Hiệp ước Marrakesh - Khắc phục tình trạng 'đói sách' của người khiếm thị
Ngày 22/6, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Khóa tập huấn Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp lý liên quan của Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ra đời Hiệp ước Marrakesh (ngày 27/6/2013).
Với mục tiêu phổ biến cho các tổ chức người khuyết tật về Hiệp ước Marrakesh cũng như các quy định được nội luật hóa, đồng thời, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện các quy định một cách hiệu quả, chương trình tập huấn thu hút sự tham gia của hơn 60 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 50 đại biểu từ các điểm cầu trực tuyến trong và ngoài nước.
Bảo vệ quyền tác giả và quyền tiếp cận ấn phẩm cho người khuyết tật
Hiệp ước Marrakesh và các quy định pháp lý mới về quyền tác giả đã đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục tình trạng "đói sách" đối với người khuyết tật. Người khiếm thị không chỉ phải vật lộn với tình trạng không thể nhìn thấy ánh sáng vật lý, mà còn phải đối mặt với nguy cơ thiếu ánh sáng tri thức do khả năng tiếp cận ấn phẩm bị hạn chế.
Phát biểu tại khóa tập huấn, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam đã có những nỗ lực đáng khen ngợi để cải thiện khả năng tiếp cận thông tin cho người khuyết tật, từ việc đưa vào luật bản quyền các ngoại lệ vào năm 2005 đến việc mở rộng các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022.
Đặc biệt, tháng 12/2022, Việt Nam đã gia nhập Hiệp ước Marrakesh, và Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã được ban hành để hướng dẫn việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi...
Ngày 6/12/2022, Việt Nam đã gia nhập Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị và người khuyết tật chữ in khác tiếp cận với các tác phẩm đã công bố (Hiệp ước Marrakesh). Hiệp ước chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6/3/2023.
Đồng thời Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua vào tháng 6/ 2022. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan cũng được ban hành và có hiệu lực từ ngày 26/4/2023.
Phát biểu từ điểm cầu trực tuyến bà Sylvie Forbin - Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) mong rằng: “Chúng tôi hoan nghênh và khuyến khích Hội Người mù Việt Nam trở thành thành viên của dịch vụ sách toàn cầu của ABC và mong muốn tiếp tục sự hợp tác giữa WIPO và Việt Nam trong việc phát triển hệ sinh thái bản quyền, thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo phát triển mạnh mẽ”.
Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam Đinh Việt Anh cho biết: “Theo thống kê của Hiệp hội Người mù thế giới, chỉ có dưới 1% sách đã xuất bản ở các nước đang phát triển được chuyển đổi sang định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in, gồm: người khiếm thị, người khuyết tật về nhận thức, khó khăn trong việc đọc, hoặc khuyết tật thể chất khiến họ không thể cầm hoặc lật trang sách, không đưa mắt đọc được ở mức độ bình thường...
Tăng cường khả năng tiếp cận các ấn phẩm cho người khiếm thị
Chia sẻ tại tọa đàm của khóa tập huấn, Vụ trưởng Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Kiều Thúy Nga cho biết; hiện nay có 21/63 thư viện trên toàn quốc đã phục vụ người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật chữ in, 7 thư viện có phòng đọc sách riêng cho người khuyết tật chữ in, 3 thư viện tại: Hà Nội, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh đã có studio sản xuất sách nói. Ngoài ra, một số thư viện sử dụng xe lưu động để đưa dịch vụ đến với người đọc.
Khó khăn lớn nhất là số lượng thư viện đáp ứng được cho người khuyết tật còn ít, số lượng tài nguyên hạn chế với hơn 30 nghìn đầu sách phục vụ cho người khuyết tật chữ in. Và nguồn kinh phí rất hạn chế cho việc bổ sung đầu sách chữ nổi, sách nói...
Hiện nay, tình trạng “đói sách” là rào cản tiếp cận lớn về giáo dục, việc làm và phát triển của người khuyết tật chữ in, đặc biệt là người khiếm thị - nhóm khuyết tật chiếm khoảng 1,03 triệu người trong dân số Việt Nam. Tỷ lệ người mù biết chữ và có việc làm ở Việt Nam vẫn khá thấp (38,5% biết chữ và gần 21% có việc làm, theo nghiên cứu của Quỹ dân số Liên hợp quốc năm 2011).
Tình trạng "đói sách" tồn tại ngay cả ở các nước phát triển như Hoa Kỳ. Theo thống kê của Liên đoàn người mù quốc gia Hoa Kỳ năm 2015, chưa đầy 5% các tác phẩm đã xuất bản được chuyển đổi sang định dạng phù hợp với người mù và người không có khả năng đọc chữ in.
Với mong muốn tăng cường khả năng tiếp cận ấn phẩm cho những người không có khả năng đọc chữ in thông qua việc sử dụng các ngoại lệ về bản quyền, Hiệp ước Marrakesh đã chính thức ra đời vào năm 2013. Hiệp ước đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các rào cản đối với người khuyết tật chữ in, từ đó tạo điều kiện cho khả năng tiếp cận thông tin bình đẳng và nâng cao cơ hội giáo dục và việc làm.
Hiện nay, đã có 92 bên ký kết đã tham gia hiệp ước, bao gồm 118 quốc gia và lãnh thổ, và Việt Nam là thành viên mới nhất. Tham gia Hiệp ước Marrakesh không chỉ đánh dấu sự cam kết của Việt Nam, mà còn là một bước quan trọng trong việc xây dựng một môi trường công bằng và thuận lợi hơn cho người khuyết tật.
Theo bà Đinh Việt Anh, với Hiệp ước này, các rào cản về bản quyền sẽ được loại bỏ, tạo điều kiện cho việc sản xuất và phân phối sách dễ tiếp cận, từ đó giúp người khuyết tật có cơ hội tiếp cận tri thức, giáo dục và việc làm.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thông qua Hiệp ước Marrakesh và các nỗ lực liên quan, chúng ta đang bước đi trên con đường cải thiện quyền tác giả và quyền tiếp cận sách cho người khuyết tật. Hiệp ước Marrakesh đã mở ra cánh cửa hy vọng cho những người khuyết tật chữ in, cho phép họ tham gia và tiếp cận với vô vàn tri thức và cơ hội mới mà văn hóa đọc mang lại.