Hiệp hội Dệt May Việt Nam- Ngôi nhà chung của các doanh nghiệp dệt may
Có tổ chức rất chặt chẽ và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp với những hoạt động thiết thực gắn sát với thị trường trong nước và quốc tế, Hiệp hội Dệt May đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Đó là nhận định của ông Phạm Xuân Đương - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương tại Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ 2016-2020 của Hiệp hội Dệt May Việt Nam diễn ra sáng ngày 26/11/2015.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam - cho biết, trong nhiệm kỳ IV (2011-2015), Hiệp hội đã tích cực hoạt động, đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp. Hiệp hội đã cử đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thuế, hải quan theo tinh thần Đề án 30 của Chính phủ. Cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do việc áp dụng hệ thống khai báo hải quan tập trung, vấn đề ân hạn thuế 275 ngày cho nguyên liệu nhập khẩu sản xuất, kinh doanh; giải quyết được vấn đề thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon bao gói hàng may mặc xuất khẩu…
Hiệp hội đã kiến nghị Nhà nước nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn để không làm tăng chi phí nhân công, giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển và có khả năng cạnh tranh.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, Hiệp hội luôn theo sát tình hình xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, tình hình nhập khẩu từ các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… để thông báo tới các doanh nghiệp hội viên.
Hiệp hội cũng chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức nhiều khóa đào tạo về trách nhiệm xã hội (CRS), đào tạo về tiết kiệm năng lượng, các lớp đào tạo tăng cường hiểu biết về Hiệp định TPP, các FTA Việt Nam tham gia để doanh nghiệp hội viên nắm được thông tin về các Hiệp định này để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời nhằm tận dụng được cơ hội cũng như hạn chế được thách thức từ các hiệp định này.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ V gồm 96 người, ông Vũ Đức Giang tiếp tục tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2020.
Bước sang nhiệm kỳ V (2016-2020) là nhiệm kỳ đánh dấu giai đoạn phát triển mới của ngành dệt may với những cơ hội mới do Hiệp định TPP và các Hiệp định FTA mang lại. Theo ông Lê Tiến Trường, để tận dụng tốt cơ hội, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho ngành dệt may và các doanh nghiệp, Hiệp hội tiếp tục nâng cao và phát huy vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may, bám sát hơn tình hình sản xuất, kinh doanh, khó khăn thuận lợi của doanh nghiệp để báo cáo các cơ quan bộ ngành, xây dựng và đưa ra các chính sách thuận lợi, tiếp tục cải cách hành chính, nhằm tạo môi trường thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp FDI được tham gia Hiệp hội với tư cách là thành viên chính thức, vì các doanh nghiệp này đang có vai trò rất lớn trong xuất khẩu, cũng như phát triển ngành dệt may,
Ông Lê Tiến Trường cho biết, đến năm 2020, toàn ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 45 - 50 tỷ USD, tăng tỷ lệ nội địa hóa đạt 65%, thực hiện chiến lược phát triển bông xơ đạt 10 nghìn tấn nguyên liệu cho ngành, tạo việc làm cho 3,3 triệu lao động.
Hiệp hội Dệt may kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam,giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2035 cho phù hợp tình hình mới. Quy hoạch các khu công nghiệp dệt may lớn tại 3 miền: Bắc, Trung, Nam để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm...
Với nỗ lực đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, góp phần cùng ngành dệt may đạt được những thành tích lớn, trở thành mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của cả nước, nhân dịp này, Hiệp hội Dệt May đã được Nhà nước trao thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.