Hiệp ước lịch sử bảo vệ biển khơi
Đây là một cột mốc lịch sử sau hơn 15 năm nỗ lực đàm phán với mục đích bảo vệ tới hơn 60% đại dương toàn cầu
Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa thông qua hiệp ước đầu tiên nhằm bảo vệ các vùng biển khơi, tức những vùng biển quốc tế. Theo công bố của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 19-6 (giờ Mỹ), đây là một cột mốc lịch sử sau hơn 15 năm nỗ lực bàn thảo và 5 vòng đàm phán do LHQ chủ trì.
Với tên gọi chính thức là Hiệp ước Đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ), hiệp ước đạt được đồng thuận về mặt câu từ của hơn 100 quốc gia hồi tháng 3 vừa qua.
Mô tả đây là "thành quả lịch sử", ông Guterres cho biết hiệp ước sẽ hình thành khung pháp lý nhằm mở rộng hoạt động bảo vệ môi trường ra vùng biển quốc tế, vốn chiếm tới hơn 60% đại dương toàn cầu.
"Việc bảo vệ đại dương, từ các vùng biển ven bờ đến biển khơi xa xôi và đáy biển sâu, gắn bó chặt chẽ với sức khỏe, đời sống và khả năng sinh tồn của con người" - một nhóm nhà khoa học nhấn mạnh trên tạp chí The Lancet.
Các nhà khoa học ngày một nhận thức rõ tầm quan trọng của các đại dương, nơi sản xuất hầu hết khí ôxy mà chúng ta hít thở, đồng thời hạn chế biến đổi khí hậu nhờ vào hoạt động hấp thu CO2 và nuôi dưỡng những khu vực có độ đa dạng sinh học cao.
Quan trọng là thế song rất nhiều khu vực của đại dương nằm bên ngoài các vùng đặc quyền kinh tế của từng quốc gia và do đó không được luật lệ của bất kỳ quốc gia nào bảo vệ.
Yêu cầu quốc tế chung tay thêm bức thiết khi hiện chỉ có 1% vùng biển này được bảo vệ bằng các biện pháp bảo tồn. Vai trò của BBNJ càng quan trọng bởi các nước đã đặt mục tiêu bảo vệ 30% đại dương và đất đai của thế giới vào năm 2030 trong một hiệp ước lịch sử khác được 190 chính phủ ký kết hồi tháng 12 năm ngoái tại Montreal - Canada, theo Reuters.
Nhờ BBNJ, các khu bảo tồn đại dương có thể được thành lập trong vùng biển quốc tế, qua đó bảo vệ các loài động vật biển di cư như cá voi.
Sau khi được thông qua, trong vòng 2 năm kể từ ngày 20-9-2023 sẽ là quãng thời gian để các quốc gia phê chuẩn BBNJ. Theo LHQ, hiệp ước sẽ có hiệu lực nếu được 60 quốc gia phê chuẩn. 60 quốc gia là con số hoàn toàn có khả năng đạt được nhưng so với 193 thành viên LHQ thì vẫn còn khiêm tốn - các tổ chức phi chính phủ đánh giá.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan hôm 19-6 khẳng định đây là thắng lợi của luật pháp quốc tế và lưu ý hiệp ước biển khơi này được xây dựng trên cơ sở Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) - vốn được thông qua 40 năm trước.
Tuy nhiên, để hiệp ước này trở thành "yếu tố thay đổi cuộc chơi mang tính tập thể", cần sự phê chuẩn của tất cả quốc gia, theo ông Balakrishnan.
Ngoài ra, BBNJ quy định các quốc gia phải hoàn tất nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đối với những hoạt động họ định tiến hành ở vùng biển quốc tế, theo báo The Straits Times, từ đánh bắt cá, vận tải hàng hải đến những mục đích gây tranh cãi hơn như khai khoáng biển sâu, chống sự nóng lên toàn cầu...
Reuters cho biết BBNJ cũng thiết lập các nguyên tắc về chia sẻ lợi ích của nguồn "tài nguyên di truyền biển" (MGR) - được thu thập thông qua nghiên cứu khoa học ở vùng biển quốc tế. Đây là vấn đề gây tranh cãi suýt làm đổ bể các cuộc đàm phán phút chót hồi tháng 3.
Vốn không đủ tiền theo đuổi những chuyến thám hiểm như vậy, các nước đang phát triển đấu tranh đòi quyền chia sẻ lợi ích, với hy vọng không bị bỏ lại phía sau trong một thị trường tương lai được dự đoán là khổng lồ. Đó là MGR được thương mại hóa, có tiềm năng thu lợi nhuận cực lớn, nhất là trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm vốn đang tìm kiếm "các phân tử thần kỳ" để phát triển sản phẩm.