Hiệp định UKVFTA thúc đẩy giao thương Việt Nam-Vương quốc Anh tăng nhanh

Thời gian qua, Hiệp định UKVFTA là 'đòn bẩy' quan trọng giúp kim ngạch thương mại Việt Nam - Vương Quốc Anh thu về kết quả bất chấp đại dịch Covid-19.

Dư địa hợp tác lớn

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được áp dụng tạm thời kể từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Ngay sau khi có hiệu lực, FTA này đã tác động rõ rệt tới giao thương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy: kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Mức tăng trưởng này đã giúp kim ngạch song phương chính thức phục hồi về mức kim ngạch năm 2019 sau khi bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Vương quốc Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.

Dệt may là một trong những mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam sang Vương quốc Anh hiện nay. Ảnh: Nguyễn Thanh

Dệt may là một trong những mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam sang Vương quốc Anh hiện nay. Ảnh: Nguyễn Thanh

Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, do vẫn chịu các tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Vương quốc Anh gồm: điện thoại, dệt may, da giày, sắt thép, thủy sản, rau quả... Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Vương quốc Anh máy móc, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm hóa chất.

Theo ông Chris Milliken, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham), kim ngạch thương mại 2 chiều đang dần có dấu hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Đây là minh chứng rõ nhất về lợi ích mà Hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh.

Đặc biệt phân tích sâu trường hợp ngành hàng nông, lâm, thủy sản, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: từ khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào Vương quốc Anh ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Điển hình như trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào thị trường này đã tăng ngoạn mục gần 180% so với cùng kỳ năm trước. “Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã xuất hiện tại một số siêu thị lớn của Anh, chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh nhạy tận dụng lợi thế của Hiệp định UKVFTA", bà An nói.

Bộ Công Thương đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu tận dụng được những cơ hội UKVFTA đem lại. Đáng chú ý, trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Vương quốc Anh mới chỉ chiếm 0,88% tổng trị giá nhập khẩu của thị trường Vương quốc Anh nên dư địa thị trường hợp tác giữa hai nước còn lớn.

Tập trung vào chất lượng sản phẩm

Từ góc độ DN chia sẻ câu chuyện thực tế về kinh nghiệm chinh phục các thị trường “khó tính” như Vương quốc Anh, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xuất khẩu (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết: hàng năm, Lộc Trời xuất khẩu đi khắp thế giới khoảng 100.000 tấn gạo, trong đó xuất khẩu vào EU, Vương quốc Anh khoảng 20.000 tấn (chiếm khoảng 20-25% sản lượng).

Để xuất khẩu vào khối thị trường EU nói chung và Vương quốc Anh nói riêng, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều quy định, tiêu chuẩn khác nhau. Riêng về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, doanh nghiệp đã phải đáp ứng tiêu chuẩn của hơn 800 hoạt chất khác nhau. Cách đây vài năm, Lộc Trời rất khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Vương quốc Anh do không có quy trình sản xuất, không có tiêu chuẩn rõ ràng khiến các sản phẩm làm ra không đạt chất lượng. Tuy nhiên, từ năm 2020, doanh nghiệp đã thay đổi cách làm, sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững từ giống, phân, thuốc, dịch vụ nông nghiệp…, hợp tác với nông dân thu hoạch vận chuyển về kho, sản xuất, xuất khẩu..

“Để tạo ra sản phẩm có chất lượng ổn định, đưa các sản phẩm có thương hiệu ra thị trường thế giới, doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng vùng trồng, phải đáp ứng hơn 800 hoạt chất mà thị trường yêu cầu. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phải có các chứng nhận, đó là giấy phép thông hành để người mua tại những thị trường khó tính chấp nhận”, ông Hiếu nói.

Bày tỏ sự quan tâm tới khía cạnh tiếp cận thông tin đối tác, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết: “Trong 100 quốc gia và vùng lãnh thổ mà ngành điều xuất khẩu, Vương quốc Anh là thị trường rất quan trọng. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 thị trường xuất khẩu hạt điều vào thị trường Hà Lan, còn Hà Lan lại là quốc gia xuất khẩu số 1 của hạt điều chế biến sâu vào thị trường Anh quốc. Trong khi đó, Hà Lan không có một cây điều, hạt điều nào, tất cả nguyên liệu Hà Lan đều nhập khẩu và phần lớn nhập khẩu từ Việt Nam. Điều đó đặt ra câu hỏi, tại sao các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa làm được?".

Với lợi thế của Hiệp định UKVFTA, thuế đối với sản phẩm điều chế biến sâu của Việt Nam vào thị trường Anh là bằng 0. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được các thông tin về bạn hàng, đối tác, tập quán tiêu dùng, thói quen, xu hướng… Đây là điều cần tích cực khơi thông nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định UKVFTA.

Bà Bùi Thị Thanh An lưu ý thêm: hiện tại, sản phẩm nông sản của Việt Nam XK sang Vương quốc Anh khá có sức cạnh tranh so với sản phẩm tương đồng từ các nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, do các quốc gia này chưa có thuận lợi về thuế trong ký kết FTA với Vương quốc Anh. “Tuy nhiên, sắp tới, chính sách của Vương quốc Anh sẽ triển khai ký kết một loạt FTA với 19 nước, vùng lãnh thổ, áp dụng các cơ chế thương mại tự do; ngoài ra Vương quốc Anh cũng đang triển khai gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTTP) thì lợi thế về thuế của doanh nghiệp Việt Nam không còn nữa. Vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, làm sao đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, sản xuất bền vững. Đây là điều quan trọng nhất để đưa sản phẩm vào thị trường Vương quốc Anh”, bà An nhấn mạnh.

haiquanonline.com.vn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hiep-dinh-ukvfta-thuc-day-giao-thuong-viet-nam-vuong-quoc-anh-tang-nhanh-182552.html