Hiệp ước toàn cầu về ứng phó với đại dịch trước nguy cơ lỡ hẹn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những nhượng bộ quan trọng, chấp nhận dỡ bỏ một số điều khoản gây tranh cãi trong 'Hiệp ước toàn cầu về ứng phó với đại dịch' với hy vọng văn bản này sẽ được thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 77 vào ngày 27.5 tới. Tuy nhiên, bất chấp thời hạn chót đang tới gần, nhiều nước, trong đó có Mỹ cho rằng, bước lùi của WHO chưa đủ để giải quyết mối lo ngại của các quốc gia.

Hướng tới “cộng đồng trách nhiệm”

Sau khi thế giới chứng kiến những hậu quả nặng nề do dịch Covid-19 gây ra, vào tháng 12.2021, WHO đã kêu gọi 194 quốc gia thành viên xây dựng một thỏa thuận quốc tế được gọi là (Pandemic Treaty - Hiệp ước về Đại dịch, được hiểu đầy đủ là Hiệp ước toàn cầu về ứng phó với đại dịch), tạo ra một cơ chế điều phối hoạt động, cộng trách nhiệm và chia sẻ nguồn lực giữa các nước để đối phó với các đại dịch toàn cầu trong tương lai.

Nguồn: Hindu Times

Nguồn: Hindu Times

Dự thảo hiệp ước hướng đến chia sẻ dữ liệu về các chủng vi khuẩn, virus hoặc tác nhân có khả năng gây ra đại dịch, đồng thời bảo đảm rằng tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi một cách công bằng từ việc nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị và phương pháp xét nghiệm.

Nội dung hiệp ước cuối cùng được kỳ vọng sẽ cải thiện tính minh bạch và cảnh báo sớm các đợt bùng phát có khả năng nguy hiểm; bảo đảm nhân viên y tế có các công cụ và sự bảo vệ cần thiết; tạo điều kiện phát triển và triển khai nhanh hơn các loại vaccine và thuốc mới trên toàn thế giới; cải thiện năng lực của các phòng thí nghiệm và giám sát mầm bệnh trên toàn thế giới; cho phép phản ứng nhanh hơn, tốt hơn và hợp tác thuận lợi trước bất kỳ một cuộc khủng hoảng y tế nào trong tương lai.

Những nội dung gây tranh cãi

Một trong những mục tiêu lớn nhất của Hiệp ước là “điều phối và phân bổ” nguồn lực giữa các nước. Hay nói cách khác, các nước giàu được yêu cầu hỗ trợ nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nước nghèo, qua đó giúp thế giới đối phó với đại dịch. Cụ thể, dự thảo Hiệp ước yêu cầu các nước giàu cung cấp 20% vaccine, vật tư y tế như bộ xét nghiệm, phương pháp điều trị để WHO phân phối ở các nước nghèo hơn trong trường hợp khẩn cấp. Đây cũng là điểm mấu chốt dẫn đến bất đồng khi các nước giàu không chấp nhận con số này. Vào đầu tháng 5, Vương quốc Anh từ chối ký Hiệp định vì chưa sẵn sàng cung cấp 20% số vaccine của mình.

Các nước giàu cũng lo ngại vấn đề bản quyền vaccine, quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm. Thực tế, một nhóm các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi thư cho Chính quyền của Tổng thống Joe Biden, chỉ trích dự thảo “ảnh hưởng tới quyền sở hữu trí tuệ" và "trao cho WHO quá nhiều quyền lực".

Trong khi đó, các nước đang phát triển lo ngại, Hiệp ước có thể buộc họ phải cung cấp mẫu virus cho các nước giàu để phát triển vaccine và phương pháp điều trị, nhưng sau đó lại không đủ khả năng chi trả cho những sản phẩm này. Một số cũng cho rằng, dự thảo nên yêu cầu các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo thiết lập hạ tầng sản xuất vaccine tại chỗ để bảo đảm khả năng tiếp cận cho mọi người, điều mà các nước giàu cũng không mặn mà.

Nhượng bộ của WHO

Sau vòng đàm phán thứ 9 và cũng là cuối cùng kết thúc ngày 10.5 vừa qua mà không đạt được thỏa thuận, các bên đã gia hạn đàm phán thêm 2 tuần nữa, trong đó WHO đã chấp nhận sửa đổi một số điều khoản quan trọng với hy vọng đạt được sự đồng thuận trước thời hạn chót.

Điểm nổi bật của dự thảo mới nhất là một điều khoản quy định các quốc gia thành viên “công nhận WHO là cơ quan hướng dẫn và điều phối hoạt động ứng phó y tế cộng đồng ở phạm vi quốc tế” và cam kết tuân theo các chỉ thị của WHO trong trường hợp khẩn cấp về y tế. Bản dự thảo mới nhất cũng nêu rõ các khuyến nghị của WHO là “không mang tính ràng buộc”, điều mà trước đó nhiều nước lo ngại có thể làm suy yếu chủ quyền quốc gia.

Trong dự thảo trước đó, WHO được trao quyền để đối phó trong “tất cả các rủi ro có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”. Nhưng dự thảo mới nhất hạn chế quyền lực của WHO trong lĩnh vực dịch bệnh. Tuy nhiên, cách tiếp cận toàn cầu về “Một sức khỏe” (One Health - là cách tiếp cận coi sức khỏe con người có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe động vật và môi trường chung) vẫn được quy định trong dự thảo Hiệp ước. Điều này có thể cho phép mở rộng thẩm quyền của WHO sang các lĩnh vực khác chẳng hạn như hiện tượng nóng lên toàn cầu, môi trường, nông nghiệp và cung cấp thực phẩm.

Những ngôn từ gây tranh cãi trong dự thảo trước đó cũng được loại khỏi bản dự thảo mới nhất. Chẳng hạn, cụm từ “hoàn toàn tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền và các quyền tự do cá nhân cơ bản” đã bị loại bỏ và được thay thế bằng “các nguyên tắc công bằng, toàn diện, gắn kết”. Bản dự thảo hiện tại nêu rõ rằng các bên vẫn sẽ tôn trọng các quyền và tự do cá nhân, nhưng cũng sẽ theo đuổi các mục tiêu chung là “công bằng và đoàn kết”. Vấn đề này trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khi đại dịch xảy ra, chính quyền của hầu hết các nước đều tìm mọi cách nhằm buộc mọi người tiêm phòng.

Chẳng hạn trong một sắc lệnh ban hành năm 2021, Chính phủ đã yêu cầu các chủ lao động tư nhân sa thải những nhân viên không tiêm vaccine, cũng như yêu cầu xét nghiệm hàng ngày. Nhiều quốc gia cũng ban hành hộ chiếu vaccine nhằm cấm những người chưa chích ngừa đi vào một số địa điểm công cộng. Áo đã thông qua một luật trong thời kỳ đại dịch để quy định việc cá nhân từ chối tiêm phòng là phạm pháp. Nhiều tổ chức cho rằng, việc trao cho WHO thẩm quyền này vượt lên trên chủ quyền quốc gia và có thể vi phạm nhân quyền.

Một số điều khoản gây tranh cãi khác chẳng hạn trao cho WHO thẩm quyền giám sát toàn cầu để theo dõi các bệnh tiềm ẩn, các quy định nhằm đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine, các yêu cầu về sổ thông hành y tế kỹ thuật số, những cam kết của các quốc gia thành viên nhằm tài trợ cho cơ sở hạ tầng đại dịch mở rộng của WHO, và chuyển giao công nghệ và những nguồn lực y tế từ nước phát triển sang nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, cũng được điều chỉnh.

Đánh giá về nhượng bộ này, hai vợ chồng luật sư người Anh là Ben và Molly Kingsley cho biết: “Trong hầu hết các lĩnh vực, và đối với tất cả những vấn đề mà chúng tôi lo ngại nhất từ góc độ pháp lý, bản dự thảo mới nhất cho thấy sự nhượng bộ quan trọng của WHO so với bản dự thảo ban đầu. Báo cáo đánh giá của vợ chồng luật sư Kingsley cho rằng, dự thảo Hiệp ước đưa ra quy định về những nghĩa vụ mà các chính phủ phải thực hiện trong thời kỳ dịch Covid-19, bao gồm phong tỏa, hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, kiểm duyệt, và tiêm chủng bắt buộc - đây là những ứng phó chính đáng trước một đại dịch và hoàn toàn phù hợp để hướng dẫn hành vi ứng phó với đại dịch trong tương lai.

Vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét lại

Tuy nhiên, các ý kiến phản đối, trong đó mạnh mẽ nhất là từ phía Mỹ cho rằng những nhượng bộ này là không đủ. “Trên thực tế, tất cả những điều đáng lo ngại vẫn còn đó, mặc dù ngôn ngữ của dự thảo mới đã nhẹ nhàng hơn”, Tiến sĩ Meryl Nass, một bác sĩ nổi tiếng tại Mỹ và là người chỉ trích mạnh mẽ các thỏa thuận của WHO, nói với các nguồn tin.

Trước đó, bang Louisiana và Florida của Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép bang này sẽ không tuân theo chỉ thị của WHO. Các bang khác, chẳng hạn như Oklahoma cũng đang xem xét một luật tương tự. Mới đây, tổng chưởng lý từ 22 bang của Mỹ đã ký một lá thư gửi Tổng thống Joe Biden kêu gọi không ký thỏa thuận và tuyên bố sẽ chống lại mọi nỗ lực của WHO nhằm thiết lập chính sách y tế công cộng ở các bang của họ. Lá thư viết: “Mặc dù phiên bản mới nhất tốt hơn nhiều so với các phiên bản trước, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét lại. Hơn nữa, tính chất linh hoạt của các quy định khiến các điều khoản cũ có thể lại được áp dụng”.

Tình trạng bất đồng hiện nay khiến những hy vọng về khả năng Hiệp ước được thông qua vào ngày 27.5 tới trở nên xa vời. Ngay khi các cuộc đàm phán được khởi động, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là một tiến trình chông gai, bởi Hiệp ước đưa ra các ràng buộc pháp lý buộc các nước phải chia sẻ lợi ích nhiều hơn. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng, ký ức về đại dịch đang dần bị lãng quên và sự chú ý của các nước đối với các thảm họa y tế đang dần nhường chỗ cho những vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột ở Gaza, Ukraine... Đây cũng là một rào cản khiến Hiệp ước toàn cầu về ứng phó đại dịch khó cán đích đúng thời hạn.

Quốc Đạt (Theo Epoch Times, Reuters)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/hiep-uoc-toan-cau-ve-ung-pho-voi-dai-dich-truoc-nguy-co-lo-hen-i372570/