chính phủ, công dân khi tiến hành các hoạt động đầu tư. Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể dự đoán được và luôn có hệ thống tòa án giải quyết những tranh chấp trong quá trình thực thi", bà Cecilia Malmstrom nêu rõ.
Bà Cecilia Malmstrom cũng nhìn nhận, EVFTA chính là thông điệp quan trọng gửi ra thế giới, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang tăng lên với quan điểm cho rằng việc phụ thuộc lẫn nhau là thách thức, nhưng có những nguyên nhân khác mà chủ nghĩa bảo hộ không xem xét tới. Chính vì thế, EU đang tìm kiếm thêm những người bạn ở châu Âu cũng như những đối tác lớn từ ASEAN để đặt nền móng cho việc hội nhập giữa hai khu vực, điều này sẽ đảm bảo xử lý được những vấn đề hiện tại, đặc biệt là chính sách bảo hộ trái phép của các quốc gia.
"Các doanh nghiệp và người dân sẽ trực tiếp vận hành Hiệp định nên những chủ thể này có vai trò vô cùng quan trọng. Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu đã sẵn sàng cho việc đảm bảo các lộ trình thực hiện sau khi hiệp định đi vào thực thi. Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu bảo vệ người tiêu dùng EU khi nhập khẩu hàng hóa, chính vì thế Việt Nam cần có những nỗ lực để tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ được quy định bởi Hiệp EVFTA này mà cả những hiệp định khác", bà Cecilia Malmstrom nói.
Mở ra hàng loạt cơ hội mới
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ngoài những quy tắc về tự do thương mại công bằng, EVFTA còn có mẫu số chung về bền vững với thế hệ FTA có giá trị lớn hơn. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ là chủ thể trong quan hệ hợp tác và trực tiếp tham gia vào thị trường chung, từ việc thiết kế mẫu mã đến các quy trình sản xuất, không chỉ thực hiện gia công sản phẩm theo đơn hàng như trước đây, đó chính là ý tưởng lý tưởng nhất của Hiệp định này.
Điều quan trọng của EVFTA không chỉ là tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, mà còn có sự tac động của các dịch vụ phục vụ cho sản xuất như logistics phát triển; mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục triệu lao động trong khu vực nông sản, thủy sản… khi tiếp cận thị trường 500 triệu dân với đòi hỏi sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, ông Lộc nhận định.
Tương tự như các Hiệp định FTA khác, Chủ tịch VCCI khẳng định, chắc chắn EVFTA sẽ tạo ra thách thức cạnh tranh nhưng không quá nghiêm trọng vì các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có nhiều kinh nghiệm khi mở cửa, tham gia vào nhiều các FTA khác như với Nhật Bản, Hàn Quốc. Đối với một số sản phẩm của Việt Nam còn có năng lực cạnh tranh thấp, Hiệp định cũng đã mở rộng lộ trình từ 3 - 7 năm trong đó có tính tới sự vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam. Khi đó, sẽ có thêm rất nhiều sản phẩm của Việt Nam và EU không cạnh tranh trực tiếp mà sẽ có cơ cấu bổ sung nhau.
Để tận dụng những cơ hội mà EVFTA cũng như IPA mang lại, ông Vũ Tiến Lộc gợi ý, điều đặc biệt quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng đúng các quy tắc xuất xứ. Hiện nay, nhiều mặt hàng của Việt Nam còn phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, cho nên để vượt qua được quy tắc xuất xứ sẽ là một nỗ lực lớn của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật của EU là hàng rào cao nhất thế giới cũng là những cái khó đối với doanh nghiệp Việt Nam./.