Hiệp ước Schengen - Đi lại ở châu Âu không cần visa
Ngày 14/6/1985, tại thị trấn nhỏ Schengen nằm ở phía Đông Nam của Luxembourg (gần ngã ba biên giới với Ðức và Pháp), 5 nước trong Cộng đồng châu Âu là Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Tây Đức đã ký Hiệp định bãi bỏ việc kiểm soát biên giới giữa 5 nước, để cho công dân các nước này tự do đi lại trong vùng lãnh thổ chung của 5 nước, gọi là Vùng Schengen.
Năm 1990, các nước trên ký thêm một văn bản thay thế gọi là Hiệp ước Schengen và lần lượt có thêm các nước khác gia nhập.
Tính đến ngày 1/1/2023, tổng số quốc gia công nhận hoàn toàn hiệp ước này là 27 nước, được gọi là các quốc gia Schengen, gồm: Áo, Croatia, Cộng hòa Czech, Estonia, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Pháp, Lithuania, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Luxembourg, Tây Ban Nha, Hungary, Malta, Slovakia, Italy, Hà Lan, Slovenia, Latvia, Ba Lan, Thụy Điển, Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sỹ.
Công dân các nước tham gia Hiệp ước Schengen có thể đi lại tự do bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển giữa các nước mà không cần xin thị thực và không bị kiểm soát ở khu vực biên giới.
Bên cạnh việc tạo ra một biên giới chung, Hiệp ước Schengen còn có quy định chung về chính sách đường biên giới như quy chế chung về tị nạn, thành lập Hệ thống thông tin Schengen giúp cảnh sát và cơ quan lãnh sự truy cập kho dữ liệu chung về tội phạm. Ngoài ra, cảnh sát trong khu vực Schengen có quyền truy bắt nghi can xuyên biên giới trong khối.
Các nhà phân tích đánh giá việc mở rộng khu vực Schengen của EU là bước đi tượng trưng cuối cùng dỡ bỏ “bức màn sắt” ngăn cách những thành viên thuộc Liên Xô (trước đây) với phương Tây.
Khu vực Schengen giờ đây bằng 1/3 diện tích của nước Mỹ và chỉ với một thị thực duy nhất là Schengen, công dân châu Âu và nước ngoài có thể đi khắp khu vực từ Estonia ở phía Bắc đến Bồ Ðào Nha ở phía Nam hay sang tận phía Đông là Hungary.
Tuy nhiên, hiện Anh vẫn đứng ngoài khu vực Schengen, trong khi hai nước không thuộc EU là Na Uy và Iceland lại tham gia hiệp ước này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso cho biết, việc mở rộng biên giới sẽ thúc đẩy thương mại và du lịch của châu Âu, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế khu vực. Ðối với những du khách cần phải có thị thực trước khi vào EU, đây là một chuyển biến hết sức tích cực, giúp họ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.
Tuy nhiên, nhiều nước Tây Âu lo ngại rằng, việc mở rộng sẽ làm gia tăng hoạt động tội phạm và nhập cư trái phép, có thể khiến việc đi lại khó khăn hơn cho người ngoài khối, do phí thị thực tăng cao và quá trình xin thị thực sẽ chặt chẽ hơn. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu khẳng định, Hiệp ước Schengen sẽ góp phần bảo đảm tự do, hòa bình, an ninh, đoàn kết và đưa các quốc gia châu Âu xây dựng một châu Âu không biên giới.
Hiện tại khối Schengen bao gồm 27 quốc gia Châu Âu, trải dài trên diện tích hơn 4,3 triệu km2, tổng dân số hơn 427 triệu người, GDP khoảng 15 nghìn tỉ USD.
Có thể nói, khối Schengen có thể được so sánh với một quốc gia rộng lớn dựa trên các quy tắc chung như: Tự do đi lại; không có biên giới nội bộ giữa các quốc gia; tăng cường hệ thống tư pháp chung và hợp tác cảnh sát.
Bất kỳ ai sống tại một trong 27 quốc gia này đều dễ dàng đi lại qua các quốc gia khác mà không cần kiểm tra hoặc kiểm soát tại biên giới. Họ không cần phải tốn thời gian chờ đợi tại các điểm kiểm soát và hạn chế trên khắp châu Âu mà chỉ đơn giản là đi lại một cách tự do.