Hiểu đúng để tôn sư trọng đạo

Trong xã hội hiện nay xuất hiện quan niệm coi nhà trường như đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục, còn thầy giáo, cô giáo như những nhân viên.

Cách hiểu này biến học sinh và gia đình học sinh trở thành khách hàng, mà theo quan niệm trong kinh doanh thì khách hàng là “thượng đế”, có quyền yêu cầu, đánh giá, phê phán, thậm chí trách mắng đơn vị và nhân viên cung cấp dịch vụ.

Không ít thầy cô phàn nàn rằng thời nay không dễ để dạy bảo học sinh. Kể cả khi học sinh hư, không chịu học tập, vi phạm kỷ luật thì thầy cô cũng rất bối rối trong phương pháp giáo dục, bởi vì bất cứ sự trách mắng hay hình phạt nào cũng có thể bị học sinh hoặc gia đình học sinh phản ứng. Có một thầy giáo chua chát tâm sự với tôi rằng, anh cảm giác như người thầy bây giờ không còn được tôn trọng. Đó là vì có những học sinh hư, ứng xử rất hỗn hào mà nhiều phụ huynh vẫn bênh con chằm chặp, bất chấp đúng sai; nhà trường thì muốn cho yên chuyện nên luôn “dĩ hòa vi quý”. Môi trường giáo dục như vậy khó có thể uốn nắn, đào tạo ra những công dân tốt.

Những học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội hân hoan trong ngày tới trường. Ảnh: Ngọc Lâm

Những học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội hân hoan trong ngày tới trường. Ảnh: Ngọc Lâm

Những năm gần đây, ngành giáo dục sôi nổi thực hiện chủ trương “lấy người học làm trung tâm”. Bên cạnh mặt tích cực của chủ trương này như mang lại sự chủ động, tích cực, khuyến khích tính phản biện của người học trong quá trình học tập thì đã xuất hiện mặt trái từ việc hiểu sai, hiểu lệch lạc, có những biểu hiện thiếu chuẩn mực trong môi trường học tập. Người giáo viên từ chỗ rất được kính trọng “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, thì có những nơi, những lúc bỗng bị cho “ra rìa”.

Cùng với đó, xuất hiện một quan điểm khá mới trong xã hội cho rằng, học quan trọng hơn dạy. Đây là quan điểm không đúng. Vì không thể tách biệt việc học với việc dạy, hai hoạt động này đều nằm trong một quy trình, đều hướng tới một mục tiêu. Dạy hay học chưa tốt đều ảnh hưởng tới kết quả chung.

Những cách hiểu sai về quan điểm giáo dục sẽ có tác hại lớn với môi trường giáo dục phổ thông, nơi học sinh đang trong quá trình hình thành nhân cách, nơi mà giáo viên phải vừa “dạy”, vừa “dỗ” học sinh. Việc quá đề cao học sinh mà coi nhẹ vai trò của giáo viên sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh trong ứng xử với thầy giáo, cô giáo.

Thời gian qua, các nhà nghiên cứu giáo dục quan tâm nhiều tới tâm lý của học sinh. Họ khẳng định rằng, khi học sinh có tâm lý thoải mái, hạnh phúc trong môi trường học tập thì sẽ hấp thụ được kiến thức tốt hơn. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Cùng với việc quan tâm tới tâm lý của học sinh thì cũng cần quan tâm tới tâm lý của giáo viên. Chúng ta nhắc nhiều tới đồng lương còn hạn chế của giáo viên, nhưng bên cạnh đó cần tạo ra một môi trường giáo dục mà trong đó các thầy giáo, cô giáo được tôn trọng. Khi các thầy cô yêu nghề, hạnh phúc với môi trường giáo dục mà mình đang cống hiến thì mới có thể dành hết tâm huyết, yêu học sinh như chính con em mình, từ đó truyền thụ tốt nhất kiến thức và cả vốn sống cho học sinh.

Dân gian ta có câu “Không thầy đố mày làm nên”, thể hiện truyền thống "tôn sư trọng đạo", là nét đẹp của văn hóa dân tộc. Dù xã hội có phát triển thế nào thì truyền thống tốt đẹp này vẫn cần được gìn giữ. Khi từ nhỏ học sinh biết tôn trọng người thầy, chịu khép mình vào kỷ luật của trường học thì lớn lên mới thực sự tôn trọng tập thể, sống và làm việc có kỷ luật, kỷ cương, bớt được tính ích kỷ, có trách nhiệm với cộng đồng.

HỒ QUANG PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/hieu-dung-de-ton-su-trong-dao-739976