Hiểu đúng về bệnh trầm cảm để phòng tránh và chữa trị
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội thường thấy những cụm từ 'rơi vào trầm cảm', 'có biểu hiện bị trầm cảm'… Thế nhưng thực tế ít người hiểu biết rõ và chính xác về căn bệnh này. Trầm cảm hiện nay đã trở thành một căn bệnh khá phổ biến, đe dọa mang đến những tác động tiêu cực cho sức khỏe, cuộc sống của người bệnh và cộng đồng. Hiểu đúng và đủ về trầm cảm là cơ sở để mỗi người tự phòng tránh và có cách chữa trị kịp thời khi bản thân hoặc người trong gia đình không may có dấu hiệu bị bệnh.
Thời gian gần đây, nhiều sự việc đau lòng xảy ra trên toàn quốc như mẹ ôm con nhỏ nhảy xuống giếng, con tự tử ngay trước mặt bố mẹ, học sinh bỏ nhà ra đi… Đáng buồn là các nhân vật chính trong những sự việc đau lòng ấy đa phần đều là những người bị trầm cảm hoặc có dấu hiệu trầm cảm, bất ổn về tâm lý. Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến, bao gồm nhiều triệu chứng, nhưng đặc trưng hay gặp nhất là sự buồn chán sâu sắc. Người bệnh không còn quan tâm hay thích thú đối với tất cả những gì xảy ra xung quanh hoặc đối với bản thân mình. Người bị trầm cảm có xu hướng tự gây tổn thương cho bản thân hơn là bộc lộ thiên hướng bạo lực ra bên ngoài.
Người trầm cảm sẽ tự mình gánh chịu mọi áp lực và gần như không có nhu cầu chia sẻ. Căn bệnh này không trực tiếp giết người, mà nó tác động gián tiếp khiến người bệnh có thể chết bất kỳ lúc nào. Trong đó, nổi bật nhất chính là nguy cơ tự sát.Một số chứng trầm cảm khi lên đến cực độ có thể gây nguy hại cho những người xung quanh như những trường hợp trầm cảm nặng sau sinh, vì họ có thể gây nguy hiểm cho chính những đứa con của mình. Nguyên nhân của trầm cảm khá phức tạp, gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm sinh lý, khi gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, thất bại trong công việc hay học tập hoặc sau khi mắc một số căn bệnh nặng như tim mạch, đột quỵ, ung thư... Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa thì không nên quá nghiêm trọng hóa vì căn bệnh này vấn đề không nằm ở nguyên nhân hay triệu chứng mà nằm ở cách thức đối diện với triệu chứng đó.
Chị T ở huyện Vĩnh Linh chia sẻ, chị từng là một người mẹ có con bị trầm cảm. Bé gái nhà chị khi bước vào lớp 1 thì có những biểu hiện lạ. Cụ thể là sau khi đi học về cháu không trò chuyện với ai, chỉ vào góc học tập học xong là đi ngủ. Sau đó chị phát hiện mình thường xuyên bị mất tiền lẻ, mỗi ngày 5, 10 ngàn đồng. Theo dõi kỹ thì phát hiện bé mỗi ngày đều tự ý lấy tiền trong ví mẹ. Chị T. cùng chồng tìm hiểu, hỏi han con nhẹ nhàng, sau nhiều ngày thì biết được bé cảm thấy buồn khi về nhà, thấy đau đầu và muốn lấy tiền cất lại cho đủ để tự đi mua thuốc. Gia đình kịp thời cho cháu thăm khám thì được biết bé có dấu hiệu của chứng trầm cảm, không muốn chia sẻ cùng ai, sau đó chị T. tuân theo hướng dẫn điều trị bằng thuốc cũng như các biện pháp tâm lý.
“Mình thấy việc con mắc bệnh một phần lỗi là do mình đã thiếu quan tâm đến bé. Công việc hai vợ chồng đều rất bận nên mỗi khi con học hành xong đều cho xem tivi hoặc ipad, tự chơi mà chưa dành thời gian trò chuyện hay chơi cùng con. Sau khi con lành bệnh đến nay, mỗi ngày gia đình mình đều dành khoảng thời gian hợp lý để chia sẻ, vui cười cùng con, cho con cảm giác gần gũi cởi mở nhất. Mình mong những bậc cha mẹ không nên xem thường các biểu hiện bất ổn của con cái, tránh để các triệu chứng trầm cảm tích lũy lâu ngày dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”, chị T. nói.
Tại Quảng Trị, theo báo cáo của Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2022, đã quản lý điều trị 3.149 bệnh nhân, trong đó, tâm thần phân liệt 1.521 bệnh nhân, động kinh 1.522 bệnh nhân và trầm cảm 106 bệnh nhân. Chứng trầm cảm là một trong những vấn đề sức khỏe được ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần. Hiện nay, có những suy nghĩ lệch lạc dẫn tới việc kỳ thị, xa lánh bệnh nhân trầm cảm khiến triệu chứng của họ ngày một nặng hơn. Hiểu và nhận thức đúng về trầm cảm là tạo môi trường hòa nhập, thân thiện, không phân biệt đối xử với người có biểu hiện sức khỏe tâm lý, tinh thần bất ổn.
Lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên là lứa tuổi cần được quan tâm đặc biệt, nhất về sức khỏe tâm thần, bởi đây là đối tượng đang phát triển tâm sinh lý mạnh mẽ. Để phòng tránh trầm cảm và các nguy cơ trầm cảm, gia đình và nhà trường cần tạo không khí học tập, vui chơi lành mạnh, thoải mái không quá áp lực cho trẻ. Cho con trẻ cơ hội được sẻ chia, chú trọng vận động và phát triển thể chất, cảm xúc. Các thành viên trong gia đình cần thường xuyên quan tâm giúp đỡ nhau, động viên hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Kỳ, phụ trách chương trình tâm thần quốc gia tỉnh, công tác tại Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Đa số chúng ta xem thường sức khỏe tâm thần, thậm chí xem những người có biểu hiện stress, mệt mỏi, căng thẳng chỉ là việc bình thường. Tới khi các triệu chứng đã nặng và thành chứng trầm cảm thì lại chưa có cách đối diện đúng đắn. Hãy nhớ rằng trầm cảm là bệnh có thể chữa khỏi, chỉ cần được quan tâm và điều trị kịp thời. Với số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, các bác sĩ, cán bộ làm công tác chuyên môn tâm thần tích cực khám và điều trị cho bệnh nhân tại phòng khám trung cấp, cấp phát thuốc chuyên khoa cho tuyến huyện. Chúng tôi thường xuyên đi về các xã kiểm tra, giám sát bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng, tuyên truyền vận động cho bà con cách nhận biết cũng như cách phòng, chống bệnh tâm thần, động kinh, trầm cảm và bệnh rối nhiễu tâm trí. Ngoài ra, còn chú trọng công tác tuyên truyền bằng cách treo băng rôn khẩu hiệu chống trầm cảm trên các tuyến đường chính; hằng năm vào ngày 10/10 (Ngày Tâm thần thế giới), Trung tâm đều có làm phóng sự phát trên các kênh thông tin đại chúng. Tuy nhiên, với lực lượng cán bộ chuyên môn tâm thần còn mỏng, địa bàn quản lý ngày càng mở rộng nên gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho người dân trong tỉnh. Hiện nay, có nhiều người bị trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, quản lý, điều trị và chăm sóc đầy đủ, điều này cần sự chung tay quan tâm của cả gia đình và xã hội”.
Trầm cảm không buông tha bất cứ ai, điều chúng ta cần làm là hãy đặc biệt quan tâm đến nhau khi con cái, người thân, bạn bè có dấu hiệu bất thường về tâm lý và động viên họ đi khám chuyên khoa khi cần thiết để kịp thời chữa trị, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra do bệnh trầm cảm.