Hiệp định Giơnevơ 1954: Dấu son của ngoại giao Việt Nam

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Đã 70 năm trôi qua, nhưng Hội nghị Giơnevơ vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong lĩnh vực ngoại giao nói riêng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.Thắng lợi to lớn

Ngày 26/4/1954, Hội nghị Giơnevơ (Thụy Sĩ) khai mạc và bàn về một giải pháp chính trị ở Triều Tiên. Đây cũng là thời điểm quân và dân ta chuẩn bị kết thúc thắng lợi đợt 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ; quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lâm vào tình thế nguy khốn. Tuy nhiên, cho đến lúc này, các nước phương Tây vẫn chưa chấp nhận sự tham gia hội nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 1/5/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tấn công cuối cùng vào Điện Biên Phủ. Trước thất bại không thể cứu vãn, ngày 2/5/1954, Anh, Pháp, Mỹ thông báo qua Liên Xô chấp nhận sự có mặt chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Giơnevơ.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Giơnevơ. Ảnh: TƯ LIỆU

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Giơnevơ. Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Một ngày sau, 8/5/1954, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương. Thành phần tham dự hội nghị gồm 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia.

Tại hội nghị, Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đã tuyên bố lập trường của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc lập lại hòa bình phải là giải pháp toàn bộ về chính trị, quân sự của Việt Nam, Lào và Campuchia trên sự tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước.

Trải qua 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn, cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, ngày 21/7/1954, Hội nghị Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia kết thúc. Ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở 3 nước và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị tạo thành khung pháp lý của Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương.

Hiệp định Giơnevơ đánh dấu sự kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập, tự do của dân tộc. Việc ký kết dựa trên căn cứ và phần nào phản ánh đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, song “ký Hiệp định Giơnevơ là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ”.

Hiệp định Giơnevơ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Bài học từ lịch sử

Hiệp định Giơnevơ đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng, nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn hội nghị.

Đã 70 năm trôi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, nhưng Hội nghị Giơnevơ vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Một là, trong tình hình quốc tế hết sức phức tạp, chịu sự chi phối của các nước lớn, cần nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; biết giành thắng lợi từng bước trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hai là, tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Ba là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý cũng như nhân dân thế giới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường đối thoại, sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, bảo đảm phù hợp với luật pháp quốc tế; ra sức giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

X.THIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202407/hiep-dinh-gionevo-1954-dau-son-cua-ngoai-giao-viet-nam-5f51277/