Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho xe điện 4 bánh du lịch
Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA) vừa gửi văn bản kiến nghị lên Chính phủ, đề xuất xem xét tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của xe điện 4 bánh chở khách du lịch, một loại hình giao thông xanh, thân thiện môi trường.
Theo VATA, hiện cả nước có khoảng 12.000 - 15.000 xe điện 4 bánh đang phải tạm ngưng hoạt động, với tổng giá trị đầu tư ước tính hơn 5.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trong đó giới hạn phạm vi hoạt động của loại xe này chỉ trên các tuyến đường có gắn biển báo tốc độ tối đa 30km/h, một điều kiện gần như không khả thi tại nhiều khu vực đô thị.
Việc dừng hoạt động hàng loạt xe điện không chỉ gây ra lãng phí lớn về nguồn lực đầu tư mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của hàng chục nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch, vận tải.
Đáng lưu ý, loại hình phương tiện này đang được nhiều địa phương xem là giải pháp giao thông du lịch bền vững, góp phần giảm ô nhiễm và nâng cao trải nghiệm du khách.

Tại một số địa phương như Khu du lịch Sầm Sơn, chính quyền đã chủ động điều chỉnh hạ tầng giao thông bằng cách lắp đặt biển báo tốc độ phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho xe điện hoạt động. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có điều kiện thực hiện giải pháp tương tự.
Trong cuộc họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM gần đây, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, theo quy định tại Nghị định mới của Chính phủ, từ ngày 15/2/2025, các phương tiện bốn bánh có gắn động cơ (bao gồm xe điện du lịch) chỉ được phép hoạt động trên các tuyến đường có giới hạn tốc độ tối đa 30km/h.
Tuy nhiên, hiện tại, hạ tầng giao thông nội thành TP.HCM chủ yếu là đường một chiều hoặc đường đôi với tốc độ tối đa phổ biến từ 50 - 60km/h, nên việc tuân thủ quy định trên là gần như bất khả thi.
Sở Xây dựng TP.HCM đã giao Trung tâm Quản lý Hạ tầng Giao thông Đường bộ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đề xuất phương án phù hợp. Tuy vậy, việc lắp đặt biển báo mới lại gặp khó khăn bởi vướng các quy định trong Thông tư 38/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), trong đó quy định rõ giới hạn tốc độ theo từng loại đường đô thị.
Việc áp dụng mức tốc độ 30km/h đại trà trên nhiều tuyến đường không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến lưu thông chung mà còn khó có cơ sở thuyết phục về mặt kỹ thuật và thực tiễn.
TP.HCM từng được chọn làm nơi thí điểm mô hình xe điện 4 bánh chở khách du lịch. Một doanh nghiệp đã đầu tư hơn 70 xe, phục vụ gần 500.000 lượt khách trong hơn một năm. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các xe này chỉ được phép hoạt động đến hết ngày 30/6/2025 và hiện đã phải tạm dừng.
Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng TP.HCM đang phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM và Công an TP.HCM để lấy ý kiến, tổng hợp, đề xuất phương án tiếp tục cho phép xe điện 4 bánh hoạt động tại các khu vực phù hợp. Một số địa điểm như Cần Giờ, Côn Đảo và trung tâm TP.HCM được xem là những khu vực tiềm năng để tiếp tục thí điểm loại hình giao thông này.