Thành phố trẻ nhất Việt Nam 'mạnh' cỡ nào trước khi không tổ chức cấp huyện?

TP. Phú Mỹ là thành phố trẻ nhất Việt Nam, có thế mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, trung tâm kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thành phố hơn 1 tháng tuổi

Tại phiên họp ngày 15/1/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 1365/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phú Mỹ và thành lập thành phố Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Một góc thành phố Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Chinhphu.vn

Một góc thành phố Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo đó, thành lập 2 phường Tân Hòa, Tân Hải trên cơ sở các xã cùng tên; thành lập thành phố Phú Mỹ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 333,02 km2 và quy mô dân số là 287.055 người. Đồng thời, thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Phú Mỹ.

TP. Phú Mỹ bao gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 phường Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Phước Hòa, Tân Hải, Tân Hòa, Tân Phước và 3 xã Châu Pha, Sông Xoài, Tóc Tiên.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025. Đây là thành phố trẻ nhất ở Việt Nam.

Trước khi chuyển thành thị xã, Phú Mỹ có tên gọi là huyện Tân Thành được thành lập theo Nghị định số 45 ngày 2/6/1994 của Chính phủ trên cơ sở tách ra từ huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Nai) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/8/1994 với 8 đơn vị hành chính cấp xã, diện tích tự nhiên là 333 km2, dân số 73.000 người.

Đến ngày 12/4/2018, huyện Tân Thành được công nhận và đổi tên thành thị xã Phú Mỹ theo Nghị quyết số 492 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thành phố trẻ Phú Mỹ ‘mạnh’ cỡ nào?

TP. Phú Mỹ có vị trí nằm về phía Tây của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Phía Bắc giáp huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Phía Nam giáp TP. Vũng Tàu và TP. Bà Rịa, Phía Đông giáp huyện Châu Đức. Phía Tây giáp huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và huyện Cần Giờ - TP. Hồ Chí Minh.

Đây là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với khu vực Đông Nam Bộ, là địa phương hội tụ đầy đủ tiềm năng, thế mạnh phát triển các trụ cột kinh tế của tỉnh là công nghiệp - cảng biển.

Cụm cảng Cái Mép - Thị vải đã hình thành với 22/35 dự án cảng đang hoạt động. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Cụm cảng Cái Mép - Thị vải đã hình thành với 22/35 dự án cảng đang hoạt động. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

TP. Phú Mỹ đã phát huy lợi thế của dòng sông Thị Vải để phát triển kinh tế cảng biển, dịch vụ hàng hải chất lượng cao, cụm cảng Cái Mép - Thị vải đã hình thành với 22/35 dự án cảng đang hoạt động với công suất hơn 117,8 triệu tấn/năm. Đây là cụm cảng nước sâu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và nằm trong top 19 cảng biển lớn nhất thế giới, với lượng hàng container chiếm gần 35% cả nước và 50% khu vực phía Nam; là cụm cảng duy nhất Việt Nam xuất phát tàu mẹ chở container đi trực tiếp đến Châu Âu, Châu Mỹ mà không phải trung chuyển.

Cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải là 1 trong 2 cảng biển loại đặc biệt của quốc gia, có năng lực đón những siêu tàu container trên thế giới với chiều dài lên đến 400m, trọng tải lên đến 250.000 tấn (khoảng 24.000TEUs).

Kinh tế TP. Phú Mỹ có bước phát triển đột phá, mở rộng về quy mô và tăng trưởng cao qua từng năm, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ và đúng hướng, đến nay công nghiệp, cảng biển trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng 80,43%, thương mại - dịch vụ là 18,57% và nông lâm thủy sản 1%; là địa bàn thu hút lớn nguồn lực đầu tư và lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao đến sinh sống và làm việc.

TP. Phú Mỹ sở hữu 09/15 khu công nghiệp tập trung của Bà Rịa – Vũng Tàu, thu hút hàng loạt tập đoàn lớn trong và ngoài nước, trở thành động lực phát triển công nghiệp chủ chốt.

Phối cảnh Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Ảnh: portcoast

Phối cảnh Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Ảnh: portcoast

Năm 2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút trên địa bàn TP. Phú Mỹ đạt gần 1,4/2,0 tỷ USD của toàn tỉnh, chiếm gần 70% tổng vốn FDI toàn tỉnh. Lũy kế đến hết năm 2024, Phú Mỹ đóng góp hơn 50% tổng vốn FDI của tỉnh là 17/34 tỷ USD.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 11% so với năm trước, đóng góp trên 65% giá trị tăng trưởng công nghiệp của tỉnh. Những kết quả này không chỉ khẳng định vai trò của Phú Mỹ mà còn là minh chứng rõ nét cho tiềm năng phát triển vượt bậc của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển mạnh với hơn 12.800 cơ sở, gần 3.700 doanh nghiệp, hơn 14.870 hộ kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho hơn 123.300 lao động. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đầu tư với nhiều mô hình hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng, tạo thương hiệu trên thị trường. Năm 2020, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh phát triển kinh tế, diện mạo đô thị Phú Mỹ cũng không ngừng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối được Trung ương, tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, các tuyến đường liên cảng, khu công nghiệp, kết nối đô thị liền mạch, thông suốt, đã có trên 90% tuyến đường giao thông được bê tông, nhựa hóa với tổng chiều dài 204km.

Nguyễn Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-pho-tre-nhat-viet-nam-manh-co-nao-truoc-khi-khong-to-chuc-cap-huyen-381673.html