Hiệp định RCEP kết nối và thúc đẩy hợp tác thương mại

RCEP là FTA lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số với khoảng 2,3 tỷ người tiêu dùng (tương đương khoảng 30% dân số thế giới) quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.

Ngày 4/4, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tổ chức Hội nghị kỷ niệm 3 năm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực với chủ đề "Kết nối và thúc đẩy hợp tác khu vực trong bối cảnh đầy biến động".

Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 3 năm Hiệp định RCEP có hiệu lực, cũng như thảo luận, tìm hiểu, đánh giá những tác động của Hiệp định RCEP đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, qua đây nhằm tìm kiếm giải pháp để giải quyết các rào cản thương mại, cải thiện thủ tục hải quan giúp tạo thuận lợi hóa thương mại, giới thiệu khuôn khổ hợp tác mới về các vấn đề thương mại bền vững và trao đổi về cơ hội, thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định RCEP.

Ông Lê Triệu Dũng- Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Lê Triệu Dũng- Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Triệu Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, RCEP là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào tháng 11 năm 2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với 6 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Tiếp đó, Hiệp định RCEP lần lượt có hiệu lực với Hàn Quốc vào ngày 1/2/2022, có hiệu lực với Malaysia vào ngày 18/3/2022, có hiệu lực với Indonesia vào ngày 2/1/2023, và có hiệu lực với thành viên cuối cùng là Philippines từ ngày 2/6/2023.

Theo ông Lê Triệu Dũng, sau hơn 8 năm đàm phán, Hiệp định RCEP có hiệu lực vào năm 2022. Hơn 3 năm qua, RCEP đã thực sự trở thành trợ lực xuất khẩu vững chắc cho các nước thành viên. Cùng đó, tạo đà xuất khẩu cũng như tạo thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng trong khu vực và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hiện tại, Hiệp định RCEP đã có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết. Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới hiện nay xét về quy mô dân số với khoảng 2,3 tỷ người tiêu dùng (tương đương khoảng 30% dân số thế giới), và quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.

Không những thế, 5 trong số 15 nước thành viên của Hiệp định RCEP là thành viên nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20). Ngoài ra, Hiệp định RCEP còn là hiệp định mở và đang nhận được sự quan tâm gia nhập của một số nền kinh tế trên thế giới.

Đến thời điểm này, các nước thành viên RCEP đã hoàn tất tài liệu về thủ tục gia nhập và sẽ xem xét các đề nghị gia nhập trong tương lai. Ngoài ra, Bộ phận Hỗ trợ Thực thi Hiệp định RCEP (RSU) đã được thành lập, hứa hẹn hỗ trợ các nước thành viên thực hiện hiệu quả hiệp định. Điều này thể hiện sự hấp dẫn của Hiệp định RCEP cũng như mức độ coi trọng của các quốc gia thành viên đối với Hiệp định.

Đáng lưu ý, sau 3 năm có hiệu lực, đến nay, Hiệp định RCEP đã cho thấy những tác động tích cực đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng, ASEAN cũng như các nước thành viên nói chung và hoạt động kinh tế - thương mại của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Hiệp định RCEP với các cam kết tạo ra khuôn khổ pháp lý cũng góp phần nâng cao tính mnh bạch của khu vực, đưa khu vực ASEAN trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, Hiệp định RCEP sẽ góp phần thúc đẩy hệ thống thương mại tự do, cởi mở tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương..

Ông Lê Triệu Dũng cũng chỉ ra rằng, trong quan hệ hợp tác với Hàn Quốc, Hiệp định RCEP đã trở thành xung lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.

Năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc và đến năm 2024 vẫn duy trì được vị trí này trong 3 năm liên tiếp. Hai bên đang tích cực triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm nâng cao thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào 2025 và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào 2030 theo hướng cân bằng, bền vững. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thương mại toàn cầu, Hiệp định RCEP góp phần thúc đẩy hệ thống thương mại tự do, cởi mở tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tương tự, ông Jinhyeok Choi - Vụ trưởng Vụ Chính sách FTA, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhận định, Hiệp định RCEP không chỉ là động lực thúc đẩy thương mại hai nước Hàn Quốc - Việt Nam mà còn là xung lực thúc đẩy hợp tác thương mại giữa các nước thành viên của Hiệp định. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Hiệp định RCEP, thời gian qua, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị RCEP tương tự ở các quốc gia thành viên.

Đại diện Công ty Delta Foods- doanh nghiệp đã và đang tận dụng RCEP hiệu quả bày tỏ, Hiệp định RCEP đã hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp vươn ra thế giới, tiếp cận được các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Singapore... cũng như cơ hội tiếp cận thị trường Halal. Đặc biệt, thông qua Hiệp định RCEP, hàng hóa của Công ty Delta Foods không chỉ tiếp cận các nước ASEAN mà còn có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào 5 nước là thành viên nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20).

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hiep-dinh-rcep-ket-noi-va-thuc-day-hop-tac-thuong-mai/368816.html