Hiệp định Paris - Thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam

Trong lịch sử đấu tranh của nhân dân ta, chưa bao giờ có cuộc đàm phán kéo dài suốt 5 năm như cuộc đàm phán tại Paris. Hiệp định Paris năm 1973 là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Ngọn cờ chính nghĩa và sự đồng thuận trên dưới một lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tạo nên sức mạnh chính trị to lớn. Những chiến thắng trên chiến trường thúc đẩy diễn tiến của cuộc đấu tranh ngoại giao. Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 buộc đối phương phải đề nghị đàm phán. Tiếp đó, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đưa cuộc đàm phán đi vào thực chất. Đặc biệt, với chiến thắng 'Điện Biên Phủ trên không' buộc Mỹ quay trở lại bàn đàm phán và đi tới việc ký kết Hiệp định.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy, Cố vấn Lê Đức Thọ gặp gỡ phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris năm 1973. Ảnh: Tư liệu

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy, Cố vấn Lê Đức Thọ gặp gỡ phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris năm 1973. Ảnh: Tư liệu

Chiến trường và thắng lợi tại chiến trường có ý nghĩa quyết định vì không thể giành được ở bàn đàm phán những gì không giành được ở chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ở bàn đàm phán có tác dụng rất quan trọng và có tác động trở lại tạo điều kiện cho đấu tranh quân sự, chính trị giành thắng lợi lớn hơn. Quá trình đàm phán ở Paris là quá trình phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Đoàn đàm phán với lãnh đạo trong nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Trung ương Cục miền Nam và nhiều cơ quan khác. Khi cần thiết, đồng chí lãnh đạo Đoàn đàm phán về báo cáo, trình bày ý kiến và tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ trong nước. Nhờ đó, trong ngoài thông suốt, làm cho đàm phán tiến triển nhanh chóng và đạt kết quả theo đúng ý định của ta.

Với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, tạo ra so sánh lực lượng mới. Hoa Kỳ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quân đội Mỹ và các đồng minh của Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, phải chấm dứt mọi hành động quân sự chống phá hai miền Nam-Bắc Việt Nam. Hiệp định là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu và can thiệp trở lại. Mỹ rút quân nhưng Việt Nam vẫn giữ nguyên lực lượng chính trị và vũ trang ở miền Nam Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành giải phóng miền Nam năm 1975.

Trong bối cảnh quan hệ quốc tế thuận lợi đan xen với khó khăn, Hiệp định Paris phản ánh thắng lợi của Việt Nam trong tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cả Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước không liên kết và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Cuộc đàm phán diễn ra ở Paris tạo cho ta một vị trí tiền tiêu để ta tác động mạnh và kịp thời tới dư luận Mỹ và dư luận phương Tây, giải thích lập trường chính nghĩa của ta, phê phán và bóc trần những luận điểm sai trái, phi nghĩa của đối phương. Từ đó, hình thành nên mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Việc ký kết Hiệp định Paris đánh dấu sự trưởng thành của nền ngoại giao Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra trong mối tương quan không cân sức với một đối thủ có lực lượng quân sự hùng hậu, tiềm lực kinh tế vững mạnh với kinh nghiệm phong phú của nhiều nhà ngoại giao lão luyện. Nhưng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu cơ bản của đàm phán, vạch ra sách lược đấu tranh cụ thể trên phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn, bớt thù”, dự báo thời cơ và nắm bắt đúng thời cơ để đi đến thắng lợi quyết định.

Phát huy truyền thống của ông cha, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoại giao trở thành một mặt trận phối hợp với các mặt trận quân sự, chính trị tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Từ Hội nghị Genève về Đông Dương tới Hội nghị Paris về Việt Nam, ta có bước tiến lớn trên con đường xây dựng nền ngoại giao độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế. Đó là một thành tựu nổi bật của ngoại giao trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. Ảnh: TTXVN

Nhân dân Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7/5/1975. Ảnh: TTXVN

Ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Paris đối với cách mạng Việt Nam còn gắn liền phong trào cách mạng khu vực và trên thế giới. Thất bại ở Việt Nam khiến Mỹ phải lùi một bước về chiến lược, tránh “một Việt Nam thứ hai”. Với Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam góp phần to lớn và sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào và Campuchia. Giải pháp về Lào gần như đồng thời với Hiệp định Paris về Việt Nam (tháng 2/1973). Đến ngày 2/12/1975, chấm dứt sự can thiệp của Mỹ, xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Đồng thời, mở đường cho thắng lợi của Campuchia, chấm dứt sự can thiệp của Mỹ, Phnôm Pênh được giải phóng ngày 17/4/1975. Ba nước Đông Dương đều thoát khỏi sự can thiệp và xâm lược của đế quốc và tự do lựa chọn con đường tiến lên của dân tộc mình. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam góp phần mở ra cục diện mới ở Đông Nam Á: Quân đội Mỹ rút khỏi khu vực, khối SEATO giải tán; xu thế hòa bình, trung lập trong khu vực phát triển.

Đánh giá cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (13/10/1973) viết: “Cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao ở Pari kéo dài 5 năm, phối hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh quân sự và chính trị trong nước, gây được ảnh hưởng chính trị rộng lớn trên thế giới, đã kết thúc thắng lợi… Hiệp định đó ghi lại những thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta”.

Phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất của dân tộc, kết hợp sức mạnh của thời đại, thực hiện tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” trong đàm phán và đi tới ký kết Hiệp định Paris là vấn đề có ý nghĩa thời sự trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay. Đây cũng là quy luật khách quan của thời đại khi xu thế quốc tế hóa đời sống của các quốc gia, dân tộc trên hành tinh đang phát triển.

Nguyễn Hà Hải

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hiep-dinh-paris-thang-loi-to-lon-cua-cach-mang-viet-nam-post458250.html