Hiệp định Paris - Trang sử vàng của ngoại giao Việt Nam

Ngày 27/1/1973, tại Paris, Thủ đô nước Cộng hòa Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ đã ký chính thức hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định này mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam, tạo ra thế so sánh lực lượng có lợi cho quân và dân miền Nam tiến tới đánh đổ chính quyền và quân đội Sài Gòn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào mùa Xuân năm 1975...

Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: TTXVN

Hiệp định Paris nêu rõ, Hoa Kỳ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam; Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam; tôn trọng quyền tự quyết và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam; nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ; việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình...

Hội nghị Paris được đánh giá là cuộc đấu trí tuệ, bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của một siêu cường hàng đầu thế giới. Nhìn lại tiến trình đàm phán, chúng ta thấy, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Hội nghị Paris về Việt Nam chính thức khai mạc (13/5/1968). Hội nghị Paris đánh dấu cuộc đọ sức trên mặt trận ngoại giao, tạo cục diện “vừa đánh, vừa đàm”; phản ánh một giai đoạn chiến đấu cực kỳ gay go, quyết liệt giữa Việt Nam và Mỹ. Đây cũng là đỉnh cao của sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cả 3 mặt trận: Quân sự, chính trị và ngoại giao; giữa cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên chiến trường với cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán và trên trường quốc tế.

Năm 1972, cuộc tiến công chiến lược của ta giáng một đòn sấm sét vào chủ trương củng cố thế trận phòng ngự hòng giữ nguyên hiện trạng chiến trường của Mỹ và chính quyền Sài Gòn - một chủ trương nhằm tránh mọi sự đảo lộn về chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho Nixon bước vào năm vận động tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ mới. Bị bất ngờ về chiến lược, Mỹ buộc phải bị động dùng một lực lượng rất lớn không quân và hải quân ồ ạt tham chiến ở miền Nam để cứu nguy cho quân đội Sài Gòn; đồng thời, mở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với quy mô, cường độ rất khốc liệt; kể cả sử dụng máy bay B-52 đánh sâu vào nội địa và phong tỏa cảng biển, cửa sông cùng hệ thống giao thông đường thủy trên miền Bắc.

Bom đạn Mỹ đã gây ra cho nhân dân ta trên cả hai miền những tổn thất nặng nề về sinh mạng và của cải. Ở miền Bắc, một loạt các mục tiêu dân sự, quân sự bị đánh phá và bị uy hiếp dữ dội; các hoạt động kinh tế, bảo đảm đời sống, bảo đảm giao thông, chi viện chiến trường bị tác động mạnh. Trên chiến trường miền Nam, dưới sự chi viện hỏa lực ồ ạt của không quân, hải quân Mỹ, quân đội Sài Gòn mở các cuộc phản kích hòng tái chiếm những địa bàn trọng yếu vừa bị mất, đặc biệt là Thành cổ Quảng Trị. Đi đôi với các biện pháp quân sự trên đây, chính quyền Mỹ tiếp tục ráo riết thực hiện các thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt và độc ác nhằm chia rẽ và kiềm chế các nước xã hội chủ nghĩa; đặc biệt là giữa Trung Quốc và Liên Xô, bao vây, cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân ta, ngăn chặn bước phát triển của cuộc tiến công chiến lược của ta ở miền Nam và cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh (giữa) ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh (giữa) ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm các hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: TTXVN

Nắm vững phương châm “vừa đánh, vừa đàm” nhằm kéo Mỹ “xuống thang”, giành thắng lợi từng bước và lợi dụng sức ép của dư luận đối với Nixon đang tăng lên từng ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tại Hội nghị Paris, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, ta mềm dẻo trong sách lược, kịp thời và chủ động đưa ra những đề xuất mới, những sáng kiến quan trọng buộc phía Mỹ phải đi đến công nhận Dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do ta khởi thảo, thỏa thuận ký kết vào ngày 31/10/1972. Thế nhưng, trái với thỏa thuận mà phía Mỹ đã cam kết, Nixon lật lọng, trì hoãn việc ký kết hiệp định để vượt qua tuyển cử và đề nghị sửa đổi những điều khoản cơ bản của dự thảo hiệp định. Hơn thế nữa, để buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện do phía Mỹ đưa ra trên bàn đàm phán, tập đoàn cầm quyền Mỹ ra lệnh mở cuộc tập kích chiến lược, sử dụng một lực lượng lớn không quân chiến lược và chiến thuật ồ ạt đánh phá dữ dội Hải Phòng, Hà Nội và nhiều nơi khác trên miền Bắc vào những ngày cuối năm 1972.

Hành động quân sự tàn bạo này của Mỹ bị cả thế giới mạnh mẽ lên án. Bằng trí thông minh và lòng quả cảm, quân và dân ta ở miền Bắc đã giáng trả đích đáng, bắn rơi nhiều pháo đài bay B-52 và nhiều máy bay chiến thuật Mỹ, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cố gắng quân sự cuối cùng và đánh bại âm mưu đàm phán trên thế mạnh của Mỹ. Bị thất bại nặng nề cả về quân sự, chính trị trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam, cuối cùng, đế quốc Mỹ buộc phải trở lại đàm phán, ký kết Hiệp định Paris.

Hội nghị Paris kéo dài 4 năm 8 tháng, trải qua 201 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, là hội nghị dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới với đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với việc Hiệp định Paris được ký kết, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta “đã giành được thắng lợi rất to lớn, có ý nghĩa quyết định xu thế phát triển tất thắng của cách mạng miền Nam Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn cách mạng rất vẻ vang của dân tộc, mở ra cho cách mạng miền Nam một giai đoạn mới: Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”. Với ý nghĩa đó, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris mãi mãi là trang sử vàng chói lọi của nền ngoại giao được kết tinh từ truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Hải Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hiep-dinh-paris-trang-su-vang-cua-ngoai-giao-viet-nam-post485605.html