18 năm Việt Nam gia nhập WTO: Bước tiến trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu

Sau hơn 1 thập kỷ đàm phán kéo dài, từ ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Sự kiện lớn này đã để lại nhiều dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong 18 năm qua; đồng thời là tiền đề vững chắc cho đất nước tiếp tục vượt qua thách thức, đón nhận cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 - CTCP. Ảnh: Viết Thành

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 - CTCP. Ảnh: Viết Thành

Để trở thành thành viên chính thức, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc đàm phán song phương và đa phương phức tạp từ năm 1995 đến năm 2006, đồng thời điều chỉnh nhiều quy định pháp lý và cải cách kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu của WTO.

Quyết định gia nhập WTO không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam, mà còn mang lại những cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước. Việt Nam đã có nền tảng để cải cách sâu rộng hơn về chính sách kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, quá trình này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng những tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật về thương mại, đầu tư, khẳng định cam kết mạnh mẽ của nước ta về hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức trên 48 tỷ USD vào năm 2007 lên đến 405,53 tỷ USD vào năm 2024 - gấp hơn 8 lần so với thời điểm gia nhập WTO, trong đó xuất siêu là 24,77 tỷ USD. Ngành hàng dệt may đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ với kim ngạch 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023.

Hiện tại, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc và vượt qua Bangladesh. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các sản phẩm nông sản, thủy sản sang hàng công nghiệp chế biến, công nghệ cao. Các sản phẩm như điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp tích cực vào thành tựu thương mại chung. Kết quả nói trên đưa nước ta vươn lên vị trí 17 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Việc gia nhập WTO không chỉ thúc đẩy tăng trưởng thương mại mà còn mở rộng hợp tác kinh tế và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho Việt Nam. Tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 FTA khác. Trong đó, các FTA thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đã giúp Việt Nam tiếp cận sâu rộng vào các thị trường lớn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam hiện trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến ngày 31-12-2024, cả nước có 42.002 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 502,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 322,5 tỷ USD. Các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG và Foxconn đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp phụ trợ và đổi mới công nghệ. Dòng vốn FDI cũng mang lại lợi ích dài hạn, cải thiện năng lực sản xuất và nâng cao trình độ quản trị của doanh nghiệp trong nước, từ đó giúp Việt Nam dần trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh các chỉ số về kinh tế, theo khảo sát và đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam đã liên tục gia tăng, từ vị trí 88 vào năm 2016 lên vị trí 49 vào năm 2020. Trong bảng xếp hạng SDG toàn cầu năm 2024, Việt Nam xếp vị trí 54/166 quốc gia và vùng lãnh thổ với điểm số tổng quan là 73,3, cao hơn đáng kể so với mức trung bình khu vực châu Á và ASEAN.

Các thành tựu về thương mại, đầu tư và cải cách pháp lý là những minh chứng rõ ràng cho thấy, Việt Nam đã tận dụng hiệu quả các cơ hội sau 18 năm gia nhập WTO để xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho tương lai. Tuy còn nhiều thách thức phía trước, Việt Nam vẫn luôn nhấn mạnh vai trò và vị thế của WTO, đồng thời cam kết phối hợp tối đa để phát triển tổ chức thương mại toàn cầu này.

WTO (trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ) là tổ chức quốc tế duy nhất điều chỉnh các quy tắc thương mại toàn cầu. Chính thức thành lập vào ngày 1-1-1995, WTO có nhiệm vụ chính là thúc đẩy thương mại tự do và công bằng giữa các quốc gia, giảm thiểu rào cản thương mại, và hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế.

Hiện tại, WTO có 165 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên, chiếm hơn 90% thương mại toàn cầu. Các hiệp định của WTO bao gồm sáu lĩnh vực chính: Thương mại hàng hóa, dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp, đánh giá chính sách thương mại và các thỏa thuận thành lập WTO.

Kim Dung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/18-nam-viet-nam-gia-nhap-wto-buoc-tien-tren-con-duong-hoi-nhap-kinh-te-toan-cau-690134.html