Hiệp hội Hạt nhân Thế giới khuyến nghị về định mức năng lượng hạt nhân

Theo Tổng giám đốc Hiệp hội Hạt nhân Thế giới - bà Sama Bilbao y Leon, nguồn điện sạch từ năng lượng hạt nhân là giải pháp thay thế hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu về khí hậu mà vẫn đáp ứng nhu cầu về điện trên toàn cầu.

Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) khuyến nghị rằng công suất năng lượng hạt nhân của thế giới cần phải tăng ít nhất gấp ba lần để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu trong Thỏa thuận Paris, khi nhu cầu về điện và năng lượng sạch trên thế giới ngày càng tăng, theo kênh Channel News Asia.

WNA cho biết nhu cầu điện toàn cầu đang tăng nhanh gấp đôi so với tổng mức sử dụng năng lượng và có khả năng tăng hơn một nửa trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2040.

Điều này có nghĩa thế giới cần nguồn cung cấp năng lượng lớn hơn đáng kể trong tương lai, cụ thể là điện được sản xuất sạch, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

 Theo WNA, công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu phải tăng gấp ba lần để đạt được mục tiêu về khí hậu. Ảnh: REUTERS

Theo WNA, công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu phải tăng gấp ba lần để đạt được mục tiêu về khí hậu. Ảnh: REUTERS

TS Sama Bilbao y Leon - Tổng giám đốc của WNA - chia sẻ với Channel News Asia tại Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore (SIEW) hôm 22-10 rằng nguồn điện hạt nhân là giải pháp thay thế sạch hiệu quả nhất và công bằng nhất về mặt chi phí để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

“Ngày nay, năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng duy nhất có thể tạo ra điện và nhiệt mà không thải ra carbon, do đó, đây là lựa chọn hoàn hảo để khử carbon cho toàn bộ nền kinh tế” - bà Leon cho biết.

Bà Leon nhấn mạnh rằng nếu chúng ta nghiêm túc về việc thực hiện Thỏa thuận Paris, thì cần phải tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu ở mức tối thiểu.

Tổng giám đốc WNA cũng nói thêm rằng cần phải xem xét lại những định kiến cho rằng năng lượng hạt nhân có xu hướng tốn kém và nguy hiểm.

Phát triển điện hạt nhân cũng có những lợi thế lâu dài vì trung bình các cơ sở nhà máy điện hạt nhân mất chưa đến 6 năm để xây dựng nhưng có tuổi thọ từ 60 đến 80 năm.

“Đây là một khoản đầu tư rất tốt, sẽ cung cấp nguồn điện liên tục, giá cả phải chăng, không phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ (hoặc) địa chính trị” - bà Leon nhấn mạnh.

Ngày nay, năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 10% sản lượng điện của thế giới, với khoảng 440 lò phản ứng ở hơn 30 quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vai trò của năng lượng hạt nhân phải được mở rộng, cùng với các hình thức sản xuất điện ít carbon khác, để tạo ra một hệ thống năng lượng bền vững hơn trong tương lai.

TRỌNG TẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hiep-hoi-hat-nhan-the-gioi-khuyen-nghi-ve-dinh-muc-nang-luong-hat-nhan-post816207.html