Ông Trump muốn tăng thuế gấp đôi với cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài tại Mỹ
Tân Tổng thống Mỹ cũng phản đối cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu do OECD khởi xướng...
Trong biên bản ghi nhớ vạch ra chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” ký ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump viện dẫn điều khoản 891 của Đạo luật Thuế Mỹ, theo đó cho phép ông trả đũa các quốc gia khác bằng cách áp thuế đối với cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài trên đất Mỹ. Cụ thể, ông Trump cho biết có thể tăng gấp đôi thuế với công dân và doanh nghiệp nước ngoài tại Mỹ để đáp trả các khoản thuế “phân biệt đối xử” với các công ty đa quốc gia của Mỹ.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trump đang chuẩn bị một cuộc chiến thuế trên quy mô lớn, trong đó phản đối việc đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các tập đoàn công nghệ lớn và thuế doanh nghiệp tối thiểu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng.
Trong biên bản ghi nhớ trên, ông Trump yêu cầu Bộ Trưởng Tài chính điều tra xem liệu có quốc gia nào áp đặt thuế phân biệt đối xử hoặc thuế ngoại lãnh thổ (extraterritorial tax) - hành vi vi phạm điều khoản nói trên.
Theo điều khoản có từ 90 năm trước này, khi một tổng thống chính thức tuyên bố rằng có việc đánh thuế phân biệt đối xử như vậy, thuế suất với công dân và doanh nghiệp của quốc gia nước ngoài đó sẽ được “tăng gấp đôi”. Quyết định này không cần có sự phê duyệt của Quốc hội Mỹ.
“Điều khoản 891 là lựa chọn cực đoan nhất và điều thú vị là họ (chính quyền của ông Trump) đe dọa sử dụng điều khoản này ngay từ đầu”, ông Alex Parker, giám đóc vấn đề thuế tại công ty tư vấn doanh nghiệp Eide Bailly, nhận xét.
Ngày 20/1, ông Trump cũng đã ban hành một bản ghi nhớ về chính sách riêng rút lại sự ủng hộ của Mỹ với thỏa thuận thuế toàn cầu năm ngoái của OECD. Theo thỏa thuận này, các nước trên thế giới có thể đánh thuế bổ sung với các doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ.
Tân Tổng thống cũng đưa ra “một danh sách biện pháp bảo hộ” có thể được đưa ra trong vòng 60 ngày. Động thái này như một thông báo với các nước tham gia hiệp định thuế của OECD - gồm các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada - rằng Washtingon phản đối các quy định thuế toàn cầu.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng xung đột với các nhà lãnh đạo châu Âu về đề xuất đánh thuế kỹ thuật số với các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Apple và Alphabet. Năm ngoái, Canada ban hành “thuế dịch vụ kỹ thuật số” – động thái mà Washington cho là “phân biệt đối xử” doanh nghiệp Mỹ.
Bản ghi nhớ của ông Trump về thuế tối thiểu toàn cầu cũng đề cập tới việc điều tra xem có quốc gia nước ngoài nào không tuân thủ các hiệp ước thuế với Mỹ; đang hoặc có thể áp đặt quy định thuế mang tính phân biệt đổi xử; hoặc áp thuế ngoại lãnh thổ với doanh nghiệp Mỹ hay không.
“Đây là sự kết hợp giữa chính sách thuế và chính sách thương mại, điều thực sự đã được kích hoạt trong nhiệm kỳ này của ông Trump”, ông Everett Eissenstat, quản lý tại Squire Patton Boggs và là cựu quan chức chính quyền Trump, nhận định về biên bản ghi nhớ chính sách thương mại và thuế toàn cầu của OECD. “Chính sách của ông Trump có thể nhắm tới các khu vực pháp lý nơi các doanh nghiệp sở hữu nhiều tài sản trí tuệ như Ireland, và cũng có thể nhắm vào nỗ lực của EU nhằm thu thêm thuế từ doanh nghiệp Mỹ”.
Theo bà Allie Renison, cựu quan chức Bộ Thương mại Anh và hiện làm việc tại công ty tư vấn SEC Newgate, động thái trên cho thấy ông Trump đang mở rộng mạng lưới "chiến tranh kinh tế", vượt xa chính sách thuế quan, để đáp trả những gì ông xem là “hành vi phân biệt đối xử” của các quốc gia khác đối với Mỹ.
Thỏa thuận thuế toàn cầu do OECD khởi xướng được thống nhất vào năm 2021 và đã được một số quốc gia áp dụng một phần vào năm ngoái. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ giúp tăng thêm số tiền thuế thu được lên tới 192 USD mỗi năm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới. Theo thỏa thuận thuế này, nếu một doanh nghiệp đa quốc gia bị đánh thuế lợi nhuận dưới 15% tại nước đặt trụ sở, các nước tham gia thỏa thuận có thể áp thêm thuế.
“Chính quyền Trump có thể phản ứng bằng cách tăng thuế với doanh nghiệp của các quốc gia tham gia thỏa thuận đang hoạt động tại Mỹ, hoặc khấu trừ tiền thuế mà doanh nghiệp Mỹ phải nộp tại những nước đó", ông Grant Wardell-Johnson, giám đốc chính sách thuế toàn cầu tại công ty kiểm toán KPMG, nhận định. “Sau cùng, cơ chế thuế quốc tế sẽ chuyển từ đa phương sang song phương dựa trên những tuyên bố đơn phương mạnh mẽ. Đây là một thế giới thuế mới”.
Theo một quan chức cấp cao EU, các doanh nhân công nghệ đứng sau ông Trump đang thúc đẩy tân Tổng thống hành động đặt vấn đề thuế lên trên vấn đề thương mại.
“Các cuộc thảo luận về thuế quan chỉ mang tính giao dịch, còn cuộc chiến thực sự sẽ chuyển sang những vấn đề ảnh hưởng tới tài sản và lợi ích của các doanh nghiệp công nghệ lớn”, vị quan chức nhận xét.