Hiệp định về Biển cả củng cố hơn nữa UNCLOS

Đa số các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả, và mong muốn sớm ký và phê chuẩn để hiệp định sớm có hiệu lực, được thực thi đầy đủ và hiệu quả.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu khi thông qua Hiệp định về Biển cả

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu khi thông qua Hiệp định về Biển cả

Bảo vệ “ngôi nhà” đa dạng sinh học đại dương

Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia - Hiệp ước quốc tế đầu tiên trên thế giới bảo vệ các vùng biển quốc tế - đã được đa số các nước thông qua tại Liên hợp quốc ngày 19-6. Đây là một thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử được xây dựng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gọi sự kiện thông qua hiệp định này là một “thành tựu lịch sử”, theo đó tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho việc mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra các vùng biển quốc tế, vốn chiếm 60% diện tích các đại dương trên thế giới.

Văn bản của Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia đã được các bên tham gia đàm phán thống nhất vào tháng 3 vừa qua, sau 15 năm thảo luận và 4 năm đàm phán chính thức. Kể từ đó, các chuyên gia pháp lý và các biên dịch viên của Liên hợp quốc đã tích cực rà soát và chuyển ngữ để đảm bảo truyền tải chính xác, nhất quán và trọn vẹn nội dung văn bản thông qua 6 ngôn ngữ chính thức của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Sau khi được Liên hợp quốc thông qua, hiệp định cần được tối thiểu 60 nước thành viên Liên hợp quốc phê chuẩn để có hiệu lực áp dụng.

Từ nhiều năm qua, các nhà khoa học và các quốc gia, tổ chức quốc tế ngày càng nhận ra tầm quan trọng của các đại dương đối với sự sống con người. Đây là nơi tạo ra hầu hết lượng khí oxy mà con người hít thở hằng ngày, đồng thời giúp hạn chế biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ khí thải CO2. Ngoài ra, đại dương còn là “ngôi nhà” của các khu vực đa dạng sinh học, với các loài sinh vật có kích thước vi mô. Hiện nay, hầu hết các khu vực biển được bảo vệ đều nằm trong lãnh hải (vùng đặc quyền kinh tế - EEZ) của các nước thành viên Liên hợp quốc. Tuy nhiên, EEZ mới chỉ chiếm khoảng hơn 30% diện tích biển toàn cầu, nói cách khác hơn 60% diện tích còn lại chưa được bảo vệ. Đây cũng là những khu vực diễn ra nhiều hoạt động gây tổn hại tới sự đa dạng sinh học của đại dương.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, việc thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia vào thời điểm quan trọng, khi các đại dương đang bị đe dọa về nhiều mặt. Người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc nêu rõ, biến đổi khí hậu đang thay đổi các kiểu thời tiết và dòng chảy đại dương, làm tăng nhiệt độ nước biển, làm thay đổi hệ sinh thái biển và các loài sống ở đó. Ông cũng cảnh báo, sinh học biển đang bị tấn công do đánh bắt, khai thác quá mức và acid hóa đại dương.

Vì thế, Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định, Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia rất quan trọng để giải quyết các mối đe dọa với đại dương. Ông Antonio Guterres kêu gọi tất cả quốc gia nỗ lực hết mình để đảm bảo hiệp ước được ký kết và phê chuẩn càng sớm càng tốt.

Điều rất quan trọng là Hiệp định sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra bên ngoài EEZ của các quốc gia, vốn đo bằng 200 hải lý (khoảng 370km) tính từ đường cơ sở. Hiệp định cũng yêu cầu nghiên cứu tác động đối với môi trường từ các hoạt động như thăm dò, khai thác vùng biển sâu. Văn kiện này do đó được coi là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30x30, được các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Ða dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal (Canada) tháng 12-2022.

Một thắng lợi của ngoại giao và chủ nghĩa đa phương

Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia gồm 17 chương, 76 điều, 2 phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề gồm: Chia sẻ lợi ích nguồn gene biển; Thiết lập vùng bảo tồn biển; Đánh giá tác động môi trường; Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; và Vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của Hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính... Hiệp định sẽ tạo ra một cơ quan mới để quản lý việc bảo tồn sự sống ở đại dương và thiết lập các khu bảo tồn biển ở vùng biển quốc tế, đồng thời cũng đặt ra các quy tắc cơ bản để đánh giá tác động môi trường của các hoạt động thương mại trên đại dương.

Giới quan sát cho rằng, hiệp định còn được gọi với cái tên khác là Hiệp định về Biển cả này không khó để nhận được sự phê chuẩn của ít nhất 60 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Hiệp định dự định được mở ký vào ngày 20-9-2023, trong cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi được 60 quốc gia phê chuẩn.

Phát biểu sau khi Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia được thông qua, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam - khẳng định kết quả thành công ngày hôm nay thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong việc đạt được một văn kiện nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia. Hiệp định được thông qua là thắng lợi của ngoại giao và chủ nghĩa đa phương, thắng lợi của các nước đang phát triển.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang đánh giá hiệp định này sẽ củng cố hơn nữa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) - bản Hiến pháp của đại dương - tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển; tăng cường chủ nghĩa đa phương. Đây cũng là một dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện Thập kỷ Liên hợp quốc về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững, thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.

Đại sứ bày tỏ, việc Liên hợp quốc thông qua Hiệp định đem lại nhiều cảm xúc, đặc biệt là đối với những người trực tiếp tham gia thương lượng, trong đó có đoàn liên ngành Việt Nam do Bộ Ngoại giao chủ trì cùng đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam..., phối hợp với Phái đoàn Việt Nam tại New York bởi đây là kết quả của một quá trình lâu dài và phức tạp, nhiều lúc cực kỳ gay gắt. Cùng với các nước tham gia đàm phán, Việt Nam mong muốn sớm ký và phê chuẩn để hiệp định sớm có hiệu lực, được thực thi đầy đủ và hiệu quả.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hiep-dinh-ve-bien-ca-cung-co-hon-nua-unclos-post543431.antd