Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Đ.S

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Đ.S

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn (nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ), Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam cho biết, Quốc hội đã tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và đang tiến hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân với 2 nhóm vấn đề:

Một là, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (sửa đổi, bổ sung Điều 9 và 10). Hai là, về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.S.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.S.

Trong điều kiện tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, cần vượt qua và thay đổi được các thói quen tư duy về vị trí, vai trò và cơ chế hoạt động của các tổ chức trong các giai đoạn cách mạng trước đây để xác lập tư duy tái cấu trúc hệ thống cũng như tổ chức để hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy phát triển.

Sự phát triển có tính kế thừa nhưng mỗi mô hình tổ chức phải có tổ chức và hoạt động phù hợp, tránh tư duy cơ học trong công tác tổ chức và cơ chế hoạt động. Việc sửa đổi Hiến pháp là rất cần thiết để có cơ sở pháp lý thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng.

Về sửa đổi các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn cho rằng, việc sửa đổi các điều này nhằm khắc phục tình trạng hệ thống các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, trùng lắp. Có lúc, có nơi chưa thực hiện sâu sát cơ sở, nắm tình hình nhân dân chưa kịp thời.

Để không còn tồn tại tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức. Nguyên tắc hiệp thương dân chủ, một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản, nền tảng thể hiện bản chất liên hiệp tự nguyện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp.

GS.TS Phan Trung Lý góp ý tại hội nghị. Ảnh: Đ.S.

GS.TS Phan Trung Lý góp ý tại hội nghị. Ảnh: Đ.S.

Cơ bản tán thành các nội dung sửa đổi liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn cũng góp ý, phải xác định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận quan trọng, nền tảng của hệ thống chính trị… Như vậy Mặt trận Tổ quốc mới là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Về nội dung đưa “các tổ chức chính trị xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…”, theo ông Tuấn, dự thảo quy định cụm từ này là phù hợp với tư tưởng tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm bớt đầu mối, đúng với chủ trương của Đảng là sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khi đã là trực thuộc và dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì chỉ nên có một đầu mối tổ chức là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình dự án Luật.

Tại hội nghị, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thống nhất chủ trương làm sao đảm bảo được vai trò của Mặt trận Tổ quốc là liên hiệp chính trị, là trung tâm, nhưng đồng thời phải bảo đảm vai trò của các tổ chức chính trị xã hội.

GS.TS Phan Trung Lý cũng cho rằng, sửa Hiến pháp lần này chưa phải là sửa toàn diện, do vậy chưa nên sửa đổi nhiều, nhưng sắp tới dần dần cũng không nên quy định quá chi tiết trong Hiến pháp.

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.S.

GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.S.

Góp ý tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, dự thảo quy định các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc là phù hợp.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, hôm họp với Đoàn chủ tịch thì ông được giải thích trực thuộc là mặt hành chính để tinh gọn bộ máy, còn hoạt động của các tổ chức là có độc lập tương đối với Mặt trận Tổ quốc, bảo đảm sự liên minh.

Liên quan đến nội dung chất vấn với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, một số đại biểu cho rằng, không vì thành lập chính quyền địa phương hai cấp mà bỏ quyền chất vấn của Hội đồng nhân dân đối với tòa án và viện kiểm sát. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân đóng trên địa bàn thì Hội đồng nhân dân phải có quyền chất vấn những vấn đề liên quan, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hiep-hoi-khoa-hoc-hanh-chinh-viet-nam-gop-y-du-thao-nghi-quyet-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-2013-10306477.html